Theo đó, các nhà nghiên cứu tại Đại học Copenhagen đã phát hiện ra các loài nấm mới, là Strongwellsea tigrinae và Strongwellsea acerosa, có đặc tính bám vào vật chủ là hai loài ruồi ở Đan Mạch - Coenosia tigrina và Coenosia testacea.
Hai loài ruồi có hình dạng tương đồng với ruồi nhà bình thường nhưng trải qua một sự biến đổi khủng khiếp khi bị nấm xâm nhập. Trong khi phần lớn nấm chỉ mọc bào tử khi vật chủ chết, 2 loài nấm này vẫn để vật chủ sống thêm nhiều ngày, hoạt động bình thường và tương tác với những con ruồi khác.
Những con ruồi bị nấm ký sinh vẫn tiếp tục sống trong nhiều ngày trong suốt quá trình bị ăn thịt, có nghĩa là chúng sẽ vô tình phát tán bào tử ra khắp nơi, đặc biệt là khi giao phối với những con ruồi khác. Trong khi đó, nấm tiếp tục ăn sống những con ruồi.
Cuối cùng, những con ruồi bị nấm tàn phá co giật trong vài giờ rồi chết. Nhưng ngay cả sau khi chết, quá trình phát tán bào tử vẫn tiếp tục: Phần bụng ruồi dần dần vỡ vụn, giải phóng nhiều bào tử hơn từ bên trong. Phương thức lây lan bất thường bằng cách để vật chủ sống trong khi phát tán bào tử được gọi là lây nhiễm vật chủ chủ động (AHT).
Những bào tử này có thành dày có thể giúp chúng ngủ say qua mùa đông, lây nhiễm cho nhiều ruồi hơn khi loài côn trùng hoạt động trở lại vào mùa xuân. Nấm có thể sản sinh ra các chất biến vật chủ của chúng trở thành những “xác sống”, nghĩa là mô cơ thể vẫn tươi giúp chúng sống tiếp trong nhiều ngày sau khi nhiễm nấm và chỉ chết sau khi bị ăn hết mô trong cơ thể.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra hàng chục con ruồi bị nhiễm nấm trong quá trình thực địa ở Jægerspris và Amager, Đan Mạch. Những con ruồi được tìm thấy ở cả khu vực nông thôn và khu dân cư, cho thấy một câu chuyện kinh dị đang diễn ra trên những cánh đồng và sân mang dáng vẻ yên bình.
“Chúng tôi nghi ngờ rằng, những loại nấm này có thể sản sinh ra các chất giống như amphetamine, giúp giữ cho mức năng lượng của ruồi luôn ở mức cao nhất cho đến khi bị ăn hết mô trong cơ thể. Chúng hoạt động giống như một chiếc tên lửa nhỏ và di chuyển rất nhanh.
Nếu chúng lây lan sang một con ruồi khác, chúng sẽ bám vào lớp biểu bì và sau đó chui vào bụng, nơi chúng bắt đầu sinh sôi. Hàng ngàn bào tử sẽ được phóng thích ra ngoài từ một con ruồi”, Trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Jorgen Eilenberg của khoa Khoa học thực vật và Môi trường tại Đại học Copenhagen, cho biết.
Loài nấm này dường như chỉ nhiễm trên một tỉ lệ nhỏ, khoảng 3 - 5% con ruồi khỏe mạnh. Vì vật chủ tiếp tục sống bình thường nên rất khó xác định con ruồi nào bị nhiễm nấm, trong khi chưa có nhiều nghiên cứu về cơ chế AHT.
Cơ chế này trước đó chỉ được phát hiện ở 2 loài nấm lây lan cho ve sầu theo cách tương tự. GS Eilenberg cho biết thêm: “Chúng tôi chắc chắn muốn tiếp tục nghiên cứu của mình, vì làm như vậy có thể khám phá và có thể tận dụng những chất này trong tương lai, có lẽ trong y học”.