Alfred Rosenberger, thành viên Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ dẫn đầu nhóm nghiên cứu, tìm thấy ba hang động dưới nước ở vườn quốc gia Tsimanampesotse, Madagascar, chứa một lượng rất lớn mẫu vật hoàn toàn nguyên vẹn.
"Đó thực sự là một số lượng rất lớn các hóa thạch tập trung lại một chỗ. Những hóa thạch này hoàn toàn nguyên vẹn, đây là điều bất thường trong cổ sinh vật học.
Các nhà khoa học thường chỉ tìm thấy những bộ xương gãy, hoặc những phần cơ thể rời rạc. Còn ở đây, mọi thứ đều trong tình trạng hoàn hảo", giáo sư Rosenberger thuộc Đại học Brooklyn, nói.
Theo Washington Post, hàng nghìn năm về trước, chim voi, rùa, vượn cáo khổng lồ cùng nhiều loài vật ngoại cỡ khác thống trị Madagascar, một đảo quốc ở Ấn Độ Dương, ngoài khơi bờ biển phía đông nam châu Phi.
Hóa thạch những con vượn cáo lớn gấp 15 lần loài họ hàng của chúng hiện sinh sống ở Madagascar. Cho đến nay, nguyên nhân tuyệt chủng của những loài vật khổng lồ này vẫn là điều bí ẩn.
Các nhà khoa học đánh giá cao nhất việc phát hiện những bộ xương hoàn chỉnh của một số loài vượn cáo khổng lồ đã tuyệt chủng, có niên đại từ vài trăm đến vài nghìn năm. Một trong số đó là hóa thạch của megaladapis - gấu vượn cáo, một động vật cỡ lớn đã tuyệt chủng khoảng 500 năm trước.
"Tại một nơi mà hai phần ba số loài động vật sinh sống ở đó chỉ cách đây 1.000 năm đã biến mất và bị thay thế bằng loài khác, chúng ta cần tìm hiểu những yếu tố ảnh hưởng đến hệ động thực vật còn lại", Laurie Godfrey, nhà nghiên cứu cổ sinh học tại Đại học Massachusetts Amherst cho biết.
Giáo sư Rosenberger nói rằng phát hiện này đánh dấu một kỷ nguyên mới trong ngành khảo cổ học dưới nước và là một "phát hiện phi thường". "Nó sẽ mở ra tương lai tuyệt vời cho ngành khoa học", ông cho hay.