Logistic đến từ đâu, đi đến đâu?

GD&TĐ - Từ logistics mà chúng ta thường gặp có nhiều nghĩa, lúc như một khái niệm, một lĩnh vực kinh tế, một hoạt động kinh tế, lúc như một bộ môn khoa học, …

Logistic đến từ đâu, đi đến đâu?

LTS: Báo Giáo dục và Thời đại trân trọng giới thiệu bài viết " Logistic đến từ đâu, đi đến đâu? của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Trân - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI.

Bài viết điểm lại những định nghĩa của (logistique, logistics), làm rõ diễn tiến và những tác động của logistic[1] lên kinh tế, môi trường và xã hội trong một thế kỷ gần đây.

1. Diễn tiến của định nghĩa từ logistic

Khi loài người đã vượt qua giai đoạn hái lượm, biết tác động lên môi trường để làm ra của cải và tồn tại mỗi ngày một tiện nghi hơn, rồi sau đó biết trao đổi sản phẩm thì khái niệm dự trữ, bảo quảnchuyên chở. Phải chăng khái niệm logistic nguyên thủy đã xuất hiện từ lúc đó.

Theo dõi định nghĩa logistic ai cũng biết có hai hướng: triết - toán học và quân sự - kinh doanh.

Trong hướng thứ nhất, năm 1762, năm mà từ logistique lần đầu tiên có mặt trong Tự điển của Viện Hàn lâm Pháp, ấn bản lần thứ tư, với định nghĩa: “logistique là danh từ mà người xưa đặt cho đại số (algèbre) và có nghĩa là nghệ thuật làm một phép tính với các ký tự đại diện”. Tự điển Viện Hàn lâm Pháp, ấn bản lần thứ 9, hiện hành, viết về nguồn của từ logistique: “Nguồn. Thế kỷ XVI. Được mượn, thông qua logistica (ars) “(nghệ thuật) tính toán” tiếng latinh muộn, từ tiếng Hy lạp logistikê (tekhnê), “(khoa học về) tính toán”.

Trong hướng thứ hai, Antoine-Henri de Jomini, một vị tướng đã tham gia các cuộc chinh chiến của Napoleon từ năm 1800 đến 1815, xuất bản sách Précis de l’Art de la Guerre, năm 1838, trong đó logistique được ông gọi là “nghệ thuật thực hành di chuyển các đội quân”.

Bảng 1 trình bày diễn tiến của hai hướng định nghĩa từ năm 1762 đến nay.

Cột 1 là các năm có định nghĩa hay ấn phẩm có liên quan đến định nghĩa logistic. Cột 2 là cột diễn tiến của định nghĩa theo hướng triết - toán học. Cột 3, diễn tiến của định nghĩa theo hướng quân sự-kinh doanh. Cột 4 ghi ở dòng tương ứng tên tác phẩm, nhà xuất bản, nội dung cô đọng theo nhận thức của tác giả.

Với hai ấn phẩm năm 1847 và 1854 của G. Boole, một logic mới, vừa biểu tượng vừa toán học, được hình thành trong đó có đại số Boole, xuất phát điểm của máy tính điện tử.

Bảng 1. Diễn tiến định nghĩa của từ logistic từ năm 1762 đến năm 2023

Trong những năm đầu của thế kỷ XX, G. Boole, A.N. Whitehead, A. De Morgan, G. Frege, Pierce, B. Russell là những người tích cực mở đường dẫn từ đại số logic đến logistic.

82 năm sau từ logistics mới được George C. Thorpe sử dụng và “Anh hóa” trong “Pure Logistics: The Science of war preparation” năm 1917. Sau đó logistic được quân đội Hoa Kỳ nghiên cứu để phục vụ Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, ở Hoa Kỳ logistic tiếp tục được nghiên cứu, áp dụng trong các tập đoàn gắn kết với quân đội và thâm nhập vào các trường Đại học. Sự mở rộng từ quân sự sang kinh doanh bắt đầu từ đó. Quản lý chuỗi cung ứng (Supply Chain Management, SCM) ra đời như vậy và logistique được cho là bộ phận của SCM.

