Phát triển giáo dục dân tộc đối với mầm non, tiểu học

(GD&TĐ) - Đắk Lắk là một tỉnh miền núi nằm trong vùng Tây Nguyên, có tỉ lệ học sinh dân tộc thiểu số (HSDTTS) chiếm hơn 33% trong toàn ngành giáo dục. Việc nâng cao chất lượng cho HSDTTS cũng như triển khai thực hiện chế độ chính sách cho các em nói riêng và công tác phát triển giáo dục dân tộc nói chung là việc được ngành Giáo dục - Đào tạo cũng như các cấp chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm.

1. Giáo dục Mầm non

Năm học 2012 - 2013, toàn tỉnh có 252 trường Mầm non, tăng 11 trường so với năm học trước (trong đó có 26 trường ngoài công lập), với 80.843 cháu, trong đó số trẻ dân tộc thiểu số 28.581 chiếm 35,35%. Số trẻ dân tộc thiểu số 5 tuổi huy động ra lớp là 12.048 cháu đạt 96,95%, so với năm học trước tăng 1,9%.

Ngành giáo dục tỉnh Đắk Lắk xác định nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em, học sinh dân tộc thiểu số là một trong  những nhiệm vụ trọng tâm của ngành, đáp ứng các yêu cầu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi của tỉnh.

Ngay từ đầu năm học, Sở đã triển khai và thực hiện kế hoạch giáo dục học sinh dân tộc đến từng cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh và chỉ đạo các phòng, trường xây dựng kế hoạch giáo dục dân tộc với những nội dung, biện pháp cụ thể thiết thực, sát hợp với thực tiễn, đặc biệt chú trọng:

Tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân đối với công tác nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số, tăng cường huy động tối đa đưa trẻ 4 tuổi, 5 tuổi học mẫu giáo thực hiện chương trình làm quen với tiếng Việt của lớp mẫu giáo, triển khai áp dụng tài liệu “Chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em trước tuổi đến trường”, tổ chức các chuyên đề nâng cao chất lượng giáo dục. Phát huy sức mạnh tổ chuyên môn trong việc tổ chức tập huấn chuyên đề, dự giờ đánh giá để nâng cao chất lượng dạy học.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu dành cho giáo dục Mầm non đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều xã đã bố trí quỹ đất, quy hoạch khuôn viên, xây dựng cảnh quan môi trường đáp ứng yêu cầu giáo dục trẻ em.

Ưu tiên kinh phí xây dựng phòng học mới, công trình vệ sinh, bếp ăn để tách trường mẫu giáo có nhiều điểm lẻ, thành lập trường mầm non mới nhằm đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Trong năm học 2012-2013, tỉnh đã đầu tư mua thiết bị giáo dục mầm non hơn 18,7 tỷ đồng, huy động xã hội đóng góp hơn 10,1 tỷ đồng.

Các cơ sở giáo dục mầm non đã có nhiều biện pháp chỉ đạo nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ, 100% các trường thực hiện theo dõi sự phát triển thể lực của trẻ bằng biểu đồ phát triển, tăng tỉ lệ trẻ được ăn tại tường (đạt 70,42%, tăng 13,47% so với năm học trước), đảm bảo an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục mầm non, đồng thời phối hợp với y tế các cấp triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh…

Ngoài việc nâng cao chất lượng giáo dục, công tác nuôi dưỡng và chăm sóc, bảo vệ trẻ em cũng được dặc biệt quan tâm. Tỉ lệ trẻ dân tộc thiểu số suy dinh dưỡng nhẹ cân, thể thấp còi giảm đều hằng năm; hạn chế tối thiểu tỉ lệ trẻ béo phì…

Đối với các trường vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số đã tăng cường tổ chức mô hình bán trú dân nuôi, các hoạt động giáo dục Luật An toàn giao thông, bảo vệ môi trường… cho trẻ mẫu giáo cũng được thông qua nhiều hình thức sinh động, hấp dẫn.

Ngoài ra, việc bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cũng được quan tâm như: Mở các lớp bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, tập huấn về tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số, tập huấn về kĩ năng phát hiện sớm… ban đầu cho trẻ bị bệnh, triển khai công tác đồ dùng để chơi… Trong năm qua cũng đã tổ chức Hội thi giáo viên Mầm non dạy giỏi các cấp, cấp tỉnh có 123/150 giáo viên công nhận dạy giỏi.

