Phát huy sự chủ động của địa phương

GD&TĐ - Chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới lớp 10 năm học 2022 - 2023, những ngày qua các trường THPT trên cả nước đã tích cực giới thiệu, chọn lựa sách, chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Vấn đề cân não nhất của nhiều nhà trường hiện nay là thiếu giáo viên, nhất là các môn học mới, trong đó có bộ môn Nghệ thuật. Nhiều trường cho biết đang trong quá trình giới thiệu, chọn sách giáo khoa, nhưng lại không có giáo viên môn Nghệ thuật tham gia.

Nghệ thuật bao gồm Âm nhạc và Mĩ thuật lần đầu tiên được đưa vào chương trình lớp 10 từ năm học tới. Thế nhưng đến nay, đội ngũ giáo viên bộ môn này đang gần như trống vắng. Số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy hơn 2.800 trường THPT trên cả nước đều chưa có giáo viên dạy Nghệ thuật. Nếu căn cứ theo chỉ tiêu mỗi trường THPT cần 1 giáo viên Âm nhạc, 1 giáo viên Mĩ thuật thì cả nước cần khoảng gần 5.700 giáo viên. Đó là chưa kể trình độ đào tạo và năng lực của giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc hiện nay không đồng đều.

Để đáp ứng nhu cầu giáo viên Nghệ thuật cho các trường, hiện các cơ sở đào tạo giáo viên Âm nhạc, các khoa sư phạm âm nhạc đang tích cực đầu tư xây dựng chương trình, đề xuất, điều chỉnh, bổ sung các tín chỉ trong chương trình đào tạo ngành Sư phạm Âm nhạc, bám sát vào nội dung dạy và học chương trình mới. Song đòi hỏi các trường có sản phẩm đáp ứng ngay là khó.

Vì thế, để có đội ngũ giáo viên giảng dạy Nghệ thuật cấp THPT, bên cạnh có thể xem xét tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng, đại học từ các trường đào tạo chuyên nghiệp, việc hợp đồng với cộng tác viên, nghệ nhân theo hình thức thỉnh giảng là cách làm đã và đang được nhiều nhà trường tính toán.

Tuy vậy, với hình thức hợp tác cộng tác viên, nghệ nhân, nhiều trường học lại đau đầu với kinh phí để chi trả. Bởi do Nghệ thuật là môn học tự chọn nên hầu hết các trường chưa thể chủ động được đội ngũ, phải đi vào dạy học thực tế mới đánh giá được nhu cầu của học sinh để sắp xếp giáo viên đứng lớp.

Hiệu trưởng các trường THPT cho biết, là môn học mới, học sinh được quyền lựa chọn nên có thể sẽ có tình trạng cả khối chỉ có một hai chục em đăng ký. Khi đó, nhà trường cũng sẽ phải ký hợp đồng với một giáo viên THCS lên dạy. Mỗi giờ dạy chỉ được trả khoảng 50.000 đồng, số tiền quá thấp, lại chỉ có 1 - 2 tiết, e rằng giáo viên hợp đồng, thỉnh giảng khó mà chấp nhận.

Giáo dục nghệ thuật trong Chương trình giáo dục phổ thông mới hướng đến mục tiêu đào tạo con người mới Việt Nam phát triển cân đối, hài hòa, toàn diện, có ý thức về cái đẹp. Môn Nghệ thuật không chỉ dạy về nhạc, họa, mà còn dạy về cái chân, thiện, mỹ, nhân văn. Vì thế, quan điểm của Bộ GD&ĐT là trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải có đủ giáo viên để đảm bảo quyền được học của học sinh.

Trước tình hình đội ngũ giáo viên bộ môn Nghệ thuật còn trống vắng, rất cần một cơ chế linh hoạt cả về tuyển dụng, tài chính và chuyên môn để gỡ khó cho nhà trường khi bắt đầu triển khai, nhằm bảo đảm chất lượng dạy học. Để thực hiện được vấn đề này đòi hỏi các địa phương phải có sự chủ động, linh hoạt trong thẩm quyền của mình.

Không chỉ chủ động, linh hoạt trong điều tiết giáo viên dạy liên trường, giáo viên hợp đồng; xây dựng chế độ chính sách cho giáo viên dạy liên trường, giáo viên hợp đồng phù hợp, các địa phương cũng có thể tính tới phương án đẩy mạnh xây dựng bài giảng điện tử môn Nghệ thuật dùng chung trong dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều người tuy tuổi còn trẻ nhưng đã suy giảm ham muốn tình dục. Ảnh minh họa: L.N

Phái mạnh cũng có lúc 'yếu'

GD&TĐ - Sức khỏe sinh lý từ lâu đã được coi là biểu tượng làm nên bản lĩnh và sự tự tin của phái mạnh.