Xây dựng nông thôn mới là cơ hội để ngành Giáo dục được đầu tư cơ sở vật chất

GD&TĐ - Ngày 15/12, Đoàn công tác liên ngành của Ban Điều phối Trung ương chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã làm việc với tỉnh Hà Giang.

Ông Mai Văn Trinh – Vụ trưởng Vụ Cơ sở Vật chất Bộ GD&ĐT và đoàn công tác lắng nghe những chia sẻ của người dân. Ảnh Ngô Chuyên.
Ông Mai Văn Trinh – Vụ trưởng Vụ Cơ sở Vật chất Bộ GD&ĐT và đoàn công tác lắng nghe những chia sẻ của người dân. Ảnh Ngô Chuyên.

Đoàn công tác do ông Mai Văn Trinh – Vụ trưởng Vụ Cơ sở Vật chất Bộ GD&ĐT làm trưởng đoàn, nội dung làm việc tập trung về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2022.

Mong muốn được đầu tư thêm nhà hiệu bộ, nhà công vụ cho giáo viên

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã báo cáo về kết quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2022 và chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh Ngô Chuyên.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh Ngô Chuyên.

Để thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; ban hành quy chế hoạt động của ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; Chỉ đạo các sở ngành chuyên môn thực hiện một số nhiệm vụ thuộc chương trình xây dựng NTM…; Thông báo kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025;

Ban hành và quyết định quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước giao cho cộng đồng tự thực hiện xây dựng công trình theo định mức hỗ trợ....

Ông Mai Văn Trinh – Vụ trưởng Vụ Cơ sở Vật chất Bộ GD&ĐT phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh Ngô Chuyên.
Ông Mai Văn Trinh – Vụ trưởng Vụ Cơ sở Vật chất Bộ GD&ĐT phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh Ngô Chuyên.

Kết quả, tính đến 12/12/2022 có 1 đơn vị (thành phố Hà Giang) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Số xã được công nhận đạt chuẩn NTM là 47/175 xã; 5 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 64 xã đạt 10-14 tiêu chí; 59 xã đạt dưới 10 tiêu chí; 91 thôn đạt chuẩn NTM.

Đồng thời tại buổi làm việc, đoàn công tác cũng nghe những chia sẻ của các sở, ban ngành ở Hà Giang chia sẻ về quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trong đó có Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang.

Ông Nguyễn Thế Bình - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, chia sẻ: "Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là cơ hội để ngành giáo dục được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học, tạo thuận lợi rất lớn cho các trường".

Chia sẻ của đại diện Vụ giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT. Ảnh Ngô Chuyên.

Chia sẻ của đại diện Vụ giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT. Ảnh Ngô Chuyên.

Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, cũng có một số khó khăn xảy ra.

Thứ nhất, khi các xã về đích NTM chuyển từ vùng 2, vùng 3 lên vùng 1, nhiều học sinh sẽ không còn được thừa hưởng những chính sách hỗ trợ học tập. Việc duy trì sĩ số lớp học, huy động học sinh đến trường rất khó khăn nên chúng tôi mong có chính sách hỗ trợ. Hiện nay, theo khảo sát của chúng tôi, nhóm học sinh thuộc đối tượng này ở Hà Giang gần 20 nghìn em.

Thứ hai, ở những địa bàn NTM cũng như đặc biệt khó khăn theo như Nghị định 105 của Chính phủ hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non - chỉ hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi. Nhóm trẻ từ 18 đến 36 tháng tuổi không được hỗ trợ.

Thứ ba, Chương trình MTQG xây dựng NTM, dự kiến nguồn lực cho địa phương. Chúng tôi cũng đề xuất là những vùng khó khăn như tỉnh Hà Giang được cấp thêm nguồn lực để có thể đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường, phòng học bộ môn, phòng học chức năng, nhà hiệu bộ, nhà công vụ cho giáo viên.

Đoàn công tác đi thăm thực tế tại các trường học. Ảnh Ngô Chuyên.

Đoàn công tác đi thăm thực tế tại các trường học. Ảnh Ngô Chuyên.

Cần truyền thông mạnh mẽ để người dân hiểu rõ

Sau khi kiểm tra thực tế tại một số trường và nghe báo cáo, ý kiến của các sở, ban, ngành - thành viên trong đoàn công tác đã nêu ý kiến: Triển khai chương trình GDPT 2018, nhiều địa phương còn thiếu giáo viên các môn học, trong đó đặc biệt là hai môn Tin học và tiếng Anh.

Đối với bậc Tiểu học, đây là hai môn học bắt buộc từ lớp 3, nếu không có giáo viên, học sinh không được học, dẫn đến nguy cơ không hoàn thành được chương trình học, dẫn đến ảnh hưởng chất lượng phổ cập giáo dục. Đó cũng là một lý do ảnh hưởng đến tiêu chí giáo dục trong bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025.

Đoàn công tác kiểm tra và thăm một số lớp học. Ảnh Ngô Chuyên.

