Một nhóm các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra một nhà vệ sinh cổ và quý hiếm ở Jerusalem có niên đại hơn 2.700 năm.
Cơ quan Quản lý Cổ vật Israel cho biết nhà vệ sinh này chạm khắc tinh xảo từ đá vôi được tìm thấy trong một cabin hình chữ nhật, một phần của dinh thự nhìn ra Thành phố Cổ, Associated Press đưa tin.
Các nhà chức trách cho biết nhà vệ sinh này có từ thời mà phòng tắm riêng là thứ xa xỉ, hiếm có ở thánh địa Jerusalem.
Họ tiếp tục tiết lộ rằng, nhà vệ sinh này có một khối đá vôi hình vuông đục lỗ ở giữa, tương tự một chiếc bồn cầu, được thiết kế để ngồi thoải mái và gắn với một bể tự hoại sâu được đào bên dưới.
Yaakov Billig, giám đốc cuộc khai quật, nói với AP: “Một buồng vệ sinh tư nhân rất hiếm trong thời cổ đại, và chỉ một số ít được tìm thấy cho đến nay.
Ông nói thêm rằng "chỉ những người giàu có mới đủ tiền mua nhà vệ sinh" vào thời điểm đó.
Ông lưu ý, một giáo sĩ Do Thái nổi tiếng từng gợi ý rằng, để chứng minh sự giàu có là "phải có một bồn cầu bên cạnh bàn của mình".
Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy bình đất sét và xương động vật từ thời Đền Solomon (đền Do Thái đầu tiên) trong hố phân. Các nhà khoa học vẫn đang phân tích thứ thu được từ trong hố.
Qua đó, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ có thêm thông tin về chế độ ăn uống của người dân lúc đó cũng như những căn bệnh từng ảnh hưởng đến thế giới cổ đại.
Cách đây vài tháng, các nhà khảo cổ học ở Anh đã khai quật được một chai chứa đầy chất lỏng bí ẩn nằm giữa chân của một bộ xương.
Chai thủy tinh có màu xanh lam chứa chất lỏng màu nâu. Nó được đặt giữa hai chân của hài cốt phụ nữ chết ở tuổi 60. Bên ngoài chai khắc dòng chữ "Hull Infirmary" (Bệnh xá Hull).
Chiếc chai được phát hiện hồi đầu năm trong một dự án khai quật tại khu chôn cất Trinity ở Hull. Khu chôn cất này niên đại từ năm 1783 đến năm 1861. Các chuyên gia đang kiểm tra hơn 1.500 bộ xương khác để tìm kiếm các manh mối về quá khứ.
Chuyên gia Katie Dalmon tới từ Nottingham Trend cho biết các cuộc kiểm tra ban đầu cho thấy sự hiện diện của natri, kali và phốt pho bên trong chai. "Chất lỏng này có thể là nước tiểu nhưng nếu là vậy thì tại sao nó lại được đặt ở đó. Và nếu không phải là nước tiểu thì đó là gì?", bà Dalmon nói.
Cũng có giả thiết chất lỏng này là thức uống bổ sung phốt pho vốn là thứ rất phổ biến vào thế kỷ 19 được quảng cáo như một loại thuốc chữa nhiều bệnh khác nhau.
Về hài cốt của người phụ nữ, các chuyên gia cho rằng người này mắc chứng còi xương, loãng xương.