Hoạt động logistic thực sự sôi động bắt đầu từ năm 1950 với 3 giai đoạn như đã được thể hiện trong Bảng 1, và ngày càng sôi động với đóng góp của khoa học và công nghệ (KHCN), và dưới tác động của những sự kiện toàn cầu (SKTC).

2. Logistic trong mối tương quan với khoa học công nghệ và sự kiện toàn cầu

Trong các SKTC, bài viết cho rằng toàn cầu hóa thương mại; biến đổi khí hậu; các đại dịch; các sự kiện địa chính trị (chiến tranh, xung đột vũ trang, các hiệp định, hiệp ước); các cuộc suy thoái, khủng hoảng kinh tế, tài chính và tiền tệ có mối tương quan chặt chẽ với logistic.

Trong KHCN, những cuộc cách mạng công nghiệp và các tiến bộ KHCN đã thúc đẩy nội hàm của logistic ngày càng được mở rộng, choàng lên các khu vực kinh tế 2 và 3, các lĩnh vực sản xuất và thị trường, mà ban đầu logistic chỉ là cầu nối, bản lề.

Hình 1 đóng khung từ năm 1900 đến năm 2023 thời gian mà logistic bắt đầu hoạt động sôi động.

Hình 1. Logistic (LOGIS) trong tương quan với KHCN và SKTC từ 1900 đến 2023

Hình 1. Logistic (LOGIS) trong tương quan với KHCN và SKTC từ 1900 đến 2023

Trong Hình 1 được thể hiện trên trục KHCN năm xuất bản các ấn phẩm, các thiết bị máy móc, các tiến bộ KHCN có liên quan trong tự động hóa, trong tính toán (xấp xỉ, tối ưu hóa, mô phỏng số), trong tin học và điều khiển học, Internet kết nối vạn vật và trí tuệ nhân tạo. Các cuộc CMCN lần thứ 2, thứ 3 và thứ 4 cũng đã được thể hiện.

Trên trục SKTC được thể hiện các sự kiện mà theo tác giả đã tác động đến logistic. Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève, chiến tranh Hoa Kỳ tại Việt Nam và Hiệp định Paris năm 1973, được ghi vì ngoài ý nghĩa quốc tế toàn cầu, thì gồng gánh và xe đạp thồ, đường mòn Hồ Chí Minh nhắc nhở rằng còn có vai trò của con người trong logistic. Cũng ghi nhận liên minh quân sự SEATO đã giải thể sau chiến tranh Việt Nam trong khi NATO vẫn tồn tại và mở rộng sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc.

Trục LOGIS là cột 2 và cột 3 trong Bảng 1 trên đó đã hiện thị hai hướng định nghĩa logistic và ba giai đoạn hoạt động của logistic.

Hình 1 cho thấy vai trò đi trước của KHCN đối với LOGIS hay nói cách khác logistic đã được tích cực đầu tư và ứng dụng các thành tựu KHCN từ những người muốn sử dụng nó cho mục đích của họ. Logistic chịu tác động gần như tức thời của các SKTC.

3. Logistic đã trở thành một bộ môn khoa học

Từ chỗ đơn thuần chỉ là tập hợp những kỹ thuật áp dụng trong các khâu tiếp nhận, lưu kho, sản xuất và phân phối hàng hóa đến khách hàng, logistic đã dần dần trở thành một bộ môn khoa học trong lĩnh vực quản lý.

Hội đồng Quản lý Logistic (Council of Logistics Management) năm 1991 định nghĩa “Logistics là quá trình lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát hiệu quả, hiệu quả dòng chảy và lưu trữ hàng hóa, dịch vụ và thông tin liên quan từ điểm xuất phát đến điểm tiêu dùng nhằm mục đích đáp ứng yêu cầu của khách hàng.”

Năm 1972 logistique trở lại Pháp với F. Kolb qua ấn phẩm “La logistique, approvisionnement, production, distribution” trong đó theo ông “Kho phải được hiểu là một vành đai truyền tải chứ không phải là điểm dừng của hàng hóa trước hoặc sau khi thay đổi trạng thái”. Khái niệm dòng (flux) trong logistic ra đời.

