Năm học của nỗ lực và thành công
Theo ông Lê Văn Tâm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ: Trong năm học 2016 - 2017, căn cứ 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản mà Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã đề ra, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Cần Thơ đã tập trung chỉ đạo ngành Giáo dục thành phố phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện tổ chức thực hiện bằng nhiều giải pháp hữu hiệu, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm đã được đề ra cho năm học 2016 - 2017.
Từ đầu năm học 2016 - 2017, UBND thành phố đã chỉ đạo ngành Giáo dục rà soát danh mục công trình trường học đề nghị được đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 cho phù hợp với yêu cầu đổi mới và tình hình thực tế địa phương. Chính vì vậy đến thời điểm hiện tại, mạng lưới giáo dục và qui mô trường lớp ở TP Cần Thơ phần nào đã được ổn định và đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân địa phương.
Trong năm học 2016 - 2017, toàn ngành có 455 trường mầm non và phổ thông, tăng 7 trường so với năm học trước; tổng số học sinh là 243.175, tăng hơn 4.000 học sinh so với năm học trước. Đối với mạng lưới giáo dục thường xuyên, đến ngày 1/4/2017, theo chỉ đạo của UBND thành phố, Sở GD&ĐT đã hoàn thành việc bàn giao 9 TT GDTX về quận, huyện quản lý.
Công tác phân luồng học sinh sau THCS đạt kết quả rất tốt. Thành phố đã chủ trương và chỉ đạo các cơ sở giáo dục lựa chọn nghề phù hợp với truyền thống ở địa phương để khuyến khích học sinh theo học. Kết quả là hiện nay các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các quận, huyện đang tổ chức dạy nghề cho 6.539 học sinh (trong đó có 2.562 học sinh THCS và 3.977 học sinh THPT).
Kỷ cương nền nếp trong các hoạt động giáo dục được nâng cao, thực hiện đánh giá đúng chất lượng thực của học sinh, chất lượng công tác giảng dạy của GV. Công tác giáo dục truyền thống, kỹ năng sống cho học sinh được duy trì và tăng cường bằng nhiều hình thức thiết thực.
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được trang bị đồng bộ, theo hướng chuẩn hóa, đảm bảo yêu cầu phục vụ cho công tác dạy - học đạt chất lượng cao. Năm 2016, UBND thành phố đã công nhận 53 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt vượt 15,22% chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân thành phố giao. Trong 6 tháng đầu năm 2017, có thêm 20 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Tính đến cuối tháng 6 năm 2017, tổng số trường đạt chuẩn quốc gia là 260/455 trường, đạt tỷ lệ 57,14%.
Điểm nhấn của giáo dục thành phố
Về giáo dục mũi nhọn, năm học vừa qua, toàn TP Cần Thơ có 5.888 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp thành phố và tương đương trở lên, tăng 210 giải so với năm học trước; có 244 học sinh đạt giải cấp quốc gia, trong đó 24 học sinh THPT đạt giải kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia các môn văn hóa với 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 8 giải Ba và 13 giải Khuyến khích.
“Đặc biệt, năm học 2016 - 2017, có 1 học sinh đạt Huy chương Bạc tại Cuộc thi Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương và là thành viên của đội tuyển Việt Nam dự thi Olympic Tin học quốc tế tại Iran. Đây là năm học đầu tiên ngành GD&ĐT thành phố có học sinh được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi Việt Nam dự thi và đạt giải quốc tế. Thành tích này đáng được trân trọng và ghi nhận sự cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý, thầy cô giáo và học sinh, là cột mốc đánh dấu sự tiến bộ về chất của lực lượng học sinh giỏi TP Cần Thơ” - ông Lê Văn Tâm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ - cho biết.
Trong việc thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản của năm học 2016 - 2017 mà Bộ GD&ĐT đưa ra, xuất phát từ thực tế giáo dục TP Cần Thơ, các cấp lãnh đạo của thành phố cũng đã xác định việc nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục, năng lực sư phạm của giáo viên là nhiệm vụ quan trọng nhất; xem đây là vấn đề cốt lõi, là thế mạnh mà ngành GD-ĐT thành phố cần tập trung thực hiện, không chỉ cho năm học 2016 - 2017 mà quá trình thực hiện phải có lộ trình, kế hoạch cho cả giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Toàn ngành hiện có 15.380 công chức, viên chức và người lao động; tổng số giáo viên trên chuẩn đạt 79,25%. Trong năm học, ngành đã tổ chức 37 lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ với hơn 4.300 giáo viên và cán bộ quản lý tham gia học tập; Sở GD&ĐT cũng đã phối hợp với ĐH Cần Thơ tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ giáo viên về phương pháp giảng dạy hiện đại do chuyên gia của trường ĐH ở Thái Lan và Hàn Quốc hướng dẫn… Trên cơ sở đó, ngành GD-ĐT đã đưa ra những giải pháp căn cơ, đó là thực hiện bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên theo nhiều cách thức có hiệu quả để tạo nên sự bứt phá, hiệu quả trong quản lý, trong tổ chức giảng dạy nhằm đón đầu việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ GD&ĐT sẽ triển khai thực hiện từ năm học 2018 - 2019.