Phát huy phẩm chất tốt đẹp từ ghế nhà trường

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, các nhà trường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ còn đặc biệt chú trọng GD đạo đức, lối sống cho học sinh.

Lễ kết nạp Đoàn viên mới tại Trường THCS Hà Thạch (thị xã Phú Thọ)
Lễ kết nạp Đoàn viên mới tại Trường THCS Hà Thạch (thị xã Phú Thọ)

Qua đó, giúp học sinh hình thành và phát huy những phẩm chất tốt đẹp ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Sáng tạo và phù hợp

Tại Trường Tiểu học Cao Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được nhà trường thực hiện và duy trì thường xuyên, hiệu quả.

Nhà giáo Đinh Thị Thủy – Hiệu trưởng trường Tiểu học Cao Xá chia sẻ: Không chỉ triển khai đồng bộ việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh qua các bộ môn, các bài học trên lớp mà nhà trường còn đẩy mạnh tổ chức các hoạt động ngoại khóa, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” để thu hút học sinh tham gia, rèn luyện.

Nhà trường yêu cầu giáo viên chủ động tích hợp nội dụng giáo dục đạo đức, lối sống ở những bài, những nội dung thích hợp. Trong đó, chú trọng khơi gợi những giá trị tốt đẹp vốn có của con người như: lòng nhân ái, yêu thương, tôn trọng, bao dung, trung thực, trách nhiệm, chia sẻ, hợp tác.

Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, nhà trường đã xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa phù hợp với tình hình, đặc điểm của đơn vị. Bộ quy tắc ứng xử được quy định rất rõ với 9 nội dung ứng xử chung, 4 quy định ứng xử của cán bộ quản lý, 5 quy định ứng xử của giáo viên, 4 quy định ứng xử của nhân viên, người lao động. Đặc biệt, đối với học sinh quy định 4 nội dung ứng xử trong nhà trường và đối với cha mẹ học sinh và khách khi đến trường quy định 2 nội dung.

Hoạt động ngoại khóa tuyên truyền giáo dục pháp luật cho học sinh tại Trường TH Cao Xá (huyện Lâm Thao). Ảnh tư liệu

Hoạt động ngoại khóa tuyên truyền giáo dục pháp luật cho học sinh tại Trường TH Cao Xá (huyện Lâm Thao). Ảnh tư liệu

Bộ quy tắc ứng xử quy định rõ chuẩn mực trong ứng xử của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động, học sinh, cha mẹ học sinh và khách khi đến nhà trường liên hệ công tác để đảm bảo nền nếp, văn hóa trong nhà trường.

Sự ra đời của Bộ quy tắc ứng xử góp phần xây dựng văn hóa học đường; đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường, phù hợp với chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa của địa phương cũng như của nhà trường. Thể hiện được các giá trị cốt lõi: nhân ái, tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, trung thực trong mối quan hệ của mỗi thành viên trong nhà trường đối với đồng nghiệp, phụ huynh, người khác, đối với môi trường xung quanh và đối với chính mình.

“Thông qua việc thực hiện quy tắc ứng xử trong nhà trường đã góp phần tạo ra mối quan hệ tôn trọng, gần gũi, bao dung, yêu thương, cởi mở, trách nhiệm, dân chủ, đúng mực trong giao tiếp giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp, giữa cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong nhà trường.

Phụ huynh luôn gần gũi đúng mực, tôn trọng, thân thiện, chia sẻ với thầy cô giáo và nhà trường. Học sinh không nói tục, chửi bậy, không đánh nhau mất đoàn kết, luôn kính trọng, trung thực, lễ phép với cha mẹ và thầy cô”, nhà giáo Đinh Thị Thủy – Hiệu trưởng trường Tiểu học Cao Xá khẳng định.

Học sinh Trường THCS Hà Thạch được tham gia cùng các thầy cô giáo trong hoạt động đền ơn đáp nghĩa

Học sinh Trường THCS Hà Thạch được tham gia cùng các thầy cô giáo trong hoạt động đền ơn đáp nghĩa

Còn tại trường THCS Hà Thạch, TX Phú Thọ, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được nhà trường nhà trường thực hiện theo cách đổi mới phương pháp dạy học các môn học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, tích hợp các môn học khoa học, hợp lý.

Trong đó, coi trọng các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa của học sinh, giáo dục kiến thức pháp luật, giáo dục công dân. Thực hiện có hiệu quả công tác tư vấn tâm lý học sinh, đặc biệt quan tâm kịp thời nắm bắt tư tưởng, tâm lý, phát hiện và xử lý những mâu thuẫn trong quan hệ của học sinh, định hướng đúng theo các chuẩn mực đạo đức, tránh các hành vi lệch chuẩn.

Đa dạng hóa hình thức giáo dục văn hóa ứng xử thông qua các hoạt động tập thể, các câu lạc bộ... Phát huy tốt vai trò của tổ chức Đoàn – Đội. Tăng cường giáo dục, định hướng để học sinh sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin, mạng xã hội trong học tập, rèn luyện, hướng nghiệp, giải trí lành mạnh.

Kết hợp “ba lực lượng”

Sự phối hợp giữa 3 lực lượng, 3 môi trường giáo dục là “Gia đình – nhà trường và xã hội” có vai trò quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, lối sống, tác phong của học sinh, đó là quan điểm của Nhà giáo Đinh Thị Thủy – Hiệu trưởng trường Tiểu học Cao Xá.

“Thực tế chứng minh, ở đâu có sự phối hợp chặt chẽ giữa Gia đình – nhà trường và xã hội thì ở đó kết quả giáo dục sẽ tốt hơn rất nhiều. Vì vậy, để nhằm quản lý, giáo dục đạo đức, lối sống cũng như nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường thì công tác phối hợp giữa Gia đình - nhà trường và xã hội hết sức quan trọng”, Nhà giáo Đinh Thị Thủy cho biết thêm.

Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh tại Trường TH Cao Xá được lồng ghép trong các hoạt động ngoại khóa do nhà trường tổ chức

Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh tại Trường TH Cao Xá được lồng ghép trong các hoạt động ngoại khóa do nhà trường tổ chức

Tại Phú Thọ, ngay trước thềm năm học mới, 100% các trường trên địa bàn tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp để thảo luận, trao đổi bàn bạc, báo cáo tình hình kết quả giáo dục học sinh hoặc kiến nghị các giải pháp giáo dục để Ban đại diện cha mẹ học sinh cộng tác.

Một hội nghị quan trọng để lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản ánh, đóng góp của các tổ chức xã hội ở địa phương, của cha mẹ học sinh về các vấn đề có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của học sinh, cha mẹ học sinh, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến công tác quản lý, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Từ đó, xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với Ban đại diện cha mẹ học sinh nhằm tạo thuận lợi trong công tác quản lý, giáo dục đạo đức, lối sống cho các em.

Ngoài ra, còn có thể tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức xã hội ở địa phương và của cha mẹ học sinh trong các hoạt động chung của nhà trường, đặc biệt là các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm, vì thông qua các hoạt động đó giúp các em điều chỉnh nhận thức và hành vi đạo đức của chính mình.

Cô giáo Phạm Thị Hồng Hương- Hiệu trưởng trường THCS Hà Thạch, TX Phú Thọ cho rằng: Công tác chăm sóc và giáo dục đạo đức lối sống học sinh, phụ huynh hay xã hội không thể phó mặc hoàn toàn cho nhà trường. Nhiệm vụ của nhà trường là xây dựng văn hóa nhà trường, môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh và phòng chống bạo lực học đường hiệu quả.

Gia đình cần phối hợp tốt với nhà trường cập nhật, trao đổi thông tin, tham gia tích cực trong các buổi họp, gặp gỡ trao đổi, xử lí các tình huống có liên quan. Gia đình sẽ là điểm tựa vững chắc cho con vững bước vào đời, là cầu nối giữa con với nhà trường và xã hội. Trong khi đó, chính quyền địa phương có chức năng, nhiệm vụ là chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học theo thẩm quyền.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