Phát hiện dấu chân người từ 120.000 năm trước ở Saudi Arabia

Phát hiện mới này cho thấy loài người cổ đại đã di chuyển theo nhiều lộ trình khác nhau, bao gồm cả men theo sông hồ để di cư từ châu Phi và lan dần sang lục địa Á - Âu.

Khoảng 120.000 năm trước ở khu vực ngày nay là phía bắc Saudi Arabia, một nhóm nhỏ người tinh khôn dừng lại uống nước và kiếm ăn tại hồ nước cạn. Họ có thể đã săn bắt các động vật có vú lớn ở đây nhưng không ở lại lâu mà tiếp tục lên đường.

Các nhà nghiên cứu đã tái hiện cảnh tượng chi tiết này trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Science Advances hôm 16/9, sau khi phát hiện dấu chân người và động vật cổ đại trên sa mạc Nefud. Nghiên cứu này làm sáng tỏ hành trình di cư khỏi châu Phi của tổ tiên loài người, theo AFP.

Ngày nay, bán đảo Arab bao gồm những sa mạc rộng lớn, khô cằn mà lẽ ra tổ tiên loài người và động vật cổ đại sẽ không thể sinh sống được trong điều kiện đó.

Tuy nhiên, nghiên cứu trong thập kỷ qua đã chỉ ra điều này không phải lúc nào cũng đúng. Vào thời kỳ đó, khu vực bán đảo Arab có khí hậu ẩm và nhiều cây cối hơn hiện nay.

Dấu chân người được phát hiện tại khu vực hồ cổ Alathar, thuộc Saudi Arabia ngày nay. Ảnh: SPA.
Dấu chân người được phát hiện tại khu vực hồ cổ Alathar, thuộc Saudi Arabia ngày nay. Ảnh: SPA.

"Tại một số thời điểm nhất định trong quá khứ, các sa mạc bên trong bán đảo biến thành đồng cỏ rộng lớn với nhiều hồ nước ngọt và sông", Richard Clark-Wilson, đồng tác giả của nghiên cứu, giải thích.

Ngoài các dấu chân, các nhà khảo cổ cũng phát hiện khoảng 233 hóa thạch có khả năng là của động vật ăn thịt đến để săn các loài ăn cỏ ở khu vực này.

"Có vẻ như những người này đến hồ để lấy nước và chỉ để kiếm ăn cùng lúc với động vật", và có lẽ cũng để săn chúng, Mathew Stewart, đồng tác giả của nghiên cứu, nói.

Trước đây, loài người đầu tiên được cho đã di cư đến lục địa Á - Âu qua miền Nam Hy Lạp và vùng Levant, khai thác các nguồn tài nguyên ven biển trên đường đi. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy rằng "các tuyến đường nội địa men theo các hồ và sông cũng có thể có ý nghĩa đặc biệt quan trọng", chuyên gia Stewart nói.

"Sự hiện diện của các loài động vật lớn như voi và hà mã, cùng với đồng cỏ rộng lớn và nguồn nước dồi dào, khiến miền Bắc Arab trở thành địa điểm đặc biệt hấp dẫn đối với nhóm người cổ đại di chuyển giữa châu Phi và Á - Âu", Michael Petraglia, đồng tác giả của nghiên cứu, nhận định.

Theo Zingnews

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