Đã phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện chế độ cho trẻ mầm non theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ như: chế độ trợ cấp học phí, chế độ trợ cấp tiền ăn trưa…

Công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, thu hút nhiều nguồn lực đầu tư cho giáo dục mầm non: Tổng số kinh phí huy động từ các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, cá nhân, phụ huynh đầu tư đầu tư cho GDMN 10,1 tỉ đồng, hiện đang triển khai dự án xây dựng một trường mẫu giáo Hoa Hồng tại xã ư Êwi- huyện ư Kuin, giá trị công trình 170.000 USD tài trợ không hoàn lại từ vốn của tập đoàn Costa Foundation và ED& F-Man Charico Volcafe của Anh.

2. Giáo dục Tiểu học

Năm học 2012- 2013, toàn tỉnh có 422 trường Tiểu học, tăng 5 trường so với năm học trước, với 173.130 học sinh, trong đó có 69.677 học sinh dân tộc thiểu số, chiếm 40,2%.

 Trong những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk đã tích cực thực hiện các chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS bậc Tiểu học bằng những biện pháp như:

Thực hiện tăng thời lượng dạy học Tiếng Việt lớp 1 cho học sinh DTTS theo hướng điều chỉnh kế hoạch dạy học môn Tiếng Việt từ 350 tiết lên thành 500 tiết theo cách tổ chức dạy 2 buổi/ngày; triển khai áp dụng tài liệu “Chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em trước tuổi đến trường” và thực hiện tăng cường tiếng Việt thông qua các môn học cho trẻ em học sinh DTTS lớp 1, 2, 3 theo chương trình của Dự án PEDC, đưa đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu xây dựng hệ thống bài tập bổ trợ Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số lớp 1, 2, 3” vào dạy thực nghiệm ở 3 huyện có đông học sinh DTTS đã được Hội đồng khoa học cấp tỉnh công nhận và cho phép ứng dụng trên toàn tỉnh vào năm học 2013-2014 (đề tài do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì).

Hầu hết các trường tiểu học đã tăng cường các biện pháp để huy động tối đa trẻ ra lớp, duy trì sĩ số và tạo điều kiện để tổ chức dạy học tăng buổi, hoạt động bán trú, hoạt động ngoài giờ lên lớp, đồng thời các trường tiểu học cũng đã quan tâm việc giáo dục kĩ năng sống cho học sinh DTTS, giáo dục tinh thần đoàn kết dân tộc,  sống hòa nhập với tập thể trong nhà trường và cộng đồng nơi cư trú của học sinh.

Đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú và phù hợp giúp các em tự tin, mạnh dạn hơn trong các hoạt động tập thể, giao tiếp hằng ngày. Đặc biệt đã tổ chức thành công chương trình giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” cho học sinh dân tộc thiểu số ở các cấp góp phần nâng cao tình yêu đối với tiếng Việt và kỹ năng sử dụng tiếng Việt phù hợp cho học sinh dân tộc thiểu số.

Năm học 2012-2013, huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1: 31.459 em; tỉ lệ 99,5% tăng 1,2% so với năm học trước. Trong đó trẻ em người dân tộc thiểu số 6 tuổi vào lớp 1: 12.310/12.180 em, đạt tỉ lệ 98,9%.

Xếp loại học lực của học sinh dân tộc thiểu số bậc Tiểu học năm học 2012-2013 như sau:

Năm học

Tổng số

Giỏi

Tỉ lệ %

Khá

Tỉ lệ %

TB

Tỉ lệ %

Yếu

Tỉ lệ %

Hoàn thành CTTH

Tỉ lệ %

2011-2012

72429

10,3

23,7

55,6

10,4

99

2012-2013

70134

12,2

26,1

52,7

9,0

99,3

Tăng-giảm

Giảm 2285

Tăng 2,2

Tăng 3,7

Giảm 2,9

Giảm 1,4

Tăng 0,3

Với đặc điểm một tỉnh có đông các học sinh DTTS, việc dạy tiếng dân tộc thiểu số luôn được HĐND, UBND Tỉnh quan tâm. Tuy nhiên, hiện nay việc dạy tiếng dân tộc ở Đắk Lắk mới chỉ triển khai dạy một thứ tiếng của dân tộc có số lượng đông nhất trong địa bàn tỉnh là tiếng Êđê.

Những năm gần đây, việc dạy tiếng Êđê được quán triệt theo Nghị định số 82/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Thủ tướng và Nghị quyết số 03/2011/NQ- HĐND ngày 9/7/2010 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về việc dạy tiếng Êđê trong trường Tiểu học và THCS giai đoạn 2010 - 2015.

