Thời tiết lạnh - 'bàn đạp' cho vi khuẩn gây bệnh hô hấp

GD&TĐ - Thời tiết lạnh, độ ẩm cao cùng không khí kém lưu thông là điều kiện để các loại virus, vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp phát triển, lây lan.

Trẻ em và người lớn tuổi cần giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, tránh tiếp xúc với những người mang mầm bệnh. Ảnh: BV Bãi Cháy
Trẻ em và người lớn tuổi cần giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, tránh tiếp xúc với những người mang mầm bệnh. Ảnh: BV Bãi Cháy

Đặc biệt, nhiều trường hợp được ghi nhận bội nhiễm, kháng kháng sinh, khiến bệnh nặng hơn.

Thời tiết thuận lợi cho vi khuẩn phát triển

Cúm, viêm phổi do phế cầu, ho gà… đang có nhiều diễn biến nguy hiểm vào dịp cuối năm. Đã có nhiều ca bệnh nặng, phải thở máy, phối hợp kháng sinh liều cao, nhập viện dài ngày.

Gió mùa Đông Bắc tràn về khiến nền nhiệt tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung giảm sâu, có nơi giảm chỉ còn 11 - 13 độ C. Thời tiết lạnh, độ ẩm cao cùng không khí kém lưu thông là điều kiện để các loại virus, vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp sinh sôi phát triển, lây lan thành dịch.

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội hiện điều trị cho nhiều trẻ em và người lớn với các triệu chứng sốt, ho, viêm phổi, tổn thương phổi do các bệnh lý truyền nhiễm đường hô hấp như: Cúm, phế cầu khuẩn, ho gà… Đặc biệt, nhiều trường hợp kháng kháng sinh khiến bệnh nặng hơn, điều trị khó khăn chưa dứt điểm, bệnh nhân phải nằm viện nhiều ngày.

Các cơ sở y tế như Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc vấn đề về hô hấp. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang ghi nhận nhiều ca nặng như tăng huyết áp, đột quỵ...

Những trường hợp này chủ yếu là người cao tuổi và có tiền sử bệnh tim mạch. Theo bác sĩ, thời tiết lạnh đột ngột khiến huyết áp dễ bị biến động. Do đó, người cao tuổi, người có bệnh nền như huyết áp, tiểu đường, mỡ máu... có nguy cơ mắc bệnh cao.

Không chỉ đe dọa sức khỏe trẻ em, bệnh hô hấp còn là hiểm họa đối với người cao tuổi, người có bệnh lý nền. Thời tiết lạnh khiến khả năng bảo vệ tại chỗ từ đường hô hấp trên tới hô hấp dưới đều bị suy giảm. Đây là yếu tố dẫn tới các bệnh lý bị nhiễm trùng tăng nặng như hen phế quản, co thắt phế quản mạn tính.

Hiện, có 60% người cao tuổi có sức khỏe yếu và rất yếu. Nhìn chung, người cao tuổi tại Việt Nam có tỷ lệ ốm đau cao, tình trạng khỏe mạnh thấp. Mỗi người cao tuổi có thể mắc từ 3 - 6 bệnh nền. Trong đó, các bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa chiếm tỷ lệ cao. Đây là “bàn đạp” để các bệnh hô hấp có cơ hội tấn công và tiến triển nặng.

Tình trạng bội nhiễm kháng sinh

Theo BS.CKII Mã Thanh Phong - Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, giai đoạn này, không chỉ trẻ em mà nhiều người lớn tuổi nhập viện cũng được ghi nhận tình trạng bội nhiễm, kháng kháng sinh khiến bệnh nặng hơn.

Nhiều người khi có hiện tượng cảm sốt thường uống thuốc kháng sinh mua ở hiệu thuốc. Một vài lần đầu, thấy triệu chứng đỡ, nên những người này duy trì việc tự mua thuốc uống thành thói quen. Hoặc có trường hợp đến khám ở bệnh viện được bác sĩ kê đơn thuốc, nhưng tự động ngưng, không uống đủ liều. Một số trường hợp tự kéo dài đơn thuốc.

“Virus, vi khuẩn tiếp xúc với kháng sinh nhiều và lâu dẫn đến đột biến chống lại kháng sinh. Người bệnh không còn đáp ứng được với loại thuốc cũ khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Họ phải chuyển đổi sang loại thuốc kháng sinh mới. Nếu người bệnh cũng đề kháng với loại thuốc mới, quá trình điều trị sẽ nan giải hơn. Khi đó, cần phối hợp nhiều loại kháng sinh liều cao, thời gian nằm viện dài hơn” - BS Thanh Phong chia sẻ.

Chuyên gia này cho biết, trong cùng một môi trường sống, có người mắc bệnh, nhưng có người không. Lý do là vì sức đề kháng ở mỗi người khác nhau. Ngoài ra, chế độ ăn uống, sinh hoạt, thói quen cũng khác nhau. Với những người có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, giữ ấm cơ thể, tiêm phòng... nguy cơ mắc bệnh sẽ thấp hơn.

Trong khi đó, những người nguy cơ là có bệnh lý hô hấp mãn tính, suy giảm miễn dịch, ghép tạng. Đó là do tình trạng miễn dịch của họ kém. Thực tế, dù cùng tiếp xúc với một lượng vi khuẩn, nhưng không phải ai cũng mắc bệnh.

BSCKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Trung tâm Tiêm chủng VNVC cho biết, thời tiết giao mùa đông - xuân, nhiệt độ môi trường liên tục thay đổi, độ ẩm cao khiến những người có sức khỏe yếu như trẻ nhỏ, người già, người có bệnh nền (hen suyễn, COPD, viêm phế quản...) hoặc người không thích nghi kịp sẽ dễ mắc các bệnh đường hô hấp như cúm mùa, viêm phổi, ho gà… Vì sức đề kháng của những người này vốn đã rất yếu, nên họ có nguy cơ diễn tiến nặng, thậm chí đe dọa tính mạng.

Dự kiến mùa đông còn kéo dài đến hết tháng 2/2023 với nhiều đợt mưa và không khí lạnh. Để chủ động phòng các bệnh đường hô hấp mùa đông - xuân hiệu quả, trẻ em và người lớn cần chủ động thực hiện các biện pháp như: Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, tránh tiếp xúc với những người mang mầm bệnh, đeo khẩu trang, giữ vệ sinh.

Bên cạnh đó, người dân, đặc biệt là những người có tình trạng kháng thuốc, nên tiêm vắc-xin phòng cúm và phế cầu để tăng sức đề kháng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.