Cả nhà rất thích sử dụng bộ công cụ này, nhất là cậu con trai 8 tuổi. Mỗi lần mẹ mua đồ ăn về, cậu bé chỉ chăm chăm chờ được mẹ nhờ thử "độc" thực phẩm. Khi nào thử thấy tấm giấy vàng đổi màu, cậu bé reo lên "Có hàn the mẹ ơi", rồi đem bỏ vào sọt rác ngay.
Để chứng minh cho bạn bè, chị Hoài mang hộp dụng cụ (gồm một lọ dung dịch hiện màu và một hộp đựng giấy thử) và giới thiệu cụ thể về tác dụng cũng như quy trình thực hiện. Ban đầu chị nghiền nát ít chả lụa mới mua ở một tiệm bánh mì vỉa hè, sau đó đổ một ít dung dịch hiện màu rồi đặt giấy thử lên trên. Chị tiếp tục thực hiện với mẫu bún, chả cá, bánh tráng, bánh hỏi mua sẵn để trong nhà.
Sau khoảng 4 phút, mảnh giấy thử chả lụa bắt đầu chuyển từ màu vàng sang cam đậm, còn các mảnh khác vẫn giữ nguyên màu vàng. Chị Hoài chép miệng nói: “Sau khi thử mà đổi màu thế này thì mình bỏ đi vì chả lụa chắc chắn có hàn the. Thời gian đầu mình còn vứt cho chó ăn nhưng giờ lại sợ nguy hiểm cho cả động vật nên cứ vứt bỏ cho an toàn”.
Qua một đồng nghiệp, anh Hải (41 tuổi, Thanh Xuân) cũng biết đến một loại máy có khả năng thử nhanh các loại thực phẩm có chứa phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, chất bảo quản trong thực phẩm. Thời gian kiểm tra khoảng 20 giây, máy sẽ cho kết quả an toàn với nồng độ cho phép, nếu vượt ngưỡng máy sẽ cảnh báo mất an toàn, nguy hiểm.
Anh Hải chia sẻ: "Trước đây nhà tôi cũng mua máy ozon nhưng nó chỉ xử lý được bề mặt mà không phát hiện được nitrat, nitrit trong thực phẩm. Từ khi mua máy này tôi yên tâm hẳn, vì mỗi bữa ăn của mình đã được khoa học kiểm chứng an toàn".
Đây là loại máy cầm tay, nhỏ gọn, chủ động sàng lọc được thực phẩm mất an toàn bằng cách mang theo mỗi khi đi mua hàng. Mới mua máy 6 tháng song anh Hải thấy thói quen ăn uống của gia đình đã thay đổi. Theo anh, không phải cứ đồ trong siêu thị, cửa hàng rau sạch đã tốt, nhiều mặt hàng ngoài chợ còn an toàn hơn. Trước đây gia đình anh hay ăn dưa hấu nhưng khi thử qua máy thì hầu hết đều cho cảnh báo mất an toàn. Gia đình anh chuyển sang ăn dưa chuột, củ đậu, kể cả dưa vàng đã được kiểm tra an toàn hơn.
"Thường khi đi chợ, thịt, rau được người bán hàng cho thử thoải mái nhưng các loại quả một khi chọc máy vào người ta sẽ không bán được nữa. Vì thế bà xã tôi thường mua với số lượng ít, thử an toàn rồi mới mua tiếp", anh Hải mách nước.
Chị Linh (35 tuổi, Giảng Võ, Hà Nội) chia sẻ thêm, gia đình chị có bố mẹ già và con nhỏ nên rất đề cao vấn đề an toàn thực phẩm. Những năm trước chị thường phải nhờ họ hàng ở quê gửi rau, thịt gà, thịt lợn tự nuôi trồng lên. Hai năm nay chị mua được một loại máy kiểm tra được thực phẩm an toàn, mà theo chị "nó khá chính xác và giúp tôi an tâm hơn khi lựa chọn thực phẩm hàng ngày".
"Trước đây ngoài đồ ở quê tôi chỉ dám mua thêm ở cửa hàng rau sạch, nhưng giờ ăn các thứ ngoài chợ không còn lo mất an toàn", chị Linh cho biết. Thường thì khi ra chợ chị sẽ mang theo máy, thử các loại rau, củ, thịt mà máy này hiển thị an toàn rồi mới mua. Nhiều lần đi thử chị biết được cửa hàng nào bán thực phẩm an toàn và từ đó chỉ lựa chọn mua ở đây, mà ít cần dùng tới máy nữa.
Một loại máy kiểm tra an toàn thực phẩm đang được các bà nội trợ ở thành phố tìm mua. Loại máy này có giá trên 4 triệu đồng, chỉ một bộ phận người dân mua được. Ảnh: Trần Huấn. |
Hiện nay trên thị trường có khá nhiều loại thiết bị đo dư lượng các loại kháng sinh, chất bảo vệ thực vật trong thực phẩm. Thiết bị này có thể ở dạng kit thử hay máy cầm tay nhỏ gọn, máy để bàn, treo tường...