Với chương trình dạy tiếng Êđê 4 tiết/tuần ở bậc Tiểu học nhằm góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết và bản sắc văn hóa dân tộc. Học sinh học tiếng Êđê được cấp sách giáo khoa và vở viết, giáo viên dạy tiếng Êđê cũng được hưởng thêm phụ cấp. Về công tác quản lý cấp trường có 01đ/c trong Ban Giám hiệu tham gia quản lí, chỉ đạo dạy học tiếng Êđê. Tổ chuyên môn tiếng Êđê sinh hoạt theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Năm học 2012 - 2013, cấp Tiểu học có 02 trường bán trú, với 196 học sinh bán trú. Mặc dù quá trình triển khai hình thức trường phổ thông dân tộc bán trú còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, nhưng được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND, chính quyền các cấp và sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo nên cho đến nay hầu hết các trường đã đi vào hoạt động có nề nếp, có khu nội trú dành cho học sinh bán trú, khu bếp ăn tập thể,…

Đối với học sinh ở nội trú, các em được tổ chức ăn, ở tại khu nội trú của trường. Với chế độ trung bình 14.000đồng/ngày/học sinh cho 2 bữa ăn trưa và chiều, nhìn chung khẩu phần ăn của các em tương đối đảm bảo.

Bên cạnh đó việc chăm sóc sức khỏe và Ban quản lý bán trú kiểm tra định kì, đột xuất khẩu phần ăn nên tạo được sự an tâm cho học sinh, đồng thời tạo được tinh thần đoàn kết tập thể, sự thân thiện gần gũi giữa bộ phận cấp dưỡng với các em học sinh.

Để đảm bảo vệ sinh ăn, ở và khuôn viên khu bán trú, các em học sinh được phân công trực vệ sinh hằng ngày và mỗi tháng tổng dọn vệ sinh 2 đến 3 lần nên giữ được khuôn viên sạch đẹp. Thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh, đặc biệt là kĩ năng hội nhập, giao tiếp ứng xử cho học sinh ở nội trú, Ban quản lý nội trú thường tổ chức những buổi học phụ đạo văn hóa, giao lưu văn nghệ,… cho các em. Giờ giấc học tập và nghỉ ngơi được quy định chặt chẽ.

Thực hiện nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước bảo đảm được cân đối trong nguồn kinh phí chi cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo được giao. Mỗi học sinh được hưởng 420.000đ/tháng, có những trường (trường PTDTBT TH và THCS Bùi Thị Xuân xã Êa Sin, huyện Krông Búk) huy động phụ huynh hỗ trợ thêm cho học sinh mỗi tháng 200.000 đồng nhằm bổ sung thêm vào khẩu phần thức ăn hằng ngày cho các em.

Song song với việc nâng cao chất lượng học sinh, việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo cũng được ngành quan tâm, Sở GD&ĐT bổ sung giáo viên có trình độ chuyên môn giỏi, có tâm huyết giảng dạy các trường thuộc vùng dân tộc. Năm học 2012-2013, tỉnh Đắk Lắk có 10.599 GV, trong đó GV là người dân tộc thiểu số 1.237. GV đạt chuẩn chiếm 99,6%, trên chuẩn 69%.

Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng  về nghiệp vụ cho đội ngũ CB,GV trực tiếp đứng lớp về các hoạt động ngoài giờ lên lớp, đặc điểm tâm lý HSDTTS, văn hóa dân tộc, đồng thời khuyến khích giáo viên tham gia học tập nâng cao trình độ như: Đại học tại chức, thạc sĩ, … Tổ chức thao giảng, dự giờ, giao lưu giữa các trường vùng dân tộc nhằm trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý cũng như công tác dạy và học.

Công tác quản lí giáo dục dân tộc cũng được tăng cường và bồi dưỡng. Sở GD&ĐT lập Ban chỉ đạo về GDDT tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND Tỉnh về sự nghiệp phát triển Giáo dục đào tạo vùng dân tộc. 

Các cơ sở giáo dục phối hợp với các tổ chức quần chúng, tuyên truyền đến gia đình tích cực huy động tối đa học sinh dân tộc thiểu số ra lớp học và duy trì sĩ số, hạn chế tình trạng học sinh DTTS bỏ học, lưu ban, nâng tỷ lệ PCGDTHĐĐT.

