Phát hiện trường hợp lá lách “lang thang” hiếm gặp

GD&TĐ - Một người phụ nữ bị đau bụng đến khoa cấp cứu và rất sốc khi biết được nguồn gốc dẫn đến cơn đau của mình. Đó là lá lách của cô di chuyển lệch khoảng 30 cm so với vị trí ban đầu.

 Phát hiện trường hợp lá lách “lang thang” hiếm gặp

Tình trạng hiếm gặp được gọi là lá lách “lang thang” này xảy ra khi các dây chằng có chức năng giữ lá lách tại chỗ trở nên lỏng và giãn. Lá lách, bộ phận lọc máu trong cơ thể và tạo ra các tế bào miễn dịch, thường nằm phía trên dạ dày, ở bên trái của bụng.

Trong trường này, khi một người phụ nữ 36 tuổi đến khám tại Michigan Medicine ở Ann Arbor, các bác sĩ đã tìm thấy lá lách của cô ở bên phải của bụng. “Nó đã di chuyển khoảng 30cm” - TS Alexander Wester, bác sĩ nội trú về nội khoa tại Michigan Medicine trao đổi với Live Science.

Trước đó, 2 ngày trước khi biết về tình trạng kỳ lạ của mình, bệnh nhân đã trải qua một cuộc kiểm tra ung thư gan, trong đó các bác sĩ đã chụp ảnh y tế vùng bụng của cô và thấy lá lách của cô vẫn nằm ở vị trí bình thường. Một ngày sau đó, nữ bệnh nhân bắt đầu bị đau bụng và nôn mửa.

Tại khoa cấp cứu, các bác sĩ đã tiến hành lần chụp cắt lớp mới và phát hiện chỉ trong khoảng thời gian ngắn đó, lá lách của cô đã di chuyển hoàn toàn sang phần đối diện trên cơ thể.

Nhưng đâu là lý do dẫn đến hiện tượng này? Sự chuyển động có thể xuất phát từ gan của cô ấy, cơ quan kết nối với lá lách qua một hệ thống các tĩnh mạch.

Theo Mayo Clinic, người phụ nữ này mắc một bệnh lý về gan được gọi là viêm đường mật xơ cứng nguyên phát, một căn bệnh tiến triển có biểu hiện là tình trạng viêm nhiễm trong đường mật dẫn chất lỏng tiêu hóa từ gan đến ruột non. Tình trạng viêm này gây ra sẹo nặng ở gan, được gọi là xơ gan, khiến máu khó lưu thông qua cơ quan.

TS Alexander Wester cho biết thêm: Giống như một đường ống bị tắc, điều này làm cho máu bị ứ lại, và một trong những nơi nó bị ứ lại là lá lách. Theo thời gian, lá lách trở nên lớn hơn để cố gắng chứa tất cả lượng máu bổ sung. Khi lá lách lớn hơn, các dây chằng xung quanh nó có thể bị kéo giãn, khiến lá lách thoát khỏi vị trí bình thường của nó là ở vùng bụng trên. Đó chính là hiện tượng “lang thang”.

Theo Tổ chức quốc gia về Các chứng Rối loạn hiếm gặp, lá lách lang thang cũng có thể xảy ra do các tình trạng bẩm sinh, trong đó trẻ sinh ra với dây chằng yếu hoặc bị thiếu mà bình thường có chức năng ổn định vị trí của lá lách.

Tình trạng này cũng có thể phát sinh ở tuổi trưởng thành do chấn thương thể chất hoặc các tình trạng khác có thể làm suy yếu các dây chằng gần lá lách, chẳng hạn như các bệnh mô liên kết hoặc thậm chí là việc mang thai.

“Nguy cơ lớn nhất của việc để lá lách đi lang thang không được điều trị là nhồi máu lá lách. Có những mạch máu đi gần lá lách có thể bị xoắn và cắt đứt nguồn cung cấp máu cho lá lách. Điều này có thể dẫn đến cơn đau dữ dội và thậm chí là tử vong nếu không được điều trị.

Tuyến tụy, nơi sản xuất hormone và enzym tiêu hóa cũng được kết nối với lá lách qua các mạch máu và có thể bị viêm khi lá lách đi lạc chỗ - TS Alexander Wester nhấn mạnh.

“Bạn có thể sống mà không có lá lách nguyên vẹn, và hầu hết bệnh nhân nên cắt bỏ lá lách của họ nếu gặp phải tình trạng này” -  TS Alexander Wester cho biết. Tuy nhiên, bệnh nhân đang được đánh giá để cấy ghép gan vào thời điểm đó.

Vì vậy, việc cắt bỏ lá lách của bệnh nhân đã được hoãn lại tới một thời gian nào đó trong tương lai. Trong thời gian chờ đợi, bệnh nhân có lá lách “lang thang” đã được điều trị kiểm soát cơn đau và truyền nước, đồng thời chứng đau bụng và nôn mửa đã được giải quyết.

Theo Livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.