Trong luận án của J. Colin (1981), khái niệm dòng được tiếp nối, và logistic được xác định “là khoa học kiểm soát các dòng vật chất thông qua các dòng thông tin”. Đó là cách tốt nhất có thể để đối phó với nhu cầu cuối cùng ngày càng biến động và phân khúc, và phục vụ nó "đúng lúc"”.

A. Rouquet (2019) đi xa hơn: "Logistic là một ứng dụng của các nguyên tắc điều khiển học (cybernetics) và nhờ đó cũng mang tính đột phá như cuộc cách mạng kỹ thuật số". Một cuộc cách mạng khác kín tiếng hơn nhưng cũng không kém phần xáo trộn thế giới, đang diễn ra trong những thập niên gần đây: cuộc cách mạng logistic”.

Theo ResearchGate[2] thì "Quản lý chuỗi cung ứng (SCM) là sự kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học (…). Là một môn khoa học vì nó liên quan đến quy trình và ứng dụng, đồng thời nghiên cứu và kiểm tra kết quả; phân tích định lượng và độ chính xác là những công cụ có giá trị trong giao dịch. Cũng là một nghệ thuật vì nó liên quan đến kiến thức và hiểu biết sâu sắc về nhân văn, khoa học xã hội và hành vi; sự tinh tế và đàm phán là thiết yếu đối với khoa học”.

Trước những thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp, logistic được tích cực đầu tư nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ KHCN, tìm cách đáp ứng các yêu cầu để biến thách thức thành cơ hội. Bảng 2 nêu lên một số thách thức hiện nay và các yêu cầu tương ứng để biến thách thức thành cơ hội. Nội hàm logistic được phong phú thêm.

Bảng 2. Thách thức và yêu cầu cần đáp ứng để biến thách thức thành cơ hội

Bảng 2. Thách thức và yêu cầu cần đáp ứng để biến thách thức thành cơ hội

4. Tác động của logistic hiện nay

* Với nội hàm mở rộng, logistic phủ choàng qua hai khu vực 2 và 3 của nền kinh tế và hai lĩnh vực sản xuất và thị trường. Vận chuyển hàng hóa không còn chủ yếu từ cảng tới cảng” bằng vận tải biển nữa mà “từ nơi sản xuất đến nhà người tiêu dùng” bằng vận tải đa phương thức.

A. Rouquet cho rằng tác động đến mức “Nghĩ đơn giản về một chính sách công nghiệp nhắm vào các nhà máy là nhìn vào hiện thực sản xuất với cặp kính của quá khứ. Phân biệt kinh tế giữa công nghiệp và dịch vụ ngày nay không còn ý nghĩa nữa, là không nhìn trực diện thực tế logistic[3]”.

* Vận tải biển phát triển mạnh bằng các tàu công-te-nơ ngày càng bề thế. Với mạng lưới các cảng biển và cảng trung chuyển quốc tế được tối ưu hóa để “thời gian ngắn nhất, lợi nhuận cao nhất”, “không tồn kho, không dừng”, logistic đang là “nhiên liệu” tăng tốc thời gian bởi lẽ hàng hóa lưu thông càng nhanh thì vốn và lợi nhuận càng tăng.

* Cơ chế này đã tạo nên các siêu tập đoàn vận tải biển đầy quyền lực. Bất chấp đại dịch Covid-19 vận tải biển bằng công-te-nơ tiếp tục phát triển nhanhtập trung (số liệu trong Bảng 3 Bảng 4).

Hình 2 cho thấy sự tăng trưởng nhanh của xuất khẩu hàng hóa và lưu lượng cảng công-te-nơ toàn cầu trong 23 năm (2000-2022).

Qua đại dịch Covid-19, các siêu tập đoàn hàng đầu đã mua cổ phần của các hãng hàng không, và vận tải đường bộ, mở rộng hoạt động sang vận tải đa phương thức[4].

  1. Logistic đến từ đâu, đi đến đâu? ảnh 4

* Hoạt động logistic tác động đến môi trường qua ba khâu: sản xuất hàng hóa, vận chuyển đến nhà máy và đích đến, và rác thải ra môi trường. Logistic xanh phải giải quyết tốt nhất có thể ba nguồn ô nhiễm này.

