(GD&TĐ) - Nhà thiên văn học Adam Kraus thuộc trường Đại học Hawaii đã sử dụng bộ kính viễn vọng Keck 10m tại Mauna Kea để chụp trực tiếp những bức ảnh về một hành tinh đang hình thành quanh một ngôi sao.
Hành tinh này, được gọi là LkCa 15b, là một đám bụi tiền hành tinh nóng, bao quanh bởi bụi và khí lạnh. LkCa 15b sẽ trở thành một hành tinh khí khổng lồ giống như sao Mộc.
LkCa 15b cách Trái Đất 450 năm ánh sáng và đang hình thành giữa đám bụi, khí. |
Viện Thiên văn học cho hay Adam Kraus, cùng Micheal Ireland từ Đại học Macquarie, đã sử dụng những chiếc kính thiên văn quang học lớn nhất thế giới để tìm kiếm nó. Ông đã trình bày phát hiện của mình tại Trung tâm không gian Goddard của NASA ở Maryland: “LkCa 15b là hành tinh trẻ nhất được tìm thấy từ trước đến nay, trẻ hơn khoảng năm lần so với mọi kỉ lục được ghi nhận trước đó. Nó đang được hình thành giữa bụi và khí”
Trong quá khứ, các nhà khoa học không thể đo lường được hiện tượng phi thường này, cũng như không thể chụp được ảnh về sự ra đời của các hành tinh, bởi vì nó xảy ra quá gần các ngôi sao, và ánh sáng của sao mẹ luôn rực rỡ lấn át. Tuy nhiên, lần đầu tiên, họ đã có thể đo trực tiếp một hành tinh cũng như vật chất xung quanh nó.
Bốn bức ảnh chụp cắt lớp cho phép các nhà thiên văn học nhìn thấy LkCa 15b, và nhận ra nó được bao quanh bởi chiếc đĩa bụi, chứng tỏ nó đang trong quá trình hình thành. |
Các nhà khoa học đã kết hợp sức mạnh quang học thích nghi của Keck, với kĩ thuật độ mở mặt nạ giao thoa. Kĩ thuật này cho phép họ tách ánh sáng của các ngôi sao, để tìm thấy những lỗ hổng trong các lớp bụi, nơi tiền hành tinh có thể đang ẩn mình.
Kraus cho hay họ rất vui vì cuối cùng đã có thể phát hiện một hành tinh ở giai đoạn khởi thủy như vậy.
Nguyễn Huệ (Theo Telegraph)