Khí hậu ôn hòa
Vừa qua, hai đội ngũ nhà khoa học đã phát hiện một hành tinh trên lý thuyết có thể dung dưỡng sự sống. Ngoại hành tinh này có kích thước nhỏ hơn Trái đất, nhưng lớn hơn sao Kim và thuộc hệ sao cách Hệ Mặt trời khoảng 40 năm ánh sáng.
Cụ thể, theo hai báo cáo, hành tinh có tên Gliese 12b, xoay quanh một sao lùn đỏ ở chòm Song Ngư với kích thước bằng khoảng 27% Mặt trời của chúng ta và nhiệt độ khoảng 60%.
Do sao trung tâm khá nhỏ so với Mặt trời, hành tinh Gliese 12b vẫn nằm trong khoảng cách cho phép nước dạng lỏng tồn tại trên bề mặt dù quỹ đạo của nó chỉ vỏn vẹn 12,8 ngày.
Hay nói cách khác, Gliese 12b có thể là hành tinh tiềm năng có sự sống. Shishir Dholakia - nghiên cứu sinh đang theo học bằng tiến sĩ về vật lý thiên văn tại Trường Đại học Nam Queensland (Australia) đã công bố phát hiện này trên Thông báo hằng tháng của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia.
“Thực hiện một số phép tính cơ bản, chúng tôi đã tính ra rằng, Gliese 12b có thể có kích thước bằng Trái đất. Đồng thời, có khí hậu ôn hòa và nó thực sự rất gần. Trong khoảng một ngày, chúng tôi đã nghĩ đến việc công bố phát hiện này, vì đây là một điều tuyệt vời”, Dholakia nói.
Gliese 12b có nhiệt độ bề mặt được ước tính là khoảng 42 độ C. Quỹ đạo 12 ngày của nó xoay quanh Gliese 12, một sao lùn đỏ lạnh trong chòm sao Song Ngư. Gliese 12 có kích thước bằng khoảng 1/4 kích thước Mặt trời và nhiệt độ bề mặt bằng khoảng 60%.
Dholakia đã cộng tác với NASA để xác nhận hành tinh mới. Anh là người đồng dẫn đầu nhóm với một nghiên cứu sinh khác tại Đại học Edinburgh (Scotland) và Đại học London - Larissa Palethorpe.
“Tuy chưa thể đến được nó trong tương lai gần, nhưng chúng ta có thể theo dõi Gliese 12 qua những kính viễn vọng không gian lớn nhất thế giới và hiểu được bầu khí quyển của ngoại hành tinh”, nhà nghiên cứu Dholakia cho biết.
Theo nghiên cứu sinh này, điều đó có thể giúp làm sáng tỏ Hệ Mặt trời của chúng ta. Cụ thể, Trái đất và sao Kim là những ví dụ điển hình về cách bầu khí quyển có thể thay đổi bề mặt của một hành tinh.
Vì vậy, trong khi Trái đất là thiên đường cho sự sống, sao Kim lại đủ nóng để làm tan chảy chì trên bề mặt của nó. Shishir Dholakia cho biết, sự khác biệt giữa hai hành tinh này phần lớn là do sao Kim có bầu khí quyển rất khắc nghiệt.
“Xét về lượng ánh sáng nhận được từ Mặt trời, Gliese 12b nhận được một lượng gần giống Trái đất và sao Kim (có thể nằm trong khoảng giữa của hai hành tinh). Chúng tôi nghĩ rằng, hành tinh này có thể giúp chúng tôi hiểu vì sao Trái đất và sao Kim lại khác nhau như vậy”, Dholakia nhấn mạnh.
Ngoài ra, hành tinh này có thể có nhiệt độ thích hợp để nước lỏng đọng lại trên bề mặt… Nhóm nghiên cứu cho rằng, điều đó quan trọng vì các hành tinh có thể sống được nếu chúng chứa nước dạng lỏng.
