Năm 2024, ngành logistics Việt Nam chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ, nhờ tăng trưởng xuất khẩu và các yếu tố hỗ trợ từ Chính phủ, cũng như sự cải thiện về chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tối ưu chi phí và năng lực quản lý
Theo báo cáo vừa được công bố của Vietnam Report, năm 2024 chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của ngành logistics Việt Nam nhờ tăng trưởng xuất khẩu, sự hỗ trợ từ Chính phủ và sự cải thiện về chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo đó, tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển thông qua các cảng biển ước tính tăng khoảng 14% trong 10 tháng năm 2024, đạt trên 570 triệu tấn. Trong đó, hàng khô và container chiếm tỷ trọng lớn với sản lượng xử lý lần lượt đạt hơn 321 và 191 triệu tấn. Ngoài ra, sự mở rộng của các khu công nghiệp cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu logistics.
Theo số liệu từ đơn vị nghiên cứu thị trường CBRE, cuối tháng 6/2024, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp trung bình đạt 81% ở miền Bắc và 92% ở miền Nam. Con số trên được kỳ vọng khả quan hơn nữa nhờ dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh, với tổng vốn đăng ký đạt trên 27,26 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm.
Sự phục hồi của các doanh nghiệp logistics cũng được thể hiện rõ rệt qua kết quả khảo sát của Vietnam Report về biến động doanh thu, chi phí và lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2023 và 2024.
Năm 2023, doanh thu ngành bị ảnh hưởng mạnh khi 33,3% doanh nghiệp giảm đáng kể. Nhưng năm 2024, tình hình khởi sắc với 52,9% doanh nghiệp tăng đáng kể, tỷ lệ giảm chỉ còn 11,8%.
Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận chi phí tăng đáng kể năm 2024 đạt 17,6%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 52,9% doanh nghiệp tăng doanh thu đáng kể vào cùng kỳ năm 2023. Sự cải thiện doanh thu và kiểm soát chi phí kéo theo triển vọng lợi nhuận tích cực hơn, có 82,3% doanh nghiệp dự báo lợi nhuận tăng trong năm nay.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, những chiến lược mà các doanh nghiệp logistics cần ưu tiên áp dụng trong ngắn hạn là hướng tới tối ưu chi phí vận hành, nâng cao năng suất, phát triển nhân lực và đa dạng hóa thị trường.
Về dài hạn, các doanh nghiệp định hướng thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ và đẩy mạnh thực hành ESG, phát triển bền vững, logistics xanh. Đây là bước đi tất yếu trong bối cảnh ngành logistics phải tối ưu hóa chi phí, tăng hiệu quả vận hành và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Tuy nhiên, việc triển khai ESG vẫn là bài toán cần lời giải dài hạn khi logistics gắn liền với hoạt động vận tải - lĩnh vực tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch lớn và chưa thể chuyển đổi một sớm một chiều.
Khảo sát mới đây của Vietnam Report cho thấy, chỉ có 28,8% số doanh nghiệp đang ở giai đoạn lập kế hoạch ESG, 31,2% số doanh nghiệp đã lập và triển khai một phần cam kết ESG, song chưa có doanh nghiệp nào triển khai toàn diện.
Ngành logistics Việt Nam đang có những bước chuyển mình quan trọng nhờ sự đồng hành và hỗ trợ của Chính phủ, từ cải cách thủ tục hành chính, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng logistics, khuyến khích ứng dụng công nghệ, thúc đẩy các chính sách xúc tiến thương mại…
Để thúc đẩy sự phát triển toàn ngành, các doanh nghiệp tham gia khảo sát đề xuất những kiến nghị chính sách quan trọng như đầu tư hạ tầng giao thông, viễn thông và công nghệ thông tin, có thêm chính sách thúc đẩy ngành dịch vụ logistics phát triển.
Bên cạnh đó, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục hải quan, cắt giảm các khoản phí, lệ phí sử dụng hạ tầng. Đặc biệt, nâng cao năng lực cho các cụm cảng hàng không, cảng biển, cửa khẩu biên giới.
Thị trường với nhiều hứa hẹn
Tại Tọa đàm trực tuyến “Logistics với thị trường Hoa Kỳ”, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian vừa qua, Chính phủ cũng ban hành kế hoạch hành động phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương cũng đưa ra kế hoạch tương tự triển khai trong lĩnh vực của mình.
Hiện nay, các địa phương cũng tích cực thu hút, kêu gọi đầu tư vào các trung tâm logistics, đặc biệt là các trung tâm có quy mô hiện đại, có tính ứng dụng công nghệ cao. Nỗ lực cải thiện đầu tư công để tạo môi trường giúp doanh nghiệp logistics hoạt động tốt hơn.
Với việc mở cửa cũng như Việt Nam tham gia WTO, thị trường logistics của Việt Nam đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài. Hầu hết các doanh nghiệp logistics lớn trên thế giới cũng đã có sự hiện diện tại Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Hoa Kỳ dù đã có tham gia nhưng chưa tương xứng với tiềm lực.
“Trong tương lai, Việt Nam tiếp tục là một thị trường hứa hẹn đem lại nhiều lợi nhuận trong dịch vụ logistics do là một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh và khối lượng hàng hóa sản xuất ra cũng rất lớn. Từ đó kéo theo nhu cầu về mặt lưu thông cũng như các dịch vụ đi kèm”, ông Hải nhấn mạnh.
Đồng thời cần chú trọng đến các dịch vụ có tính tích hợp cao, ví dụ như các chuỗi từ khâu sản xuất, đến xuất nhập khẩu và đến khâu phân phối đều có dịch vụ logistics đi kèm. Thông thường các doanh nghiệp FDI sẽ lựa chọn những dịch vụ logistics của nước ngoài vì họ có tầm với từ Việt Nam ra quốc tế.
Đặc biệt, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, vấn đề đầu tư vào công nghệ xanh cũng cần tập trung. Ngành logistics cũng là ngành sử dụng nhiều năng lượng cũng như mức phát thải cao. Theo đó, công nghệ xanh, công nghệ thân thiện với môi trường như sử dụng phương tiện vận tải, sử dụng điện năng lượng tái tạo… cũng là lĩnh vực hứa hẹn cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư Hoa Kỳ nói riêng.