Đối với vận tải biển. Các siêu tập đoàn vận tải biển muốn các cảng công-te-nơ hoạt động sao cho thời gian tàu lưu tại cảng ngắn nhất. Mặt khác nhằm tối ưu hóa hệ thống tuyến vận tải quốc tế họ đề xuất với các quốc gia có liên quan xây dựng các cảng công-te-nơ trung chuyển quốc tế (CCTCQT).

Đối với họ lợi ích kinh tế là hàng đầu. Đối với nước dự kiến xây CCTCQT, lợi ích cũng là kinh tế nhưng trước nhất cần làm rõ tính khả thikhông hy sinh môi trường[5]. Bảng 5 là năm CCTCQT hiện có ở Đông Á và Đông Nam Á mà cũng là năm CCTCQT bận rộn nhất thế giới. Ảnh vệ tinh cho thấy các cảng này đều tựa lưng vào núi và được xây dựng trên nền địa chất ổn định. Hình 3.

Xe vận chuyển công-te-nơ xuôi ngược trên các tuyến đường bộ là một nguồn ô nhiễm môi trường, một nguy cơ tai nạn giao thông và một mối đe dọa đến tính mạng người dân. Cần được quản lý tốt.

Rác thải ra môi trường. Theo Tạp chí Nature,“năm 2020 trung bình mỗi tuần mỗi người trên hành tinh tạo ra khối lượng nhân tạo lớn hơn trọng lượng cơ thể của họ[6]”. Logistic đã góp phần nhất định và không nhỏ vào tình trạng lạm thác tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường này. Đã đến lúc phải “xanh hóa” logistic, và có lẽ phải bắt đầu giải quyết từ nguồn cội: chính sách vì lợi nhuận trên hết và trước hết.

* Logistic đã tạo ra công việc làm mới. 15 nghề nghiệp đã được các công ty tuyển mộ lao động thống kê. Nhưng tự động hóa, robot-hóa, tin học hóa ngày càng nhiều khâu luôn chuyển dịch cơ cấu lao động. Đội ngủ những người đóng gói, giao hàng gia tăng. Những người lao động trên các tàu công-te-nơ, đủ mọi quốc tịch, làm việc giữa trời cao và biển cả cũng gia tăng mặc dù lao động rất cơ cực và yếu thế vì lợi ích cơ bản hầu như không được bảo vệ.

Trừ một số ít thành đạt, người lao động trong lĩnh vực logistic cũng ở trong tình trạng chung: việc làm bấp bênh, lao động vất vả, cuộc sống yên bình là điều mơ ước.

Rất tiếc tác động về mặt xã hội của việc sử dụng logistic hiện nay được nghiên cứu quá ít để logistic được sử dụng nhân bản hơn.

5. Logistic sẽ đi đến đâu? Còn tùy vào chúng ta

* Khi cân nhắc các sự kiện nào cần đưa vào trục SKTC, tác giả đã chọn Điện Biên Phủ và kết thúc chiến tranh của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Bởi lẽ gồng gánh, xe đạp thồ bằng sức ngườiđường mòn Hồ Chí Minh nhắc nhở rằng các tính toán logistic mà không tính đến nhân tố con người và mục tiêu mà họ phấn đấu, là phiến diện, và trong hai sự kiện liên quan đến Việt Nam mang tính toàn cầu, là một nguyên nhân đã dẫn đến thất bại cho những ai chỉ nhìn thấy khía cạnh vật chất.

* Cách mà logistic đã được sử dụng hiện nay không chỉ là nhiên liệu tăng tốc thời gian và lợi nhuận. Bằng cách phân phối ngày càng nhiều sản phẩm, ngày càng nhanh hơn, logistic còn tạo nhịp điệu cho cuộc sống của chúng ta, kiểm soát nhịp độ thông qua kiểm soát nguồn cung theo lợi ích của một số nhỏ người. Đó có phải là điều mà chúng ta mong muốn cho cuộc sống của mình không?

