GS.TS Hoàng Chí Bảo – chuyên gia cao cấp, nguyên ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhìn nhận: Chúng ta từng bước cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, triết lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, đào tạo.
Bức tranh sáng màu
- Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Giáo sư đánh giá như thế nào về những chuyển động của ngành Giáo dục?
- Ngày 4/11/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn và nguồn lực hạn hẹp, song với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, phối hợp có hiệu quả của các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước ta đã tạo được chuyển biến căn bản về chất lượng, hiệu quả, được các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Cụ thể, chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng cao. Trong bảng xếp hạng các quốc gia về lĩnh vực giáo dục năm 2021, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Thí sinh Việt Nam tham dự Olympic khu vực và quốc tế với 38 lượt học sinh tham gia và đều đoạt giải. Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Đơn cử như năm 2022 là bước nhảy vọt khi có hàng loạt cơ sở giáo dục đại học lọt vào bảng xếp hạng những trường đại học tốt nhất khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, nét nổi bật trong bức tranh giáo dục là, toàn dân được học tập và có cơ hội được tiếp cận giáo dục, đào tạo, nhất là với thế hệ trẻ. Cần nhấn mạnh rằng, nước ta thuộc nhóm có thu nhập trung bình thấp, nhiều khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn, giao thông cách trở nhưng chúng ta đã thực hiện thành công mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Qua đó thể hiện nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống chính trị trong việc chăm sóc, giáo dục cho trẻ từ giai đoạn đầu đời, tạo tiền đề quan trọng để các em bước vào các bậc học tiếp theo. Đó cũng là thành quả đáng tự hào của ngành Giáo dục nói riêng và cả nước nói chung.
Cũng trong giai đoạn này, Bộ GD&ĐT đã xây dựng, ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới và tích cực chuẩn bị các điều kiện để thực hiện theo lộ trình Quốc hội quy định. Lần đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng bài bản, tiếp cận quốc tế, theo quy trình chặt chẽ, từ chương trình tổng thể đến chương trình môn học ở các cấp học, lớp học.
Chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành cuối năm 2018 được kỳ vọng giải quyết căn bản những hạn chế của chương trình hiện hành, trong đó đặc biệt là cách tiếp cận chuyển từ phương thức truyền đạt kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Để chuẩn bị tốt cho việc thực hiện chương trình mới, Bộ GD&ĐT đã chủ động, tích cực phối hợp với các địa phương chuẩn bị điều kiện bảo đảm như tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng phương án dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học.
Chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa nhằm khuyến khích sự sáng tạo trong dạy và học của giáo viên đã có những thành công bước đầu. Bộ GD&ĐT đã ban hành hệ thống văn bản để tổ chức biên soạn sách giáo khoa phục vụ triển khai chương trình mới như quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, thúc đẩy xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa.
Có thể nói, chính sách này đã phá bỏ việc độc quyền biên soạn và phát hành, tạo sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng sách giáo khoa. Đây là tiền đề, đồng thời là bước tiến quan trọng trong đổi mới dạy và học ở bậc phổ thông.
GS.TS Hoàng Chí Bảo. |
Đức là gốc, tài là quan trọng
- Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Triết lý này nên được hiểu và vận dụng như thế nào trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thưa Giáo sư?
- Nói đến quan điểm giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh, điểm đầu tiên chúng ta cần nhớ đến, đó là tầm nhìn của Bác. Người nói: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa. Quan điểm này đã tạo nên nền tảng tư tưởng, phương pháp luận cho ngành Giáo dục. Có thể nói, quan niệm về giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh đạt đến mục tiêu lý tưởng nhất. Tức là giáo dục cho học sinh thành người lao động kiểu mới để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đưa ra chủ trương phải thực hiện một nền giáo dục toàn diện, mà có một thời chúng ta nhấn mạnh vào 5 nội dung là: Đức - Trí - Lao - Thể - Mỹ. Giáo dục toàn diện cả thể chất, trí lực và tâm lực. Thể chất tức là thể lực, sức khỏe của học sinh. Vì thế, Bác rất chú trọng môn Thể dục. Bản thân Người - điểm xuất phát của nhà giáo Nguyễn Tất Thành cũng là giáo viên Thể dục.
