Phát triển giáo dục đại học và vấn đề tự chủ tài chính

GD&TĐ - Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo “Tự chủ đại học – cơ hội và thách thức” được tổ chức ngày 30/9/2016 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã giải tỏa nỗi lo của một số trường, sợ rằng khi tự chủ thì không còn được Nhà nước cấp kinh phí. 

Phát triển giáo dục đại học và vấn đề tự chủ tài chính

Phó Thủ tướng khẳng định: Ngân sách Nhà nước không cắt tiền đầu tư cho giáo dục đại học nhưng cần thay đổi cách thức để tăng cường tính tự chủ, trách nhiệm của nhà trường. Tự chủ không phải là Nhà nước không tiếp tục đầu tư cho giáo dục ĐH chỉ có điều thay đổi cách đầu tư. Phó Thủ tướng đã đưa ra dẫn chứng một số trường đại học như Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân dù đã được trao cơ chế tự chủ đại học, nhưng Nhà nước vẫn đứng ra hỗ trợ trường vay vốn để đầu tư phát triển.

Vấn đề đặt ra cho tự chủ tài chính

Để giáo dục đại học phát triển hòa nhịp với khu vực và thế giới thì việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học, đặc biệt trong đó là vấn đề tự chủ tài chính là điều cần thiết. Việc tự chủ tài chính sẽ giúp các trường đại học sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực của mình, thích ứng nhanh và kịp thời với những yêu cầu mới của xã hội, từ vấn đề xây dựng nội dung chương trình, trang thiết bị phục vụ đào tạo cho đến việc quy hoạch, tuyển dụng và sử dụng nguồn nhân lực và huy động chất xám sao cho hiệu quả.

Có thể nói tài chính có vai trò trọng tâm để tạo điều kiện cho các hoạt động học thuật, đào tạo và đặc biệt là nghiên cứu khoa học. Do vậy, trao quyền tự chủ và sớm để các trường tự chủ hoàn toàn về tài chính là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển giáo dục đại học.

Từ năm 2005, Bộ GD&ĐT cũng đã mạnh dạn giao thí điểm tự chủ tài chính cho 5 trường đại học công lập. Theo đó các trường này phải tự đảm bảo 100% kinh phí chi thường xuyên như một doanh nghiệp Nhà nước, và có thể tự xây dựng định mức chi cao hơn quy định Nhà nước. Tuy nhiên vẫn có ràng buộc là nguồn thu học phí hệ chính quy vẫn phải tuân theo các định mức khung theo Quyết định 70 và Nghị định 49.

Tuy nhiên vấn đề nảy sinh ở đây là đối với các doanh nghiệp, khi được giao tự chủ thì Nhà nước không khống chế nguồn thu, chỉ kiểm soát việc chi; còn đối với trường đại học thì tuy được giao tự chủ nhưng Nhà nước lại khống chế mức thu, nhiều trường đang than vãn về trần học phí đang quá thấp không đủ đáp ứng các điều kiện đảm bảo đào tạo khiến các trường công lập phải tận dụng mọi phương cách để tăng nguồn thu, từ việc mở rộng hệ tại chức đến các chương trình liên kết nước ngoài, chương trình chất lượng cao, điều này không khỏi ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Vẫn biết và hết sức thông cảm với tâm lý chung của các trường khi đi để tìm lời giải cho bài toán tìm đâu cho nguồn thu để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo trong khi mức học phí hiện đang quá thấp, ngân sách Nhà nước lại không đáp ứng đủ. Việc nâng học phí để nâng chất lượng đào tạo đại học là điều cần phải tính đến, thực tế đây là điều nên làm vì ngân sách Nhà nước không chỉ không thể bao cấp đủ, hơn nữa đây còn là bất hợp lý mà chúng ta đang thực hiện khi bao cấp dàn trải cho tất cả sinh viên, điều mà các nước tiên tiến cũng không làm vậy, mà họ chỉ hỗ trợ tín dụng người học sẽ phải có trách nhiệm trả nợ khi tốt nghiệp.

