Bên trong nó có Đại chung Nestor (Nestor’s Cup), chiếc cốc khổng lồ từng được Homer miêu tả là chén uống rượu của Hoàng đế Nestor – vị vua huyền thoại, nổi tiếng thông thái nhất Sử thi Odyssey.
Khám phá sử thi
Trên Đại chung Nestor có 3 dòng chữ, nội dung tạm dịch: “Đây là đại chung Nestor uống rượu tuyệt nhất. Bất cứ ai uống rồi cũng đạt ước nguyện. Đó là ngay lập tức được Aphrodite (nữ thần sắc đẹp) ghé thăm thỏa mãn”. Xét theo độ tuổi của chủ nhân ngôi mộ, ngôn ngữ này không phù hợp chút nào.
Trong miêu tả của Homer, Đại chung Nestor là chiếc cốc đúc bằng vàng, to và nặng đến mức chỉ có một người nâng lên được: Nestor thời trai trẻ.
Cũng theo Homer, thời cổ đại, chỉ các anh hùng, nhà thám hiểm, chiến binh Hy Lạp – La Mã mới được uống Đại chung Nestor. Họ đổ một loại nước giải khát có tính năng tăng cường thể lực và nâng cao chiến khí vào trong nó, sau đó cùng nhau uống.
Người La Mã và Hy Lạp cổ đại gọi Đại chung Nestor là kotyle hoặc cotyle. Nó có bề ngoài tương tự 1 chiếc cốc dạng tròn, có 2 tay cầm đối xứng nhau và bề mặt được trang trí bằng các hoa văn, hình vẽ, dòng chữ… Họ dùng nó uống rượu vang.
Năm 1952, các nhà khảo cổ phát hiện khu chôn cất thuộc thế kỷ VIII TCN tại Lacco Ameno, Đảo Ischia, Vịnh Naples (Ý). Sau 2 năm khai quật, họ tìm thấy 1 ngôi mộ bất thường. Nó là điểm an táng 1 trẻ em tuổi từ 10 – 14, bên trong có 1 một kotyle, nghi là Đại chung Nestor.
Khác với kotyle huyền thoại của Nestor, đại chung này chỉ được đúc bằng đất sét. Trên nó có khắc 3 dòng chữ, “Νεστορος: ε[ιμ?]ι[c]: ευποτ[ον]: ποτεριον: ͱος δ’α<ν> τοδε π[ιε]σι: ποτερι[ο]: υτικα κενον ͱιμερ[ος ͱαιρ]εσει: καλλιστε[φα]νο: Αφροδιτες”. Tạm dịch, “Đây là chung Nestor uống rượu tuyệt nhất. Bất cứ ai uống rồi cũng đạt ước nguyện. Đó là ngay lập tức được Aphrodite ghé thăm thỏa mãn”.
Mâu thuẫn “18+”
Thời cổ đại, Lacco Ameno là một phần của Thành Pithekoussai. Sau 30 năm khai quật (1952 – 1982), các nhà khảo cổ tìm thấy tổng cộng khoảng 1.300 ngôi mộ. Người ta đặt tên cho ngôi mộ của đứa trẻ có kotyle là Mộ Đại chung Nestor (Tomb of Nestor’s Cup).
Xem xét sơ bộ chỉ ra, Mộ Đại chung Nestor là mộ hỏa táng. Thi thể của đứa trẻ được đặt trên giàn hỏa thiêu ngay trên miệng huyệt, hỏa táng trước khi chôn cất. Các nhà khảo cổ đã tốn khá nhiều công sức mới khôi phục Đại chung Nestor từ các mảnh vỡ.
Trong 3 dòng chữ trên thân Đại chung Nestor, dòng thứ nhất được khắc sau khi kotyle đã ra lò. Nó được xem như 1 trong các bản khắc chữ sớm nhất từng phát hiện của ngôn ngữ Hy Lạp.
Dòng thứ 2 và 3 được viết lên thành Đại chung Nestor trước khi nung. Những năm 1990, thế giới chắc mẩm nó phải là kotyle huyền thoại đã được Homer nhắc tới trong Odyssey.
Có điều, đối với ngôi mộ của một đứa trẻ còn chưa thành niên mà hứa hẹn “Aphrodite ghé thăm thỏa mãn” thì dung tục quá. Nhiều nhà nghiên cứu bày tỏ sự nghi ngờ, quyết tâm lật lại. Người dẫn đầu dự án tái khám phá này là Melania Gigante, tiến sĩ Đại học Padua (Ý).
Sự thật bất ngờ
Ngoài Đại chung Nestor, trong mộ của đứa trẻ này còn chứa 1 sợi dây chuyền bạc, mảnh vỡ của 25 chiếc lọ gốm khác và rất nhiều vụn xương. Ban đầu, người ta tưởng chúng chỉ là xương động vật, còn sót lại trong quá trình hỏa táng cùng thi thể như vật cúng tế.
Sau khi thu thập toàn bộ, nhóm của Gigante đếm được 195 mảnh xương và răng. Họ đem 175 mảnh quan sát dưới kinh hiển vi và kinh hoàng nhận ra, có đến 130 mảnh là xương người và chỉ 45 mảnh là xương động vật.
Trong 45 mảnh xương động vật bao gồm xương chim, chó, cừu và những mảnh đã nát đến mức không thể phân biệt được thuộc về con gì.
130 mảnh xương người chủ yếu là xương tay, chân, thuộc về 3 cá thể riêng lẻ. Tuy không thể xác định chính xác độ tuổi và mối quan hệ, nhưng họ đều là người trưởng thành. Nói cách khác, Mộ Đại chung Nestor không hề chôn cất một trẻ em 10 – 14 tuổi. Trái lại, nó là mộ chung của 3 người lớn.
“Vì các mảnh xương quá nát vụn và đều bị đốt cháy, chúng tôi chưa thể khẳng định gì nhiều”, Gigante cho biết. Tuy nhiên, bà cho rằng cả 3 chủ nhân của Mộ Đại chung Nestor và các động vật đều được hỏa thiêu cùng thời gian, cách thức.
Đây có thể là phong tục dâng cúng lễ vật cho người chết trong lúc hỏa táng tiễn đưa, hoặc đưa cả bạn đồng hành là động vật cùng đi trên hành trình sang thế giới bên kia.
“Phát hiện này đã đảo ngược suy đoán và kết luận của khám phá khảo cổ trước đó”, Gigante tự hào. “Nó viết lại lịch sử, đưa các phong tục tang lễ, văn hóa và xã hội của những người nhập cư Hy Lạp ở Tây Địa Trung Hải thời cổ đại ra ánh sáng”.
Gigante cũng đề xuất nên dành nhiều thời gian, công sức hơn cho Lacco Ameno, nhằm “tìm hiểu sâu và đầy đủ về cuộc sống ở Thành Pithekoussai”.