Còn tâm lực, tức là đạo đức. Cả cuộc đời Người nhấn mạnh vấn đề đạo đức: Cần - Kiệm - Liêm - Chính. Thiếu một trong bốn đức thì không thành người. Cho nên, để có một thế hệ như vậy, trong nhà trường phải giáo dục học sinh lấy đức làm gốc, lấy đức làm hàng đầu của nhân cách; cùng với đó là phát triển trí tuệ, năng lực sáng tạo để có thể hành động vì lợi ích của Tổ quốc, dân tộc và nhân dân.
Hơn nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đưa ra quan điểm giáo dục hết sức hiện đại: Giáo dục gắn liền với đời sống xã hội. Sự thống nhất giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phát triển giáo dục rất quan trọng. Giáo dục phải kết hợp giữa dạy học với thực hành, dạy lý thuyết đi đôi với thực hành, học đi đôi với hành, học tập gắn liền với lao động sản xuất.
Đặc biệt nữa, Người chủ trương, làm thế nào để giáo dục học sinh phát triển được năng lực tự do và sáng tạo. Điều này thể hiện nổi bật trong bức thư của Người gửi cho ngành Giáo dục, các thầy, cô giáo, học sinh nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên dưới chế độ Dân chủ Cộng hòa. Đó là một nền giáo dục dân chủ, cách mạng, khoa học và nhân văn. Một nền giáo dục có khả năng phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của học sinh. Luận điểm này cực kỳ quan trọng, có thể coi đây là điểm cốt yếu trong cương lĩnh giáo dục của chế độ mới.
Chính vì thế, tại Đại hội lần thứ XIII diễn ra tháng 1/2021, Đảng ta nhấn mạnh khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bắt đầu từ việc khơi dậy khát vọng cống hiến của mỗi người, nhất là lớp trẻ; trong đó có học sinh, sinh viên.
Trong bức thư gửi cho học sinh Bác nói rõ: Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước lên đài vinh quang để sánh vai được cùng các cường quốc năm châu hay không, một phần lớn là nhờ công học tập của các em. Đấy chính là khát vọng mà Người gửi đến thế hệ trẻ. Đó cũng chính là mục tiêu mà nền giáo dục đạt tới, gọi là giáo dục phát triển, hiện đại, giáo dục trong đổi mới và hội nhập hiện nay của chúng ta. Qua đó, chúng ta càng nhận thức rõ hơn trọng trách nặng nề và vẻ vang của ngành Giáo dục đối với sự phát triển đất nước.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế). Ảnh: NTCC |
Thực hiện cho được khát vọng của Người
- Phải chăng, quan điểm “Giáo dục là quốc sách hàng hàng đầu” cũng là cụ thể hóa khát vọng của Người đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nước nhà?
- Bấy lâu nay, những tiến trình cải cách giáo dục của chúng ta đều nhằm thực hiện cho được khát vọng của Người là: Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Không chỉ giáo dục, đào tạo mà cả khoa học công nghệ cũng phải là quốc sách hàng đầu. Hai lĩnh vực này có mối liên hệ hữu cơ, giữa các nhà giáo và nhà khoa học, giữa đội ngũ trí thức cao cấp của cả nước nói chung.
Cho nên phải thực hiện cho được vấn đề đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và hệ thống giáo trình đào tạo ở bậc đại học. Ở đó có đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy. Làm sao để khuyến khích và kích thích trí tuệ sáng tạo, khát vọng tìm hiểu, phát triển của học sinh ở các thế hệ, lớp học, ngành học để cuối cùng đạt cho được khát vọng phát triển đất nước.