“Trong cuộc tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh, chúng tôi cố gắng tìm kiếm những hành tinh có khả năng sinh sống được và đây có thể là một ứng viên sáng giá”, Dholakia cho biết.
Hành tinh này quay quanh một ngôi sao lùn đỏ, có nhiệt độ thấp và kích thước nhỏ hơn Mặt trời. |
Khí quyển có thể còn nguyên vẹn
Một yếu tố quan trọng để hành tinh duy trì khí quyển là mức độ hoạt động của sao chủ. Sao lùn đỏ như Gliese 12, có xu hướng hoạt động từ trường. Vì vậy, theo định kỳ, chúng tạo ra lóa tia X cực mạnh. Tuy nhiên, Gliese 12 không hoạt động như vậy, làm tăng khả năng khí quyển của Gliese 12b vẫn còn nguyên vẹn.
“Khí quyển ban đầu của Trái đất và sao Kim bị mất đi, sau đó khôi phục thông qua khí gas thoát ra từ núi lửa và va chạm với thiên thể trong Hệ Mặt trời. Ngày nay, Trái đất có sự sống nhưng sao Kim thì không.
Do Gliese 12b có nhiệt độ trong khoảng giữa Trái đất và sao Kim, khí quyển của nó sẽ giúp chúng ta biết thêm nhiều về hành trình phát triển sự sống của các hành tinh”, nghiên cứu sinh Larissa Palethorpe giải thích.
Theo NASA, Gliese 12b là một ứng cử viên sáng giá để nghiên cứu sâu hơn bằng Kính viễn vọng không gian James Webb. Là một sao lùn đỏ, Gliese 12 có thể có “hành vi” cực đoan nhằm tước mất bầu khí quyển của hành tinh, khiến nó mất nước rồi chết chóc như sao Kim dù có tự tái tạo lại khí quyển.
Tuy nhiên, các mô hình cho thấy, ngôi sao lùn đỏ này không có xu hướng làm như vậy. Nhóm nghiên cứu nhận định, sẽ cần thêm các bước quan sát cụ thể hơn để khẳng định liệu có sinh vật nào đang sống trên hành tinh thú vị này hay không.
Song, điều quan trọng là chúng ta có một lợi thế to lớn. Đó là ngôi sao mẹ Gliese 12, còn được gọi là TOI-6251 hoặc GJ12, nằm cách Mặt trời chỉ 40 năm ánh sáng, trong chòm sao Song Ngư.
Điều này biến nó thành một trong những hệ sao gần với Hệ Mặt trời nhất và tất nhiên việc quan sát các hành tinh quanh nó bằng các công cụ có sẵn sẽ thuận tiện hơn rất nhiều.
Ngoài những phát hiện liên quan sự sống, Gliese 12b cũng giúp các nhà nghiên cứu hiểu thêm về Hệ Mặt trời. Qua đó, mở ra hy vọng về việc khám phá sự sống ngoài Trái đất.
Vào tháng 2, các nhà thiên văn học cũng phát hiện một ngoại hành tinh nằm trong vùng có thể sinh sống được, thông qua sử dụng dữ liệu từ Vệ tinh Khảo sát Ngoại hành tinh Quá cảnh (TESS) của NASA. Hành tinh này được gọi là TOI-715b, lớn gấp khoảng 1,5 lần Trái đất, nhưng nhỏ hơn nhiều so với các hành tinh băng khổng lồ của Hệ Mặt trời.
TOI-715b nằm gần sao chủ và có quỹ đạo nhanh, có nghĩa hành tinh thường xuyên bay qua phía trước ngôi sao. Cụ thể, nó quay quanh ngôi sao lùn đỏ TOI-715 gần đó với chu kỳ 19,3 ngày Trái đất. Do là ngoại hành tinh nằm ở ngoài Hệ Mặt trời và có khối lượng lớn hơn Trái đất, nên nó thuộc vào hạng mục của một siêu Trái đất.