Phổ biến nhất là các bộ kit do Việt Nam sản xuất. Thông thường các bộ kit có hàng chục loại khác nhau, mỗi loại kit chỉ có thể nhận biết được một loại chất như hàn the, formol, nitrat, nitrit… Đơn cử như bộ test kit của Bộ công an ra đời năm 2006 gồm 11 loại, phát hiện được 11 chất khác nhau. Theo quảng cáo, giá của một test kit là 25.000 đồng, kiểm tra được 100 lần.
Tuy nhiên, khi các công ty phân phối sản phẩm này thì lại có giá trên trời. Trọn bộ có giá cả chục triệu đồng và thường chỉ có các khối cơ quan, doanh nghiệp hay các nhà hàng mua. Người dân ít mua, có chăng chỉ mua lẻ các kit kiểm tra được formol, thuốc trừ sâu và hàn the. Giá của các kit kiểm tra 3 chất này từ thường từ 300.000 đến trên 600.000 đồng cho khoảng 10 lần thử. Tính ra, để biết được một món thực phẩm có nhiễm formol, thuốc trừ sâu và hàn the hay không, người tiêu dùng phải bỏ ra từ 20.000 đến trên 60.000 đồng cho một lần thử.
Một cửa hàng trên phố Phương Mai (Hà Nội), có bán khá đa dạng các máy kiểm tra an toàn thực phẩm có nguồn gốc Anh, Mỹ, Thái Lan. Theo chủ cửa hàng, các máy xuất xứ Trung Quốc tiêu thụ dễ hơn do giá thành rẻ hơn 4-5 lần máy của các nước khác. Bà chủ này giới thiệu một máy có thể đặt bàn hoặc treo trên tường nhà bếp. Mỗi lần muốn thử chỉ việc cho thực phẩm vào bên trong máy và ấn nút. Giá của máy này khoảng 9 triệu đồng.
Theo phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện công nghệ thực phẩm - Công nghệ sinh học (Đại học Bách khoa Hà Nội) thì vấn đề an toàn thực phẩm luôn được người dân quan tâm. Tuy nhiên việc bỏ ra vài chục nghìn tới vài triệu đồng mua dụng cụ để thử mớ rau, con cá thì rất ít người dân có thể làm được. Số người mua này chủ yếu là các gia đình thành phố có điều kiện.
"Một mớ rau có 3.000 nghìn đồng, trong khi một lần thử rẻ nhất cũng mất vài chục nghìn. Điều này là phi thực tế", ông Thịnh phát biểu. PGS Thịnh chia sẻ, trước đây ông từng mua các bộ kit trong nước và cả bộ của Thái Lan cho sinh viên thực hành. Tuy nhiên, các bộ kiểm tra này chỉ phát hiện được độc trong thực phẩm ở mức định tính, tức nếu có độc sẽ chuyển màu, nhưng không xác định được lượng độc trong thực phẩm đó là bao nhiêu. Cho nên, việc đưa ra một kit nhận biết độc mà không hiển thị định lượng để người tiêu dùng biết hàm lượng đó cơ thể có chấp nhận được không, là ít có giá trị thực tiễn.
Cũng theo thầy Thịnh, trên thị trường hiện có một số loại máy hiện đại, thử được nhiều chất (nhưng chưa rõ độ chính xác), song giá thường rất cao. Vì thế để nhiều người dân được ăn thực phẩm an toàn thì trước mắt Nhà nước, các cơ quan chức năng nên chủ động trang bị những máy móc này tại các chợ để thử thực phẩm an toàn cho người dân.
Tiến sĩ Phùng Văn Trung, Phó phòng Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Công nghệ hóa học (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) là người trực tiếp nghiên cứu và sản xuất bộ kit thử nhanh hàn the. Ông cho rằng trong khi chờ cơ quan chức năng vào cuộc để ngăn chặn thực phẩm bẩn thì chính người tiêu dùng cần đề cao cảnh giác với từng loại thức ăn mà chúng ta sử dụng. "Nhất là vào mùa Tết có nhiều loại thực phẩm như giò, chả có chứa hàn the được bán ra thị trường, chúng ta có thể dùng phương pháp thử nhanh để nhận biết", ông nói.
Ông Trung gợi ý đến bộ thử nhanh hàn the, nếu người dân tìm đến các viện nghiên cứu sẽ mua được giá gốc, chỉ vài chục nghìn đồng. Trường hợp phải mua qua các công ty phân phối thì sản phẩm thử này đã bị đội giá lên nhiều lần.
Bộ kit thử hàn the trong thực phẩm. Ảnh: Thi Ngoan. |
Theo thống kê của Viện Công nghệ hóa học, ý thức của người dân về vấn đề an toàn thực phẩm ngày càng tăng, đặc biệt vào thời điểm năm hết Tết đến, nhiều gia đình đã chủ động sắm dụng cụ thử độc trong thực phẩm. Bên cạnh đó các công ty sản xuất và phân phối thực phẩm sạch, các nhà hàng còn mua hàng trăm bộ kit về để tặng cho khách hàng với lời cam kết cung cấp thực phẩm an toàn đến cho người tiêu dùng.