Dân tộc Việt Nam nhất định phải thành một dân tộc thông thái, tức là có trình độ phát triển trí tuệ cao. Xây dựng Chủ nghĩa xã hội Việt Nam, trong đó giáo dục, đào tạo đóng vai trò quan trọng - cung cấp nguồn nhân lực để xây dựng một xã hội văn hóa cao. Tôi nhắc lại, văn hóa cao chứ không chỉ là học vấn cao. Bởi học vấn là tiền đề, điều kiện, còn văn hóa cao là toàn bộ chất lượng phát triển của con người, cộng đồng xã hội theo đúng chuẩn mực khoa học, cách mạng và nhân văn. Đó cũng là theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời là quan điểm của các cuộc cải cách giáo dục, trong đó có cải cách giáo dục thời kỳ đổi mới và hội nhập theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương Đảng.
- Đội ngũ nhà giáo đóng vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới giáo dục. Vậy quan điểm về xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn như thế nào?
- Khi đề cao người học là trung tâm không có nghĩa là chúng ta xem nhẹ và giảm sút vai trò chủ đạo, tích cực hướng dẫn của người thầy. Điều đó đòi hỏi mỗi giáo viên phải thường xuyên nâng cao năng lực, bản lĩnh trước yêu cầu mới. Qua thực tiễn nghề nghiệp, chúng ta cảm nhận được: Thầy giáo là kỹ sư tâm hồn. Họ không chỉ là người thầy tài năng, nhà sư phạm tâm huyết, mà còn phấn đấu, sáng tạo như người nghệ sĩ tài hoa biết truyền cảm hứng, dẫn dắt học sinh thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Người thầy phải rèn luyện cho học sinh khả năng tự học, tự đào tạo, hoàn thiện nhân cách.
Một trong những luận điểm của Người về giáo dục là coi trọng người thầy. Không có thầy giáo sẽ không có nhà trường, không có hoạt động dạy học của thầy và trò thì không thành giáo dục. Cho nên đầu tư xây dựng nhân lực chất lượng cao, tức là đầu tư cho đội ngũ nhà giáo từ mầm non, tiểu học, trung học đến đại học và trên đại học. Trong cơ cấu hoàn chỉnh đó, vai trò của nhà giáo rất quan trọng. Vì vậy, phải có chiến lược về xây dựng và phát triển đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Đó mới là gốc của vấn đề.
Xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ đức, tài, đủ cả bản lĩnh, niềm đam mê, tận tâm, tận hiến với nghề là mong muốn của xã hội. Đây cũng là nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong việc giúp cho ngành Giáo dục có sự phát triển đột phá, đạt đến chất lượng mới trong yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Vì thế, chúng ta phải chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống các trường sư phạm – hệ thống “máy cái” của ngành Giáo dục.
Ngoài những anh hùng hữu danh, còn có anh hùng vô danh. Đó là lực lượng đông đảo nhà giáo, nhất là thầy cô vẫn miệt mài “gieo chữ” nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Do đó, cần có cơ chế, chính sách tạo động lực cho các nhà giáo gắn bó với sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nước nhà.
- Xin cảm ơn Giáo sư!
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục có tính thời sự và hiện đại. Người chủ trương một nền giáo dục bắt đầu từ trong nhà trường phải có dân chủ. Dân chủ giữa thầy và trò. Thầy yêu quý học trò, học trò kính trọng thầy. Dân chủ nhưng không được “cá đối bằng đầu”. Bác chú trọng kỷ cương, nền nếp, trật tự trong nhà trường, mà ở đó tất cả đều mang tính mẫu mực. Chữ sư phạm - Người còn gắn liền với chữ mô phạm. Mẫu mực trong nhà trường bắt đầu từ nhân vật trung tâm là đội ngũ nhà giáo, gồm cả thầy, cô giáo và cán bộ quản lý.