Việc phát hiện sớm giãn phế nang sẽ giúp ngăn chặn những khó khăn về mặt hô hấp sau này.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO/OMS), Việt Nam là một trong những quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tỉ lệ người mắc bệnh thuộc về đường hô hấp cao nhất.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân gây tử vong xếp hàng thứ tư trong nhóm các nguyên nhân gây tử vong. Người mắc bệnh khí phế thũng tập trung chủ yếu độ tuổi 40.
Nhiều trường hợp phát hiện bệnh trong giai đoạn muộn, khi đã xảy ra nhiều biến chứng và việc can thiệp chuyên môn chỉ nhằm mục đích “kéo chân” cho bệnh đi chậm lại mà thôi, chứ không thể chữa khỏi hoàn toàn.
Có vách bị “hỏng”
Khí phế thũng là bệnh lý của đường hô hấp dưới. Đây là bệnh lý của các tiểu phế quản và phế nang của phổi. Phế nang là những chùm túi nhỏ chứa không khí của phổi.
Bản chất của bệnh lý là tình trạng vách ngăn giữa các túi khí suy yếu và đứt vỡ tạo ra các khoảng trống lớn thay vì nhiều khe nhỏ. Khi người bệnh hít thở, các phế nang có vách bị “hỏng” không hoạt động bình thường, lưu thông khí kém, không khí cũ còn ít oxy bị đọng lại, không khí mới giàu oxy không đi vào được.
Do đó dẫn đến khó thở vì thiếu khí hay nói đúng hơn là thiếu oxy cung cấp cho máu đi nuôi các tế bào cơ quan.
Tình trạng khó thở xảy ra rõ nhất khi vận động mạnh như tập thể dục, lao động nặng, chạy nhảy hay đi lại nhiều... Về lâu dài, hầu hết những người bị khí phế thũng đều “kéo theo” một bệnh lý khác là viêm phế quản mạn tính.
Bệnh khí phế thũng xảy ra do 3 nguyên nhân chính sau đây:
Nghiện thuốc lá: Thuốc lá là thủ phạm chính gây ra bệnh khí phế thũng nói riêng và các bệnh lý ở phổi nói chung.
Nicotin và hơn 200 chất độc có trong khói thuốc gây tổn thương lớp lông mao của phế quản và các tiểu phế quản. Lông mao là hệ thống hàng rào bảo vệ chống sự xâm nhập của khói bụi, hóa chất độc hại và vi khuẩn nhờ tác dụng chuyển động, lông mao “quét sạch”.
Khi lớp lông mao bị thương tổn, các tác nhân ngoại lai xâm nhập sâu vào bên trong hệ thống phế nang và làm hư hỏng chúng.
Các nghiên cứu cho thấy, ở người nghiện thuốc lá, nguy cơ mắc bệnh khí phế thũng gia tăng gấp 6 lần so với người không hút thuốc lá. Điều đáng lưu ý là ở những người tuy không hút thuốc lá nhưng thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá và hít chúng, gọi là hút thuốc lá thụ động cũng có nguy cơ mắc bệnh khí phế thũng cao hơn những người bình thường khác.
Môi trường ô nhiễm: Những người làm việc hoặc sinh sống trong một môi trường bị ô nhiễm nặng, có nhiều khói bụi và hóa chất độc hại thường xuyên xâm nhập vào phổi cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người sống trong môi trường sạch sẽ, không bị ô nhiễm.
Thiếu thành phần AAT trong máu: Trong máu có thành phần AAT (Alpha-1 Antitrypsin). Đây là một loại men protein tự nhiên có tác dụng giữ cho các tế bào bạch cầu không làm tổn thương các mô bình thường trong cơ thể.
Vì một lý do nào đó mà cơ thể thiếu hụt AAT, các tế bào bạch cầu này sẽ làm tổn thương nhu mô phổi. Điều này còn nguy hại hơn cả tác động của việc hút thuốc lá. Cùng với thời gian, người thiếu AAT sẽ có biểu hiện bệnh.
Minh họa/INT |
Càng chậm càng tốt
Nhìn chung, các biểu hiện của bệnh khí phế thũng đều xuất hiện và tiến triển khá chậm. Những người nghiện thuốc lá, các dấu hiệu bệnh đầu tiên ở khoảng tuổi 45 - 60. Dấu hiệu điển hình và nổi bật của bệnh khí phế thũng là khó thở.
Các biểu hiện đi kèm thường thấy bao gồm: Ho nhiều, thở khò khè, tức hoặc đau ngực - nhất là khi ho. Khi bệnh bước vào giai đoạn nặng có thể gặp thêm nhiều dấu hiệu khác như mệt mỏi, tim đập nhanh, mất ngủ hoặc giấc ngủ chập chờn, nhức đầu, suy nhược, sút cân, đời sống tình dục cũng giảm sút nghiêm trọng.
Bệnh khí phế thũng nếu không được phát hiện sớm và điều trị tốt sẽ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng sau đây: Tràn khí màng phổi, xẹp phổi, gia tăng áp lực trong các động mạch nối giữa tim và phổi gây phì đại cơ tim, rối loạn nhịp tim và suy tim.
Nhìn chung, không có phương pháp đặc hiệu nào chữa khỏi hoàn toàn cho một người đã được xác định mắc bệnh khí phế thũng. Việc điều trị chỉ hướng vào mục tiêu làm giảm nhẹ các biểu hiện bệnh và “kéo” cho bệnh tiến triển chậm lại với phương châm càng chậm càng tốt.
Người đang hút thuốc lá ngay lập tức phải nói không với thuốc lá bằng ý chí và nghị lực của mình. Thuốc điều trị các triệu chứng tùy thuộc vào mức độ và tình trạng bệnh của từng cá nhân. Bao gồm các loại thuốc chống ho long đờm, thuốc giãn phế quản và kháng sinh chống bội nhiễm phổi.
Bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh cần tập phục hồi chức năng hô hấp, yoga hoặc thể dục phù hợp để rèn luyện thân thể. Phẫu thuật là biện pháp cuối cùng nhằm loại bỏ phần phổi không còn tác dụng và gia tăng hoạt động bù trừ cho những phần phổi còn lại.
Nói không với thuốc lá, tránh ngửi khói thuốc lá và tránh môi trường ô nhiễm là cách phòng tránh bệnh khí phế thũng và nhiều bệnh khác một cách tốt nhất.