Phòng Giáo dục&Đào tạo cử 1 lãnh đạo và 1 chuyên viên phụ trách dạy học tiếng Êđê. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục đào tạo tăng cường công tác phụ đạo bồi dưỡng học sinh dân tộc thiểu số, hỗ trợ động viên học sinh dân tộc đến trường khắc phục tình trạng học sinh bỏ học do học lực yếu kém, hoàn cảnh gia đình khó khăn, lớn tuổi…

2. Kết quả đạt được

Công tác phát triển giáo dục dân tộc ở bậc học Mầm non và Tiểu học trong năm học 2012-2013 của ngành giáo dục tỉnh Đắk Lắk đạt được những thành quả đáng khích lệ:

Mạng lưới trường lớp ngày càng tăng: Năm học 2012-2013, riêng bậc học Mầm non và bậc Tiểu học tăng 16 trường, 556 phòng học (Mầm non tăng 11 trường, 200 phòng học; Tiểu học tăng 5 trường, 356 phòng học so với năm học trước).

Huy động trẻ dân tộc thiểu số ra lớp vượt chỉ tiêu đề ra, quy mô trường lớp ngày càng tăng. Số trẻ ăn bán trú tại trường tăng 4,08%, trẻ học 2 buổi/ngày tăng 3,8%, trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày tăng 12.7%.

Tham mưu tốt xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi phục vụ chăm sóc, giáo dục trẻ.

Đã hoàn thành hiệu chỉnh bộ sách giáo khoa tiếng Ê đê và trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để phát hành. Đồng thời đã hoàn thành bộ sách ngữ pháp tiếng Êđê (sách tham khảo) và bộ sách song ngữ Êđê - Việt cho bậc Tiểu học; đang xúc tiến hợp tác với Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam biên soạn từ điển Êđê – Việt.

Đang tổ chức đào tạo giáo viên dạy tiếng Êđê có trình độ Trung cấp để phát triển thêm số lượng trường học có dạy tiếng Êđê trong những năm tiếp theo.

Công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, thu hút nhiều nguồn lực đầu tư cho giáo dục dân tộc mầm non.

Thực hiện tốt việc phối hợp giữa nhà trường- gia đình- xã hội, các tổ chức quần chúng trong việc thực hiện công tác giáo dục dân tộc .

Việc tổ chức cho học sinh ở bán trú đã góp phần nâng cao chất lượng học tập cho các em. Trong thực tế, học sinh ở lại nội trú thường có kết quả học tập cao hơn so với những học sinh cùng điều kiện nhưng phải về nhà hay ở ngoại trú.

3. Tồn tại

Mặc dù số trường, lớp mới được xây dựng ngày càng tăng, song vẫn chưa đáp ứng nhu cầu gửi con ra lớp ngày càng tăng nhanh như hiện nay, đây là một áp lực trong việc xây dựng cơ sở vật chất của ngành.

Việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn do cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu, trình độ một số giáo viên còn hạn chế.

Chất lượng học tập của học sinh dân tộc thiểu số còn chênh lệch khá cao so với học sinh người Kinh.

4. Giải pháp khắc phục

Để khắc phục những tồn tại trên, Ngành đang tập trung những giải pháp cơ bản sau:

Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, thiết bị đồ dùng dạy học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn nhằm đảm bảo điều kiện học tập của con em các đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực hiện đầy đủ chế độ chính sách nhằm đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của học sinh dân tộc thiểu số và giáo viên dạy tiếng dân tộc.

Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho CBQL, giáo viên công tác vùng dân tộc, vùng khó khăn.

Tăng cường rèn kĩ năng sử dụng tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.

Tăng cường công tác lãnh đạo cũng như công tác phối hợp của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể ở các địa phương trong việc nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc.

  6. Đề xuất, kiến nghị

- Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tham mưu sửa đổi Thông tư 71 để địa phương có cơ sở tham mưu bổ sung thêm biên chế giáo viên đối với lớp học 2 buổi/ngày.

- Hằng năm bố trí nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc cho cán bộ, giáo viên công tác ở vùng dân tộc.

- Sớm xây dựng, thiết kế đồ dùng dạy học tiếng dân tộc nhằm phục vụ cho công tác dạy- học tiếng dân tộc.

-Tăng nguồn kinh phí hỗ trợ cho học sinh bán trú (với mức hiện nay 420,000đồng / tháng thì chưa đáp ứng khẩu phần thức ăn cho học sinh trong giai đoạn hiện nay).

- Bổ sung chế độ hỗ trợ cho cán bộ nhân viên trong trường nội trú, bán trú./.

Phan Hồng

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đăk Lăk

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