Việt Nam có tiềm năng, lợi thế lớn về nhiều mặt để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển, định vị thương hiệu quốc gia.
Ưu tiên lĩnh vực thế mạnh
Ngày 29/8/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Chỉ thị nêu rõ, trên thế giới, các ngành công nghiệp văn hóa đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ và được xác định là yếu tố quan trọng, bền vững nhằm thu hút nguồn lực, tạo lợi thế cạnh tranh, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, định vị thương hiệu quốc gia.
Việt Nam có tiềm năng, lợi thế lớn về nhiều mặt để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển của đất nước, phù hợp với xu thế của thời đại.
Chỉ thị nêu rõ, trong giai đoạn mới, để các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế và mang lại giá trị gia tăng kinh tế lớn, góp phần quan trọng phát huy và quảng bá các giá trị tốt đẹp, đặc sắc của văn hóa, truyền thống dân tộc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quán triệt, nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, giá trị của các ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội và quảng bá văn hóa Việt Nam.
Đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc chỉ đạo phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Tiếp tục chủ động triển khai Chiến lược theo hướng có trọng tâm, trọng điểm.
Chủ động rà soát, tham mưu trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách cần thiết để hỗ trợ, khuyến khích và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn tới.
Ưu tiên các chính sách về: Ưu đãi đầu tư, đối tác công - tư, quản lý tài sản công, thuế, tiếp cận tín dụng, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, rà soát, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh nhằm phát huy vai trò, nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, đội ngũ nhân lực sáng tạo.
Bộ VH,TT&DL chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền thường xuyên, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ động, phối hợp xây dựng phương án đầu tư, hỗ trợ theo từng giai đoạn đối với một số lĩnh vực công nghiệp văn hóa cần ưu tiên phát triển. Trong đó xây dựng kế hoạch và triển khai thí điểm đến năm 2030 đối với một số lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh, như: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế, du lịch văn hóa....
Chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng khung chỉ tiêu thống kê về các ngành công nghiệp văn hóa, báo cáo cấp có thẩm quyền trong quý II/ 2025.
Bản đồ số các ngành công nghiệp văn hóa
Thủ tướng yêu cầu Bộ VH,TT&DL chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu và hình thành bản đồ số về các ngành công nghiệp văn hóa, báo cáo cấp có thẩm quyền trong quý III/2025; xây dựng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đặc trưng gắn với vùng, miền, địa phương; nghiên cứu, đề xuất, kết nối hình thành quỹ khuyến khích sáng tạo và phát triển công nghiệp văn hóa trên nguyên tắc bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo với các quỹ khác liên quan đến phát triển văn hóa nếu có.
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tổ chức thường niên các sự kiện công bố sáng tạo quốc gia đối với các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa; tổ chức hoạt động tôn vinh, trao giải thưởng cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp có nhiều đóng góp trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Chủ trì, phối hợp thường xuyên với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng cơ chế hợp tác, liên kết giữa các tổ chức đại diện quyền tác giả, quyền liên quan, tác giả, chủ sở hữu, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng... trên cơ sở minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên; xây dựng hệ thống phần mềm tìm kiếm, đối chiếu, so sánh giúp phát hiện, chống vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng và môi trường kỹ thuật số.
Thủ tướng yêu cầu Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương chủ động rà soát, bổ sung, đề xuất bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm phần mềm và trò chơi điện tử trên không gian mạng (thuộc lĩnh vực trò chơi giải trí) mang đậm bản sắc Việt Nam và phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Thúc đẩy sử dụng các nền tảng số của Việt Nam trong việc tạo ra các sản phẩm công nghiệp văn hóa.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, hình thành hệ thống dữ liệu trực tuyến cho các ngành công nghiệp văn hóa. Đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực xuất bản, phát thanh và truyền hình, phần mềm và trò chơi điện tử trên không gian mạng (thuộc lĩnh vực trò chơi giải trí).
Định hướng, chỉ đạo các cơ quan báo chí tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền và xuất bản sách giới thiệu về các ngành công nghiệp văn hóa (xuất bản phẩm in và xuất bản phẩm điện tử).
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương khẩn trương triển khai các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đồng bộ trong cả nước.
Xây dựng và triển khai kế hoạch hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, thời trang, thiết kế. Phối hợp tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa có tiềm năng xuất khẩu.
Phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy, phát triển công nghiệp văn hóa tại địa phương.