Thế nên ở Việt Nam, theo ý kiến của nhiều chuyên gia thì Nhà nước chỉ nên chi trả từ ngân sách Nhà nước để thu hút nhân tài, hỗ trợ cho sinh viên nghèo, con em nông dân, đối tượng chính sách, còn với các đối tượng thì nên thực hiện theo cơ chế thị trường.

Và việc đảm bảo quyền lợi người học

Theo TS Trương Tiến Tùng – Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội, giao tự chủ cho các trường đại học công lập là điều sớm nên làm, vì nếu không thì trong một môi trường cạnh tranh, các trường bị gò bó về các điều kiện tài chính sẽ không có những quyết sách kịp thời. Để việc điều hành các hoạt động đạt hiệu quả cao nhất thì Nhà nước nên giao toàn quyền tự chủ tài chính cho các trường vì tất cả đều liên quan đến tài chính, cơ quan quản lý Nhà nước chỉ đứng với cương vị giám sát, nếu thấy trường nào có biểu hiện sai thì tuýt còi.

Thêm nữa, điều hành hoạt động ở trường đại học còn có Hội đồng trường, khi tổ chức này thể hiện quyền lực và trách nhiệm của mình, sẽ giám sát phê duyệt tham gia quản trị thu chi sử dụng, thì chắc chắn các nguồn tài chính cũng như việc sử dụng sẽ đạt được hiệu quả cao và tránh được những quan ngại về thất thoát và sai phạm.

Để quản trị trường đại học hiệu quả và nâng cao tính tự chủ thì trường đại học cần phải được tách ra khỏi cách hoạt động như một tổ chức Nhà nước và được quản lý như mô hình doanh nghiệp. Trong đó, vai trò của Hội đồng trường sẽ như Hội đồng quản trị, được giao mọi quyền hạn về tuyển dụng bổ nhiệm hiệu trưởng, quản trị nguồn nhân lực (tuyển dụng, đào tạo, đãi ngộ...), lên chiến lược tuyển sinh, học phí, đảm bảo chất lượng đào tạo.

Việc tuyển dụng giảng viên, trả lương không nhất thiết phải theo chuẩn chung cả nước mà cần phù hợp với mục tiêu đào tạo đặc trưng của trường. Đồng thời có cơ chế đãi ngộ thỏa đáng để các giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học. Trường cần được tự chủ quyết định mức học phí, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất... để nâng cao chất lượng đào tạo.

Hiện nay, Chính phủ đã cho phép một số đại học công lập tự chủ thu học phí cao so với Nghị định 49/2010/NĐ-CP nhưng tuy nhiên chất lượng đào tạo lại chưa tương xứng. Có không ít ý kiến từ sinh viên, phụ huynh phàn nàn về việc học phí tăng nhưng các điều kiện đào tạo không được cải thiện.

Thực tế trên cho thấy, bên cạnh việc muốn được giao quyền tự chủ tài chính toàn diện hơn thì các trường này cũng cần xây dựng những tiêu chí đào tạo chất lượng cao phù hợp để người học không bị thiệt thòi. Nhà trường phải chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội về chất lượng đào tạo và công khai minh bạch các khoản thu, chi tài chính. Cùng với đó là việc các cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải có cơ chế kiểm soát hữu hiệu để đảm bảo quyền lợi cho người học.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 89/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2016. Trong đó, Chính phủ thống nhất chủ trương đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học gắn với nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Theo đó, các trường đại học được giao quyền tự chủ cả về chuyên môn, tổ chức nhân sự, tài chính và tăng cường trách nhiệm giải trình; quy định rõ về kiểm định chất lượng và cơ chế học bổng nhằm bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục đại học chất lượng cao cho con em hộ nghèo, đối tượng chính sách; giảm mạnh sự can thiệp hành chính của các cơ quan chủ quản, tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.