Phát hiện loài vật mới có đến... 1.300 cái chân

GD&TĐ - Một loài cuốn chiếu mới được phát hiện có số lượng chân nhiều hơn bất kỳ sinh vật nào khác trên Trái đất: 1.300 cái chân.

Phát hiện loài vật mới có đến... 1.300 cái chân

Những sinh vật sống sâu dưới bề mặt Trái đất này là loài millipede (tên tiếng Anh của cuốn chiếu) duy nhất sống đúng với tên gọi của chúng cho tới thời điểm hiện tại.

Paul Marek, một nhà côn trùng học tại Đại học Công nghệ Virginia và là tác giả chính của nghiên cứu mô tả về loài mới, cho biết: “Cái tên “millipedes” luôn là một từ gây nhầm lẫn”. Tất cả các loài millipede khác đều có ít chân hơn so với tên gọi của chúng. Nhiều loài còn không có đến 100 chân. Cho đến nay, loài giữ kỷ lục là loài Illacme plenipes, một sinh vật sống sâu dưới lòng đất có tới 750 chân.

Nhưng loài mới được tìm thấy, Eumilipes persephone - được đặt theo tên của Persephone, con gái của thần Zeus, người đã bị Hades đưa xuống địa ngục để làm vợ - là loài động vật có nhiều chân nhất trên hành tinh. Một mẫu vật mà Marek phân tích có tới 1.306 chân, vượt xa kỷ lục hiện tại.

Kỷ lục gia mới là một sinh vật nhợt nhạt, không có mắt với cơ thể dài như sợi chỉ, dài gấp gần 100 lần chiều rộng của nó. Phần đầu hình nón của nó có những chiếc râu khổng lồ để điều hướng trong thế giới không ánh sáng do pheromone chi phối và một chiếc mỏ được tối ưu hóa để ăn nấm. Marek cho biết, việc đếm chân thường rất khó vì sinh vật có xu hướng cuộn lại như một chiếc lò xo đồng hồ nhỏ.

Số lượng chân khổng lồ gợi ý về tuổi thọ của những sinh vật này.

Marek nói với Live Science: “Tôi nghĩ rằng những con vật này sống rất lâu. Cuốn chiếu phát triển một cách đều đặn, mọc thêm các phân đoạn cơ thể trong suốt vòng đời của chúng. Các nhà côn trùng học có thể đếm các phân đoạn này giống như các vành cây để xác định độ tuổi trung bình giữa các cá thể cùng loài.

Marek phân tích tổng cộng bốn mẫu vật - hai con đực và hai con cái - tất cả đều có chiều dài khác nhau và do đó ở độ tuổi khác nhau. Con ngắn nhất trong nhóm có 198 vòng và 778 chân. Con dài nhất có 330 vòng và 1.306 chân.

Đối chiếu với tần suất các loài cuốn chiếu khác mọc thêm đoạn cơ thể, kết quả cho thấy E. persephone thường sống được từ 5 - 10 năm so với tuổi thọ 2 năm điển hình của các loài cuốn chiếu khác.

Tuy nhiên, bạn sẽ hiếm có cơ hội được nhìn thấy sinh vật này. Chúng được phát hiện ở độ sâu 60 mét dưới lòng đất trong một môi trường tương đối chưa được khám phá cấu thành từ sắt và đá núi lửa. Những sinh vật này lần đầu tiên được phát hiện ở vùng Goldfields Tây Úc, một trung tâm khai thác khoáng sản.

Marek cho biết, các công ty tìm kiếm niken và coban đã khoan những lỗ hẹp, sâu từ 20 tới 100m. Nếu các thợ mỏ không tìm thấy bất kỳ kim loại nào trong số này, các lỗ này sẽ được đóng lại và bị bỏ hoang.

Phát hiện mới cho thấy “còn rất nhiều khám phá cần được thực hiện”, Paul Marek nói. Và mặc dù các loài sinh vật sống dưới chân chúng ta dường như tách biệt khỏi sự sống trên bề mặt nhưng những hệ sinh thái này đóng một vai trò sinh thái quan trọng gắn liền với sự sống trên bề mặt.

Các sinh vật phân giải dưới lòng đất giúp tái chế các chất dinh dưỡng mà sự sống trên bề mặt dựa vào và các lớp đất sâu mà những loài động vật này sống lọc các chất độc ra khỏi nước uống của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta vẫn biết quá ít về thế giới bên dưới chân mình.

Theo Livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