Chủ động cân đối, bố trí nguồn ngân sách, nguồn lực để ưu tiên phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa là thế mạnh, có sức cạnh tranh. Đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào công nghiệp văn hóa; trong đó đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý và tăng cường khả năng thực thi pháp luật, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.
Đẩy mạnh liên kết vùng, địa phương trong khai thác và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa. Phát triển thị trường theo hướng từng bước hình thành cộng đồng người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa trong nước và quốc tế.
Chủ động xây dựng kế hoạch về quy hoạch không gian, bố trí quỹ đất, hỗ trợ các không gian sáng tạo, trung tâm công nghiệp văn hóa tại địa phương theo từng giai đoạn. Các địa phương, nhất là một số thành phố nằm trong “Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO” chủ động xây dựng và triển khai phương án hỗ trợ sáng tạo, đẩy mạnh khai thác, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa tại địa phương.
Tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá, tuyên truyền thường xuyên để tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong nhận thức về các ngành công nghiệp văn hóa. Từ nay đến đầu năm 2026, hoàn thành xây dựng và tổ chức, duy trì hoạt động của chuyên trang nội dung về công nghiệp văn hóa trên cổng thông tin điện tử của ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan.
Khơi thông điểm nghẽn, phát huy sức mạnh mềm
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu 6 nhiệm vụ lớn, trong đó “khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh”.
Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được tổ chức ngày 22/12/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Các ngành công nghiệp văn hóa dần trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng; sự đầu tư nguồn vốn vào các ngành công nghiệp văn hóa thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội”.
Theo giới chuyên gia, sau 8 năm Chính phủ ban hành “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Doanh thu xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ văn hóa, số lượng doanh nghiệp và các không gian văn hóa, trung tâm sáng tạo, thành phố sáng tạo trong cả nước tăng lên.
Nhiều sản phẩm, dịch vụ sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật đã thể hiện sống động bản sắc, tinh thần sáng tạo Việt Nam, góp phần phát huy sức mạnh mềm trong hội nhập quốc tế.
Trong đó, về đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa vào GDP, năm 2015 các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 2,68% GDP. Năm 2018 - sau 3 năm thực hiện chiến lược, công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3,61% GDP.
Trong giai đoạn từ năm 2018 - 2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD).
Trong 5 năm qua, bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt 7,21%/năm. Chỉ tính riêng năm 2022, thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến ngành công nghiệp văn hóa và bình quân lực lượng lao động thu hút khoảng 1,7 triệu đến 2,3 triệu người, tăng 7,44%/năm.
Phác họa lại bức tranh sau 8 năm triển khai chiến lược để thấy những kết quả toàn diện. Tuy nhiên, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vẫn còn nhiều khó khăn - như Chỉ thị số 30/CT-TTg đã nêu: Thiếu các văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ vai trò quản lý Nhà nước, trách nhiệm, quyền hạn của các chủ thể có liên quan trong một số lĩnh vực; cơ chế, chính sách chưa theo kịp thực tiễn, quá trình tổ chức thực hiện ở một số ngành, lĩnh vực chưa đạt hiệu quả; cơ chế phối hợp còn thiếu đồng bộ…
Để công nghiệp văn hóa góp phần định vị thương hiệu quốc gia, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng: Hiện nay, việc quản lý sự phát triển của lĩnh vực văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng, có liên quan đến nhiều ban ngành, nhiều khi chồng chéo trùng lặp. Tất cả những điểm nghẽn, hạn chế cần phải khắc phục để khơi thông cho sự phát triển.
“Chúng ta có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa. Bởi đất nước có bề dày lịch sử, hình thành rất nhiều di sản văn hóa đặc sắc. Bất kỳ ai đến Việt Nam đều ấn tượng trước kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, thiên nhiên trên khắp Việt Nam.
Sự đa dạng, phong phú của văn hóa ở các vùng miền, qua các lễ hội, nghề truyền thống, cảnh quan văn hóa, ẩm thực... Tất cả trở thành những chất liệu tuyệt vời cho phát triển công nghiệp văn hóa”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết.
Trong tháng 8/2024, trên cương vị Trưởng Tiểu ban Kinh tế - xã hội Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy quyết liệt các động lực tăng trưởng mới. Phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; phát triển mạnh mẽ công nghiệp văn hóa, thực hiện chính sách an sinh xã hội bao trùm, toàn diện, tổng thể, hội nhập, bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.