Đoàn công tác kiểm tra và thăm một số lớp học. Ảnh Ngô Chuyên.

Đối với bậc THCS, để triển khai và thực hiện tốt mục tiêu giáo dục của Chương trình GDPT 2018, việc thiếu thiết bị dạy học đặc biệt trong môn Tin học cũng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình học và giảng dạy ở các trường học.

Bên cạnh đó, một thực trạng đáng chú ý nữa hiện nay nhiều trường còn thiếu nhân viên chuyên trách về y tế học đường, thiếu phòng tư vấn tâm lý học đường. Qua buổi làm việc, mong lãnh đạo tỉnh Hà Giang, các cấp, ngành của Hà Giang quan tâm chỉ đạo để hoàn thành tốt mục tiêu giáo dục.

Đối với GD Thường xuyên. Hà Giang cần quan tâm đến hệ thống cơ sở GDTX, đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung giáo viên đầy đủ đối với các Trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn để đảm bảo theo các tiêu chí và đảm bảo theo Công văn 5647/BGDĐT-QLCL của Bộ GD&ĐT. Ban hành hướng dẫn, quy định cụ thể về chi trả kinh phí cho giáo viên dạy chương trình phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Ông Mai Văn Trinh - Vụ trưởng Vụ Cơ sở Vật chất - Bộ GD&ĐT thăm bếp ăn của Trường mầm non Đồng Tâm (Hà Giang). Ảnh Ngô Chuyên.

Ông Mai Văn Trinh - Vụ trưởng Vụ Cơ sở Vật chất - Bộ GD&ĐT thăm bếp ăn của Trường mầm non Đồng Tâm (Hà Giang). Ảnh Ngô Chuyên.

Kết luận tại buổi làm việc, ông Mai Văn Trinh - Vụ trưởng Vụ Cơ sở Vật chất - Bộ GD&ĐT trưởng đoàn cho biết: "Qua kiểm tra thực tế một số trường cũng như nghe báo cáo của đại diện tỉnh Hà Giang chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Hà Giang".

Ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh: "Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM sẽ là cơ hội để cho địa phương được đầu tư điện - đường - trường trạm. Hướng tới mục tiêu nông nghiệp - sinh thái; nông thôn – hiện đại; nông dân – văn minh. Ví dụ hôm qua chúng tôi đến kiểm tra một số trường học, trong đó có Trường Mầm non Đồng Tâm ở huyện Bắc Quang. Mặc dù Trường chưa đạt chuẩn quốc gia nhưng khi thừa hưởng được từ dự án NTM, phòng học, khuôn viên nhà trường, bếp ăn được đầu tư khang trang, trang thiết bị dạy học cơ bản đáp ứng được đủ để phục vụ giảng dạy".

Cũng tại buổi làm việc, ông Mai Văn Trinh đề nghị Hà Giang cần quan tâm và chú trọng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 để hoàn thành 19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí, đặc biệt trong đó có tiêu chí về giáo dục.

“Tôi cũng mong, tỉnh quan tâm và đồng hành cùng Sở GD&ĐT để học sinh, giáo viên có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tốt để hoàn thành mục tiêu giáo dục đưa ra.” - ông Mai Văn Trinh nói và đưa ra gợi ý Hà Giang cần truyền thông mạnh mẽ để người dân hiểu rõ về chương trình mục tiêu quốc gia NTM, từ đó nhận được sự đồng lòng hỗ trợ của người dân.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT cần tham mưu, đề xuất với tỉnh quy hoạch đất cho giáo dục. Vận động các tổ chức, xã hội hóa để xây dựng thư viện cho học sinh, quan tâm đến các mô hình thư viện xanh trong trường học. Đặc biệt, cũng cần chú trọng đến hệ thống nhà vệ sinh thân thiện cho học sinh.

Cần khuyến khích, cổ vũ thầy cô trong trường nghiên cứu để thiết kế dụng cụ dạy học để khắc phục tình trạng thiết thiết bị. Đặc biệt, thầy cô nên tận dụng tối đa các vật liệu có sẵn để tự làm thiết bị, đồ dùng dạy học.

"Sau khi lắng nghe ý kiến của báo cáo của lãnh đạo tỉnh Hà Giang, các sở ban ngành, đặc biệt có ý kiến Sở GD&ĐT đề nghị bổ sung chính sách cho đối tượng trẻ nhà trẻ 18 đến dưới 36 tháng tuổi, đoàn tiếp thu ý kiến để tổng hợp trình Lãnh đạo Bộ tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 105/NĐ-CP vào thời điểm thích hợp.

Theo đó, để hỗ trợ cho trẻ từ 18-36 tháng tuổi trước mắt tỉnh có thể chủ động ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ cho trẻ bằng nguồn ngân sách địa phương để các em có thể đến trường và hưởng các quyền lợi", ông Hoàng Ngọc Hiển - đại diện Vụ giáo dục Mầm non, Bộ GD&ĐT cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