Giữ được lá lách cho bệnh nhân nhờ phương pháp điều trị ít xâm lấn

GD&TĐ - Bằng phương pháp nút động mạch lách, các bác sĩ đã giữ được lá lách cho bệnh nhân mà không phải phẫu thuật cắt bỏ sau khi gặp tai nạn giao thông.

Giữ được lá lách cho bệnh nhân nhờ phương pháp điều trị ít xâm lấn
Mới đây, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn (TP.HCM) tiếp nhận bệnh nhân N.N.V (SN 1985) trong tình trạng đau bụng dữ dội. Theo lời kể của bệnh nhân, trong đêm trước khi nhập viện, bệnh nhân bị té xe do trời mưa cộng với đường trơn trợt và đã bị va đập hông trái vào tay lái.
Tuy nhiên, do chủ quan khi quan sát thấy vùng bụng không bị trầy xướt nên không đi khám. Về nhà được 2 giờ, anh V. bắt đầu đau bụng, đau tăng dần và nhanh chóng lan ra khắp ổ bụng, khiến anh không chịu nổi, phải nhập viện cấp cứu.
Tại bệnh viện, các bác sĩ xác định người bệnh bị chấn thương vỡ lá lách mức độ 3, chảy máu nhiều trong ổ bụng. Với tình trạng này, nguy cơ cần phẫu thuật cắt bỏ lá lách để cầm máu cho bệnh nhân là rất cao.
Tuy nhiên, nhận thấy sinh hiệu của bệnh nhân hiện vẫn đang ổn định và bệnh nhân còn khá tỉnh táo. Các bác sĩ đã hội chẩn, quyết định áp dụng phương pháp nút động mạch lách để cầm máu và bảo tồn lách, giúp bệnh nhân giữ lại được lá lách của mình.
BS CKII Nguyễn Phước Thuyết, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn trực tiếp thực hiện, bằng cách luồn ống thông nhỏ từ động mạch đùi thông qua động mạch chậu vào động mạch chủ và đến động mạch lách. Tại đây, bác sĩ bơm thuốc cản quang nhằm xác định vị trí động mạch lách bị vỡ.
Bác sĩ sẽ tiếp tục luồng một ống siêu nhỏ vào động mạch đang chảy máu và bơm keo vá chỗ thủng, giúp cầm máu và gắn liền nhu mô lách. Từ đó, truyền thuốc tắc mạch vào vị trí bị vỡ giúp tình trạng chảy máu tại lá lách được kiểm soát.
 
1-2.jpg

Bệnh nhân giữ được lá lách nhờ phương pháp điều trị ít xâm lấn

Theo ThS. BS Nguyễn Ngọc Thao, Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, phương pháp nút động mạch lách được đánh giá là có rất nhiều ưu điểm, điển hình như không phải mổ giúp bệnh nhân nhanh chóng phục hồi và điều quan trọng là phương pháp trên giúp giữ lá lách lại cho bệnh nhân.
 Bác sĩ Thao cho rằng, yếu tố tiên quyết để giữ lại lách cho bệnh nhân bên cạnh các yếu tố về kỹ thuật, còn đòi hỏi trình độ tay nghề cao của đội ngũ y bác sĩ trực tiếp thực hiện. Sau gần 1 tuần thực hiện, bệnh nhân đã hồi phục và xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Các bác sĩ khuyên rằng, khi trời mưa, mọi người nên cẩn thận khi lái xe, giảm tốc độ và tránh việc thắng gấp có thể làm ngã xe dẫn đến chấn thương. Chẳng may, khi té ngã và bị va đập vào phần bụng thì lưu ý nên đi khám ngay, tránh bỏ sót những trường hợp vỡ gan, lách gây chảy máu nhiều trong ổ bụng hoặc vỡ ruột gây ra nhiễm trùng ổ bụng.
Khi nghi ngờ có dấu hiệu thương tổn sau tại nạn giao thông mọi người cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đừng chủ quan trước những dấu hiệu nhỏ vì đôi lúc những dấu hiệu đó lại mang đến những nguy hiểm tiềm tàng, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Theo Phunuvietnam.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