Phát hiện sớm bệnh glôcôm:Cách tốt nhất ngăn chặn mù lòa

GD&TĐ - Theo thống kê của Bệnh viện (BV) Mắt Trung ương, hiện cả nước có khoảng 6,5% người mù do bệnh glôcôm. Đây là nguyên nhân gây mù lòa thứ 2 nhưng tỷ lệ phát hiện bệnh lại rất thấp. 

Phát hiện sớm bệnh glôcôm:Cách tốt nhất ngăn chặn mù lòa

Nhiều người chỉ đến viện khi đã muộn, thị lực đã không thể cứu vãn được. Điều đáng lưu ý, có 94% người dân không hiểu rõ hoặc mơ hồ về căn bệnh này.

Nguy cơ cao

BS Phạm Thị Thu Hà, Khoa Glôcôm - BV Mắt Trung ương cho biết, hàng ngày có rất đông bệnh nhân đến khám ở BV Mắt Trung ương trong tình trạng bệnh đã diễn tiến nặng, khó có cơ hội hồi phục hoàn toàn, trong đó đông nhất là người dân từ các vùng nông thôn vốn có điều kiện y tế hạn chế và thường chủ quan với các diễn biến của sức khỏe.

BS Thu Hà phân tích, bệnh glôcôm có 2 thể: Nguyên phát và thứ phát. Ở thể nguyên phát được chia làm 2 dạng: Góc đóng và góc mở. Bệnh nhân dạng góc mở có biểu hiện âm thầm, không đau nhức, nên thường phát hiện muộn, nguy cơ mù lòa cao.

Ở dạng góc đóng thường có những biểu hiện dữ dội như nhức mắt, nhức đầu, nhìn mờ, nôn ói… khiến bệnh nhân phải lập tức vào viện, song nguy cơ mù lòa thấp hơn dạng góc mở. Những người mắc glôcôm thứ phát thường do biến chứng của những bệnh mắt khác như: Chấn thương, viêm màng bồ đào, đái tháo đường, cao huyết áp, cận thị nặng, bệnh nhân sau phẫu thuật nội nhãn phaco, bong võng mạc, các nguyên nhân do sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid trong thời gian dài, sai chỉ định của bác sĩ...

Theo thống kê của BV Mắt Trung ương, số người mắc căn bệnh này ngày càng được phát hiện nhiều. Trong 3 năm gần đây, số bệnh nhân mắc glôcôm đến BV Mắt Trung ương điều trị đã tăng hơn 36,1%. Đây là căn bệnh “giấu mặt” bởi người bệnh không hề hay biết cho đến khi mờ mắt, có nguy cơ mù lòa.

Đây là nguyên nhân phổ biến thứ 2 gây mù trên thế giới đứng sau đục thể thủy tinh, tại Việt Nam có khoảng 6,5% người mù là do bệnh glôcôm. Bệnh nguy hiểm nhưng diễn tiến âm thầm, khoảng 90% người bệnh không biết mình mắc bệnh. Hầu hết trường hợp được phát hiện khi tình cờ đi khám các bệnh lý khác hoặc đến bác sĩ chuyên khoa lúc bệnh đã ở giai đoạn nặng.

Không thể chủ quan

Hiện bệnh lý glôcôm đã có nhiều phương pháp điều trị bằng thuốc, can thiệp laser, phẫu thuật. Tuy nhiên, chưa có phương pháp nào giải quyết triệt để căn bệnh này, người bệnh khi đã mất thị lực thì không thể phục hồi. Bệnh glôcôm có thể dẫn đến mất thị lực không thể cứu chữa được hoặc gây mù vĩnh viễn.

Theo BS Thu Hà, do thiếu hiểu biết về bệnh glôcôm nên rất nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng muộn, nguy cơ mù lòa cao. Điều đáng nói, có khoảng 95% người dân được hỏi nói rằng không nghe, không biết hoặc biết rất mơ hồ về căn bệnh này.

Rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh glôcôm là do tự ý tra thuốc nhỏ mắt corticoid kéo dài (số người ở độ tuổi lao động từ 25 - 59 tuổi chiếm 63,1%). Nhiều bệnh nhân đến điều trị nhưng không tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc nên nguy cơ tái phát rất cao. Qua theo dõi bệnh nhân glôcôm góc mở điều trị tại khoa, có tới 43% bệnh nhân có bệnh tiến triển nặng thêm.

Bên cạnh đó, vấn đề khám chữa bệnh glôcôm vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều cơ sở chuyên khoa mắt tuyến tỉnh hầu như chưa được trang bị phương tiện cơ bản phục vụ chẩn đoán và theo dõi bệnh nhân glôcôm, không có đủ các loại thuốc glôcôm cho thầy thuốc lựa chọn.

Nhiều bác sỹ còn chưa được trang bị kiến thức đầy đủ về bệnh glôcôm dẫn đến những chỉ định điều trị sai lầm, có những trường hợp nên điều trị thuốc, không nên phẫu thuật thì bác sĩ lại chỉ định phẫu thuật hoặc có trường hợp cần phẫu thuật sớm thì lại giữ lại điều trị thuốc tại cơ sở mà không chuyển bệnh nhân lên tuyến trên...

Trước thực trạng đó, BV Mắt Trung ương đã tăng cường công tác đào tạo cho các cán bộ y tế tuyến cơ sở thông qua việc mở các lớp chăm sóc mắt ban đầu để phát hiện sớm và giúp cho các cán bộ tuyến dưới phát hiện sớm và chuyển bệnh nhân glôcôm đi điều trị kịp thời.

Ngoài ra, BV cũng tăng cường chuyển giao các kĩ thuật chẩn đoán và điều trị cho các bác sỹ tuyến dưới để các bác sỹ có thể điều trị bệnh nhân glôcôm ngay tại tuyến của mình, hạn chế bớt việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Một trong những biện pháp chúng tôi cũng xác định là rất quan trọng, đó là tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục bệnh glôcôm cho cộng đồng.

Từ thực tế điều trị, BS Thu Hà cho hay, nhóm đối tượng mắc bệnh glôcôm ở thể nặng thường là những người sống ở vùng nông thôn. Đây có thể là do người dân chủ quan hoặc thiếu thông tin về bệnh nên không chủ động trong việc tầm soát, điều trị. Để hạn chế nguy cơ mù lòa do glôcôm, bác sĩ khuyến cáo người dân ở độ tuổi ngoài 40 cần phải chủ động khám mắt định kỳ 6 tháng hoặc1 năm một lần. Với nhóm đối tượng có nguy cơ cao thuộc dạng glôcôm thứ phát kể trên, cần phải thực hiện khám mắt định kỳ 3 tháng đến 6 tháng một lần để kịp thời phát hiện và điều trị.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.
Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