Phát triển các ngành khoa học cơ bản: Tổng hòa nhiều chính sách

GD&TĐ - Khoa học cơ bản góp phần vào sự phát triển bền vững đất nước, thế nhưng những ngành này khó tuyển sinh do nhiều nguyên nhân.

Vì nhiều nguyên nhân, việc thu hút người tài vào học các ngành khoa học cơ bản còn hạn chế. Ảnh: ITN
Vì nhiều nguyên nhân, việc thu hút người tài vào học các ngành khoa học cơ bản còn hạn chế. Ảnh: ITN

Để cải thiện và phát triển khoa học cơ bản, ngoài chính sách hỗ trợ người học, các chuyên gia cho rằng, cần có cơ chế về việc làm và làm tốt hướng nghiệp từ trường THPT.

Còn khó khăn

Dù các cơ sở giáo dục đại học luôn dành sự quan tâm trong việc đào tạo ngành khoa học cơ bản nhưng GS.TS Lê Thanh Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận thấy, sinh viên có xu hướng lựa chọn ngành nghề có tính ứng dụng cao, cơ hội việc làm rộng mở và thu nhập nhanh hơn các ngành khoa học cơ bản.

“Nếu tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản còn gặp khó khăn lâu dài, có thể dẫn đến nhiều hậu quả. Chẳng hạn, nếu không có cán bộ khoa học giỏi, đầu ngành sẽ thiệt thòi cho thế hệ sau”, GS.TS Lê Thanh Sơn trăn trở.

Theo GS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), dù điểm đầu vào không cao, học phí thấp hơn các ngành đào tạo khác nhưng nhiều ngành khoa học cơ bản vẫn khó tuyển sinh. Người học chạy theo xu thế, ngành “hot”. Còn những ngành cần thiết cho sự phát triển lâu dài của đất nước, xã hội thì không nhận được nhiều quan tâm của học sinh.

Tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, có ngành tuyển không nổi 10 sinh viên hoặc chưa tới 50% chỉ tiêu như: Địa chất học, Kỹ thuật địa chất, Hải dương học, Khoa học môi trường... Một số ngành như: Triết học, Tôn giáo học, Lịch sử, Địa lý, số lượng tuyển sinh được chỉ đạt mức duy trì ngành. Từ thực trạng trên, GS.TS Mai Thanh Phong đề xuất, Chính phủ có chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho những ngành này.

Trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa và có cơ chế, chính sách đặc thù thu hút người học các ngành khoa học cơ bản, GS.TS Lê Thanh Sơn đề xuất, đồng thời gợi ý, chính sách có thể tương tự như đang áp dụng với sinh viên ngành Sư phạm. Từ năm học 2022 - 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội triển khai thí điểm các suất học bổng cho sinh viên ngành khoa học cơ bản thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

GS.TS Lê Thanh Sơn cho hay, gói học bổng gồm: Miễn học phí; miễn phí chỗ ở nội trú; hỗ trợ sinh hoạt phí 20 triệu đồng/năm trong năm thứ nhất và duy trì các năm tiếp theo nếu đạt học lực loại giỏi trở lên; ưu tiên tham gia nghiên cứu khoa học và chương trình ươm tạo nhà khoa học; ưu tiên khi xét các học bổng.

Với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, 9 ngành khoa học cơ bản được nhận học bổng là: Tài năng Toán học, Tài năng Vật lý, Tài năng Hóa học, Tài năng Sinh học, Địa lý tự nhiên, Địa chất học, Tài nguyên và môi trường nước, Hải dương học và Công nghệ kỹ thuật hạt nhân.

Ngoài học bổng của Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cũng hợp tác với nhiều doanh nghiệp, tổ chức bên ngoài, các cựu sinh viên… để triển khai gói học bổng khác đến với sinh viên của trường nói chung và ngành khoa học cơ bản nói riêng. Chẳng hạn, với sinh viên ngành Khí hậu học có học bổng của Tổng cục Khí tượng Thủy văn quốc gia.

phat-trien-cac-nganh-khoa-hoc-co-ban-1.jpg
Giờ thực hành của sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC

Làm tốt công tác hướng nghiệp

Ngoài yếu tố lựa chọn của thí sinh, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, cần có tác động từ cơ chế, chính sách, truyền thông nhằm thay đổi quan niệm của giới trẻ về lựa chọn ngành, nghề; trong đó nhấn mạnh đến yếu tố tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh ngay từ khi còn học phổ thông.

Các trường đại học cần tăng cường công tác truyền thông, hướng nghiệp để sinh viên hiểu rõ hơn về các ngành khoa học cơ bản. Muốn vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa trường đại học với trường THPT trong công tác hướng nghiệp, giúp học sinh có thời gian lựa chọn ngành phù hợp với năng lực và sở thích.

Ngoài ra, Chính phủ cần có cơ chế đặc thù cho những ngành khoa học cơ bản thông qua chính sách đãi ngộ học bổng, việc làm… Đồng thời, cần có chính sách “đặt hàng” đào tạo các ngành khoa học cơ bản, bảo đảm “đầu ra” cho sinh viên. Có được cơ chế này giúp sinh viên yên tâm học tập.

Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, từ năm 2020 đến nay, lĩnh vực: Nông lâm nghiệp và Thủy sản; Khoa học sự sống; Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất. Liên quan đến các ngành khó tuyển sinh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phân tích, vấn đề nằm ở quan hệ khép kín giữa nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ phát triển của nền kinh tế và nhu cầu của thị trường việc làm.

Theo Thứ trưởng, nếu không có sự can thiệp, điều tiết của Nhà nước, quan hệ này tuân thủ theo quy luật thị trường. Nếu trình độ phát triển của nền kinh tế còn thấp, thị trường việc làm sẽ không có nhu cầu cao về nguồn nhân lực khoa học - công nghệ, như vậy sẽ ít thí sinh chọn học những ngành Khoa học - Công nghệ. Còn nếu nguồn nhân lực chất lượng cao khoa học - công nghệ chưa sẵn sàng thì sẽ không thúc đẩy được đầu tư phát triển nền kinh tế tri thức.

Nếu không phát triển được khoa học cơ bản sẽ không có các công nghệ nền tảng, khi đó không có công nghệ mũi nhọn. Nếu không có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học - công nghệ sẽ không thu hút được đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, nền kinh tế do đó đánh mất năng lực cạnh tranh.

Nhiệm vụ đặt ra không chỉ là giữ các ngành khoa học cơ bản, mà còn phải phát triển mạnh hơn nữa, gia tăng cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực. Thứ trưởng khẳng định, Đảng và Nhà nước ta đã xác định nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với khoa học - công nghệ là một trong ba đột phá chiến lược, vì vậy phải có cơ chế, chính sách đầu tư đột phá để hỗ trợ, thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực khoa học - công nghệ, trong đó có các ngành khoa học cơ bản phải đi trước một bước.

Tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần đẩy mạnh tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng tài năng xuất sắc, học sinh giỏi, sinh viên, học viên chương trình tài năng các ngành khoa học cơ bản.

Để phát triển trí tuệ, năng lực, ai cũng phải trải qua quá trình học tập các môn cơ bản; muốn học sâu, giỏi chuyên ngành đều bắt đầu từ khoa học cơ bản. Do đó, nếu không phát triển các ngành khoa học cơ bản sẽ khó phát triển công nghệ cao, khoa học quản lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