B. Rappin (2022) đã cảnh báo: “Từ đơn thuần điều hướng các dòng đồ vật phục vụ kinh tế, logistic đang trở thành một "nguyên tắc tổ chức thế giới". Logistic, mà điều khiển học là nền tảng, không nhìn thấy bản chất của sự vật bởi lẽ nó thu gọn thực tế, đồ vật và sinh vật, thành những dòng thông tin tính toán được”.

Liệu văn hóa dân tộc, văn minh của nhân loại cũng sẽ là những “dòng thông tin tính toán được” mà logistic kinh doanh sẽ khai thác để sinh ra lợi nhuận tối đa?

M. Quet (2022) thì cho rằng: “Sự di chuyển của hàng hóa đã trở thành một động cơ thiết yếu của chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa. (…) Trên thực tế ở nhiều nơi logistic đang chi phối quản lý và quản trị nhà nước. Vì lợi nhuận và hiệu quả thị trường, logistic y tế chỉ phân phối thuốc cho những người bệnh có khả năng thanh toán, chứ không cho những người cần thuốc, hay nói cách khác logistic không cần biết đến kế hoạch về nhu cầu cần phải đáp ứng. Phải chăng tư duy và tính duy lý của logistic đã vượt ra ngoài thế giới đồ vật mà người ta có thể đã nghĩ rằng nó chỉ giới hạn trong phạm vi đó?”

* Những câu hỏi mà tác giả đã nêu thể hiện sự đồng tình với những cảnh báo trên. Tuy nhiên tác giả cho rằng không nên nhìn logistic hoàn toàn tiêu cực mà nên nhìn vào nguồn cội. Logistic là một bộ môn khoa học. Chủ nghĩa tư bản đã tạo hình cho nó để tận dụng nó. Để đưa loài người đến đâu, được hay không là câu chuyện khác.

Nếu biết sử dụng đúng, logistic sẽ giúp sử dụng nguồn lực xã hội tối ưu, tiết kiệm thời gian, tài nguyên thiên nhiên, sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả cao. Logistic sẽ hỗ trợ lãnh đạo quốc gia tối ưu hóa hàm mục tiêu bao gồm tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, công bằng và tiến bộ xã hội, điều kiện cần cho sự phát triển bền vững đất nước.

Làm được như thế là một phủ định biện chứng của chủ nghĩa tư bản đang thao túng logistic cho lợi ích của riêng nó.

--------------------------

Lưu ý: Các trích dẫn thư mục trong bài, xin xem trong Bảng 1 và ở một số phụ chú.

[1] Logistics không được Luật Thương mại Việt Nam (2005 hiện hành) giải thích từ ngữ ở Điều 3. Thế nhưng nó xuất hiện trong cụm từ “Dịch vụ logistics” mà nội dung được quy định ở Chương VI, Mục 4, Điều 233. Trong bài này, logistic được dùng để Việt hóa từ logistique (Pháp) và logistics (Anh) trừ trường hợp trong tên của các ấn phẩm hay trong các trích dẫn thì giữ nguyên từ.

[2] ResearchGate là một trang mạng xã hội thương mại của Châu Âu dành cho các nhà khoa học và nhà nghiên cứu. Theo trang này logistique là một phần của SCM, điều cần được xem lại với nội hàm ngay nay của logistique.

[3] A. Rouquet, 2022, “Các quốc gia tiên tiến nhất về công nghiệp kết hợp một chiến lược công nghiệp và logistic mạnh”, Le Monde, 29.1.2022.

[4] Tập đoàn Maersk đã thu tóm công ty LF Logistics của Hồng Kông, mua lại một đội xe tải khắp châu Á kèm theo mạng lưới kho bãi; tập đoàn CMA CGM thì mua cổ phần của Liên minh hàng không Air France-KLM và Công ty vệ tinh Eutelsat để cải thiện lộ trình định tuyến của các tàu công-te-nơ, … là những ví dụ.

[5] https://thesaigontimes.vn/quyet-dinh-va-phan-ky-cac-du-an-dau-tu-cong-co-hop-phan-xay-dung/ 28.03.2024

[6] Global human-made mass exceeds all living biomass | Nature, Năm xuất bản 2020.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