(GD&TĐ) - Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”chính thức phát động ngày 16/11/2007 trong đội ngũ nhà giáo cả nước. Qua 5 năm tích cực chỉ đạo và thực hiện, cuộc vận động đã thấm sâu vào đời sống và sinh hoạt xã hội của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, được xã hội đồng tình, ủng hộ.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và các tấm gương tiêu biểu của Công đoàn Giáo dục Thủ đô |
Trước hết, kết quả của cuộc vận động đã khẳng định nội dung của cuộc vận động là hết sức cần thiết, phù hợp với yêu cầu “Đổi mới căn bản và toàn điện nền giáo dục Việt Nam” trong giai đoạn hiện nay; góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục - đạo tạo. Thành công này đã góp phần khắc phục hiện tượng một bộ phận thầy, cô giáo vi phạm đạo đức; không đáp ứng yêu cầu trình độ đào tạo, thiếu kỹ năng nghề nghiệp; thụ động triển khai thực hiện hoạt động dạy học, củng cố niềm tin để chúng ta tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc rèn luyện đạo đức, bồi dưỡng khả năng tự học, khích lệ sự sáng tạo của nhà giáo trong thời gian tới.
Hai là, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật chúng ta cũng thấy còn nhiều hạn chế, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai cuộc vận động. Trong thời gian đầu, việc ban hành văn bản hướng dẫn của Ban chỉ đạo cấp trung ương còn chậm, gây lúng túng cho cơ sở. Trong quá trình thực hiện, chưa chú trọng tổ chức quán triệt sâu sắc mục đích, yêu cầu, nội dung của cuộc vận động; Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện cuộc vận động có nơi, có lúc làm chưa thường xuyên, chưa tích cực. Ở một số nơi, việc thực hiện mới dừng lại ở các hoạt động mang tính hình thức, chưa có các nội dung thiết thực, lôi cuốn nhà giáo, người lao động tham gia. Một số trường học, cơ sở giáo dục còn tâm lý chờ đợi trong triển khai thực hiện.
Bên cạnh những chuyển biến tích cực về đạo đức, lối sống; tinh thần tự học; sự sáng tạo trong đông đảo nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, người lao động, vẫn còn một bộ phận nhà giáo chưa nhận thức đầy đủ, toàn diện về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ý thức tự vươn lên, khả năng tự học, tự cập nhật thông tin, trau dồi kiến thức trong công tác; không vượt qua được những tác động tiêu cực của hoàn cảnh, của cơ chế thị trường, có biểu hiện suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, tha hóa về lối sống, xúc phạm đến nhân cách học sinh, làm tổn hại đến uy tín, danh dự của đội ngũ nhà giáo.
Chủ tịch Công đoàn Giáo dục VN Trần Công Phong trao bằng khen cho các đơn vị đạt thành tích trong việc thực hiện cuộc vận động |
Ba là, qua thực tiễn 5 năm triển khai, chúng ta đã xác định rõ được nguyên nhân thành công và nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong thực hiện cuộc vận động.
Nguyên nhân thành công do cuộc vận động là sự thể hóa các nội dung của cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” vào thực tiễn ngành Giáo dục. Sức hấp dẫn của tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã được toàn xã hội quan tâm, tích cực tham gia học tập, tìm hiểu, nghiên cứu các chuyên đề về tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người, tạo tiền đề tốt đẹp cho việc triển khai thực hiện cuộc vận động.
Cuộc vận động cũng đã đáp ứng được nguyện vọng và yêu cầu cấp bách của đội ngũ nhà giáo bởi vào thời điểm đó, nhiều người, nhiều gia đình, xã hội rất lo lắng tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống; sự yếu kém về chuyên môn nghiệp vụ, nhạt nhòa lý tưởng và thiếu sức sáng tạo trong một bộ phận nhà giáo làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và đào tạo. Đồng thời, trong quá trình triển khai cuộc vận động, đã có sự chỉ đạo thường xuyên và trực tiếp với tinh thần chủ động, sáng tạo của các trường học, cơ sở giáo dục gắn với đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng chỉnh đốn Đảng, phát huy vai trò tích cực của cán bộ, đảng viên và quần chúng lao động, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành và đơn vị trong từng năm học, từng thời kỳ.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế là do cơ chế kinh tế thị trường, lợi ích vật chất đã tác động mạnh đến đạo đức, lối sống trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Bên cạnh đó, nhận thức chung và quyết tâm của một số cấp ủy, lãnh đạo đơn vị trường học, cơ sở giáo dục về việc triển khai cuộc vận động chưa thật đầy đủ và sâu sắc. Có nơi cấp ủy và lãnh đạo đơn vị còn chủ quan, nóng vội, coi việc thực hiện cuộc vận động một lần là xong. Ngược lại, có nơi lại có tâm lý lo ngại, ỷ lại, chờ đợi hướng dẫn của cấp trên dẫn tới thiếu quyết tâm để triển khai. Ở một số đơn vị, vẫn còn tình trạng "khoán" cho công đoàn cơ sở thực hiện là chính, sự tham gia của các thành viên trong ban chỉ đạo chưa đều, chưa có sự phối hợp chặt chẽ.
Bốn là, từ kết quả triển khai cuộc vận động, chúng ta rút ra được những kinh nghiệm thiết thực và quan trọng.
Trước tiên, để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đạt hiệu quả thiết thực, các cấp uỷ Đảng và tập thể lãnh đạo, nhất là người đứng đầu các trường học, cơ sở giáo dục cần nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng, mục đích, yêu cầu và nội dung; khẳng định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nội dung này là giải pháp hàng đầu trong nhóm giải pháp về chính trị, tư tưởng để nâng cao chất lượng đội ngũ.
Trong quá trình thực hiện, các trường học và cơ sở giáo dục phải căn cứ vào hướng dẫn, định hướng chung để chủ động tìm ra những cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của đơn vị mình nhằm đạt hiệu quả thiết thực.
Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tiếp tục thực hiện “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” trong giai đoạn hiện nay, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động; Coi trọng công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các đơn vị cơ sở; nghiêm túc thực hiện các chế độ giao ban, đánh giá rút kinh nghiệm; Tổ chức thực hiện có hiệu quả việc giám sát của tổ chức Đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân; Kịp thời phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến.
Năm là, phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, trong thời gian tới, cần tạo nên bước chuyển mạnh mẽ, đưa nội dung thực hiện “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đi vào chiều sâu, với những nội dung cụ thể, thiết thực hơn.
Thực tế 5 năm qua đã chứng minh, việc thực hiện “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” vừa mang tính cấp bách trong bối cảnh hiện nay, vừa có ý nghĩa lâu dài đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo; là nhiệm vụ đặc trưng truyền thống của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và người lao động, thể hiện tính ngành nghề sâu sắc. Ban chấp hành Công đoàn Giáo dục Việt Nam tin tưởng sâu sắc và kêu gọi đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, người lao động hãy nỗ lực phấn đấu, cống hiến nhiều hơn nữa, quyết tâm thực hiện “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” trong giai đoạn mới, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển giáo dục, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
PGS.TS Trần Công Phong (Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam)