Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1400/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” với mục tiêu: “Đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo...”.
Đề án ra đời bước đầu tạo động lực thúc đẩy việc nâng cao chất lượng dạy - học ngoại ngữ trong nhà trường, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ hội nhập. Các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương, cơ sở GD-ĐT đã tích cực triển khai, đạt được kết quả bước đầu trong đổi mới dạy - học ngoại ngữ.
Một chuyển biến thấy rõ là trong triển khai Chương trình môn Tiếng Anh hệ 10 năm thí điểm. Theo thống kê, số học sinh phổ thông theo học chương trình tiếng Anh 10 năm tăng lên hằng năm. Nếu năm học 2017 - 2018, số học sinh theo học chương trình đạt gần 4,9 triệu học sinh, chiếm 36% tổng số học sinh cấp tiểu học; thì năm học 2020 - 2021, con số trên là hơn 9,5 triệu em, chiếm 49% tổng số học sinh tiểu học.
Năm học 2020 - 2021, học sinh lớp 3 được học chương trình tiếng Anh 10 năm đạt khoảng 99%. Bộ GD&ĐT đồng thời tiếp tục khuyến khích dạy các môn học khác bằng ngoại ngữ và dạy ngoại ngữ thông qua các môn học khác (45/63 tỉnh triển khai thí điểm năm học 2019 - 2020)... Đó là những kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn...
Tuy nhiên, chất lượng dạy - học ngoại ngữ hiện nay vẫn là nỗi trăn trở, đặc biệt ở các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Việc dạy - học ngoại ngữ trong nhà trường thường tập trung nhiều cho đáp ứng yêu cầu thi cử, ít chú ý rèn luyện các kỹ năng nghe, nói theo quy định của chương trình mới. Điểm trung bình môn Tiếng Anh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT (trước đây là thi THPT quốc gia) luôn ở mức thấp so với các môn thi khác...
Năm 2018, Tổ chức Giáo dục quốc tế Education First xếp mức độ thành thạo tiếng Anh của người Việt ở vị trí 41 trong số 88 quốc gia. Năm 2021, vị trí của Việt Nam là 66 trên tổng số 112 quốc gia. Tuy là tầm trung so với thế giới, nhưng nhiều người đánh giá kết quả trên chưa thực sự đúng với mong đợi của chúng ta đối với môn học này…
Hòa theo xu thế chung, cũng là một giải pháp để khuyến khích học sinh học ngoại ngữ, mấy năm gần đây, một số trường phổ thông đã bổ sung hình thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế kết hợp xét kết quả học tập. Thậm chí tại Nghệ An, năm thứ 3 địa phương này áp dụng chính sách xét tuyển vào lớp 10 THPT và lớp 6 THCS theo kết quả chứng chỉ năng lực tiếng Anh quốc tế. Có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế uy tín trong tay rõ ràng là lợi thế quan trọng để học sinh có thể trúng tuyển vào một ngôi trường uy tín.
Tuy nhiên, việc này cũng có thể dẫn tới xu hướng chạy theo việc thi lấy chứng chỉ, phụ huynh cho học sinh luyện thi các chứng chỉ phổ biến như IELTS, TOEFL… quá sớm, dẫn tới “lợi bất cập hại”. Chưa kể, các chứng chỉ này không phải dành cho số đông, vì kinh phí đắt đỏ. Do đó, cần có cơ chế chính sách đồng bộ để khuyến khích, thúc đẩy việc dạy - học ngoại ngữ với cả người dạy và người học; chế độ ưu tiên trong tuyển sinh chỉ là một phần trong đó.
Các giải pháp khác cũng rất quan trọng, như tiếp tục đổi mới kiểm tra, đánh giá trong dạy - học ngoại ngữ theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế; chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên ngoại ngữ đủ số lượng, bảo đảm chất lượng; tăng cường điều kiện dạy - học ngoại ngữ; phát triển môi trường học và sử dụng ngoại ngữ; tăng cường đẩy mạnh xã hội hóa trong dạy - học ngoại ngữ… Đây cũng là những nội dung được nhấn mạnh trong Quyết định số 2080/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 - 2025.