(GD&TĐ)-Theo một nghiên cứu mới đây dựa trên phát hiện hóa thạch tại Myanmar, tổ tiên đầu tiên của loài người hiện đại có thể có nguồn gốc từ châu Á chứ không phải là châu Phi như lâu nay người ta vẫn biết.
Những phát hiện hóa thạch trước đó đã đưa ra ý kiến rằng châu Phi là nơi vượn người, bao gồm khỉ, khỉ hình người và loài người xuất hiện. Hiện nay, một nhóm khoa học quốc tế tại Myanmar vừa tìm ra răng của tổ tiên loài người tiền sử, có thể chứng minh rằng loài vượn người có nguồn gốc ở châu Á.
Các nhà nghiên cứu cho biết những phát hiện này có thể mang lại hy vọng trong việc tìm ra quá trình tiến hóa của loài người. 4 chiếc răng của người tiền sử tạo nên một liên kết thiếu giữa châu Á và châu Phi đã được khôi phục lại sau 6 năm làm việc không biết mệt mỏi của các nhà khoa học. Những chiếc răng này có niên đại 37 triệu năm và giống với những chiếc răng của loài vượn người Afrotarsius mới được phát hiện tại sa mạc Sahara (Libi) có niên đại 38 triệu năm.
Tại thời điểm đó, loài vượn người ở Libi đa dạng về số lượng và chủng loại hơn các nhà khoa học từng nghĩ, đưa ra một giả thiết là chúng có nguồn gốc ở một nơi nào đó. Và nét tương đồng giữa loài Afrasia và Afrotarsius cho thấy rằng loài vượn người ban đầu đã di cư từ châu Á sang châu Phi.
Sự di cư từ châu Á này giúp chuẩn bị cho sự tiến hóa về sau này của loài khỉ vượn người và loài người ở châu Phi. Jean-Jacques Jaeger, nhà cổ sinh vật học thuộc đại học Poitiers (Pháp) cho biết: “Châu Phi là khởi nguyên của loài người và châu Á là khởi nguyên của tổ tiên chúng ta”.
Hình dáng của những hóa thạch vượn người Afrasia (châu Á) và Afrotarsius (Bắc Phi) đưa ra những gợi ý rằng những loài động vật này có thể ăn côn trùng và nặng khoảng 100 gam (dựa vào kích thước hàm răng).
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cho biết vẫn còn tồn tại một câu hỏi mở: Loài vượn người đã di cư từ châu Á sang châu Phi bằng cách nào khi mà ở thời kỳ đó 2 châu lục bị ngăn cách bởi một khoảng cách rộng lớn của biển Tethys (biển Địa Trung Hải ngày nay)?
Nhóm nghiên cứu tin rằng loài vượn người đó có thể bơi từ đảo này sang đảo khác từ châu Á sang châu Phi; hoặc có thể chúng bám vào những bè gỗ hoặc những vật liệu khác khi bị những trận lụt hoặc cơn bão cuốn trôi ra biển.
Ngoài ra, một nhóm động vật khác có thể đã di cư từ châu Á sang châu Phi vào cùng thời điểm như động vật loại gặm nhấm và có hình dáng giống lợn đã tuyệt chủng; bổ sung vào nghiên cứu cho rằng sau khi những loài vượn người đầu tiên tìm đường đến châu Phi, số còn lại ở châu Á dường như cũng biến mất.
Jaeger nói: “Khoảng 34 triệu năm về trước, có một hiện tượng băng giá khắc nghiệt làm giảm khí hậu của trái đất một cách đáng kể, ảnh hưởng tới châu Á hơn châu Phi. Trong suốt thời gian đó, chúng tôi cho rằng tất cả những loài vượn người châu Á nguyên thủy đã biến mất. Loài vượn người mà chúng ta nhìn thấy hiện tại ở châu Á như vượn và đười ươi được nhập cư từ châu Phi khoảng 20 triệu năm trước.”.
Linh Ngọc (Theo Indianexpress)