Phạt nguội

GD&TĐ - Một người bạn vừa đăng trên trang Facebook của mình về chuyện có người thuê xe ô tô của anh chạy ra Tam Kỳ trên tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng và bị “phạt nguội” đến 25 triệu đồng chỉ với một lỗi là “chạy quá tốc độ cho phép”.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo đó, người thuê chiếc xe ấy chạy trên một quãng đường 60km từ Quảng Ngãi ra Tam Kỳ nhưng có đến 6 lần “vượt tốc độ”. Lần vượt thấp nhất là 108km/h, lần vượt “đậm” nhất là 125km/h, trong khi tốc độ cho phép chỉ là 100km/h.

Các thông số mà cơ quan chức năng báo về cho chủ xe thông qua các camera giám sát trên đường cao tốc có lẽ là chính xác. Anh bạn bình một câu: “Nếu bôi trơn cho cảnh sát giao thông thì cao lắm cũng chỉ … 6 triệu”, tức là mỗi lần vi phạm sẽ “bôi trơn” một triệu, sẽ “lợi” được 19 triệu đồng.

Nhưng đó là phép “suy ra” của cái anh không nắm “quy luật tuần tra” của cảnh sát giao thông. Một quãng đường chỉ 60km thì không có “quân” để giăng ra đến 6 chặng. Mà cao tốc thì cảnh sát giao thông không được phép chặn xe trên đường!

Lâu nay, những tài xế chạy tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hay phàn nàn là khi đến cuối chặng thường bị mấy anh cảnh sát giao thông “của Bộ”, chặn lại phạt vì lỗi quá tốc độ. Có hôm bị phạt, còn bị giam cả bằng lái nhưng cũng lắm hôm được các anh ấy “vui vẻ cho qua”.

Đấy là cách nói uyển ngữ để chỉ việc “bôi trơn” chứ làm gì có chuyện “vui vẻ cho qua”. Tài xế bị phạt thì luôn ấm ức vì cho rằng, mình bị phạt oan, cảnh sát giao thông “bịa” ra lỗi để lấy cớ phạt; còn cảnh sát giao thông thì bị nghi oan (hoặc không oan) là nhận lót tay từ những người vi phạm để cho qua lỗi.

Có lẽ, để khỏi “oan” cho hai phía - tài xế và cảnh sát giao thông, hệ thống camera đã được lắp đặt “dày đặc” trên đường cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng từ hơn một tháng nay. Tất cả những lỗi vi phạm của tài xế (chủ yếu là lỗi chạy quá tốc độ) đều được sự giám sát và phản ảnh trung thực của máy móc chứ không thể “bịa” ra như tài xế đã nghĩ. 

Chuyện văn minh thế, sao không làm sớm? Câu hỏi vừa dễ lại vừa khó trả lời. Trong một lần họp về tình hình giao thông trật tự toàn quốc cách nay đã lâu, ông Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Bộ Công an bấy giờ, nói nửa đùa nửa thật: “Không biết có gì hấp dẫn ở ngoài đường mà ai cũng xin ra đứng ngoài đường?”.

Ý ông Tiệm ám chỉ đến những cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên đường. Người hỏi đã dư biết câu trả lời rồi. Lâu nay, chuyện cảnh sát giao thông mãi lộ đã nói nhiều trên các diễn đàn, từ hội nghị đến các kỳ họp Quốc hội nhưng tình trạng ấy không những không giảm mà còn tăng thêm.

Lỗi này thuộc về hai phía, cả người tham gia giao thông lẫn người kiểm tra hành vi vi phạm giao thông. Anh chạy đàng hoàng, đúng luật thì không việc gì phải “bôi trơn” cả. Khi người ta đã “đúng luật” thì anh cũng không lấy lý do gì để phạt hoặc nhận của đút lót để cho qua lỗi cả.

Bây giờ, để khỏi “nghi oan”, chiếc camera sẽ là trọng tài công tâm nhất trong chuyện phạt hay là không phạt những ai tham gia giao thông trên đường.

Nếu hệ thống camera “phủ sóng” ở khắp các tuyến quốc lộ như cao tốc Đà nẵng - Quảng Ngãi thì chúng ta tin rằng, chẳng một tài xế nào dám vi phạm để rồi “bôi trơn” cả. Lúc bấy giờ, cảnh sát giao thông cũng sẽ không phải mang tiếng “giàu như cảnh sát giao thông” như lâu nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.