Cần sự sẻ chia
PFLAG (viết tắt của Parents, Families and Friends of Lesbians and Gays) là Hội Cha mẹ, gia đình và bạn bè của người đồng tính, được sáng lập bởi một người mẹ có con đồng tính.
Bà Đinh Thị Yến Ly, thành viên sáng lập PFLAG kể lại câu chuyện của con trai mình: Con trai duy nhất của bà Ly tên gọi ở nhà là Ted. Năm Ted học lớp 11, một lần mở cặp của con, bà tìm được một quyển nhật ký, trong đó Ted dán ảnh của mình bên cạnh một nam sinh khác và viết những dòng bày tỏ tình cảm với cậu bé lớp 10 kia.
Bà choáng váng và vạch ra một lộ trình đưa con trở về “khuôn khổ”. Thái độ của bố Ted sau khi biết chuyện là né tránh, không chấp nhận, cũng không muốn đề cập. Vậy nên thời gian đó, mình bà Ly loay hoay “chạy chữa” con trai, chạy từ phòng tư vấn này đến bác sĩ tâm lý kia, ai cũng nói Ted hoàn toàn bình thường, không vấn đề gì về tâm lý làm bà càng thêm bức xúc.
Lần cuối cùng, hai mẹ con gặp một chuyên gia tâm lý rất nổi tiếng. Ông nói chuyện với Ted xong thì mời bà vào phòng: “Chị phải bình tĩnh tôi mới dám nói. 80% con chị là đồng tính”.
Bà khóc òa, vì sốc, vì hoang mang không biết phải làm gì tiếp tục. Sau nhiều lần “chia uyên rẽ thúy” con trai không ăn thua, bà Ly ra tối hậu thư nói rõ những trách nhiệm mà nếu cậu con không thực hiện, có thể ra khỏi nhà.
Một tuần sau bà nhận được thư của Ted, trong thư, Ted nhiều lần xin lỗi mẹ: “Nếu sinh ra con là khuyết tật, con có thể bại liệt, bại não, câm điếc… thì con chắc chắn một điều mẹ không bao giờ bỏ con. Mẹ vẫn chăm sóc, yêu thương, bảo vệ con. Nhưng khi con sinh ra là một đứa gay thì con là một kẻ tội đồ, một đứa bất hiếu.
Mẹ biết không, hằng đêm đối diện bản thân, con đã căm ghét chính mình. Con xin mẹ hãy hiểu cho con, hãy thương con và chấp nhận con, vì sinh ra là gay là điều con không hề muốn.
Còn nếu mẹ không chấp nhận được con, xin mẹ hãy cho con thêm một năm nữa. Khi tốt nghiệp đại học, con sẽ tìm việc làm và sẽ đi xa khỏi nơi này để không làm cho mẹ xấu hổ vì con là một nỗi ô nhục cho dòng họ. Đối với con, đó là hình phạt khủng khiếp nhất trên đời mà con phải gánh chịu khi là một thằng gay”.
Quá căng thẳng vì không chia sẻ được với ai, bà Ly về khóc với mẹ. Ai dè bà ngoại phán: “Sao phải khóc! Mẹ thấy chuyện này giờ bình thường mà” rồi cho bà xem bài báo viết về người mẹ có con trai đồng tính mở tiệm uốn tóc sống rất vui vẻ. Và bà Ly thấy mẹ mình có lý, sau đó chính bà ngoại Ted đã nói với các dì, các cậu, mọi người đều ủng hộ Ted.
Thay đổi quan điểm
Trong ký ức của chị Hà (Hà Nội), lời thú nhận đồng tính của con trai vẫn khiến chị bồi hồi mỗi khi nhớ lại: “Phong nói từ năm lớp 10 không có cảm xúc với con gái mà chỉ có cảm xúc với con trai. Tôi sốc lắm.
Lúc đó, tôi đã nói hay do con chưa ổn định về hormone và tâm lý thì con nghĩ thế, con cứ để tự nhiên xem thế nào. Phong bảo con vẫn để tự nhiên đấy chứ.
Về sau Phong cũng đưa tài liệu cho tôi xem thêm, dần dần tôi hiểu ra, tôi cũng biết đồng tính không phải là bệnh, cái đó nó ăn sâu vào máu, vào gen”.
Chị tìm cách nói chuyện với chồng, vừa nói vừa thuyết phục bằng các bài báo, thông tin trên mạng, chồng chị cũng hiểu ra và chấp nhận con trai mình như vậy.
“Khó khăn nhất là thuyết phục những người khác trong nhà. Khi tôi nói với bà ngoại, người thân thiết và nuôi Phong từ nhỏ, bà cũng bất ngờ rồi hỏi: Tương lai nó sẽ như thế nào? Tôi nói con vẫn học hành, sinh hoạt như bình thường. Còn tương lai nếu muốn đẻ con thì mình thụ tinh nhân tạo, đẻ thuê hoặc nhận con nuôi cũng được. Chẳng có vấn đề gì”.
“Không chỉ chấp nhận em mà mẹ còn ủng hộ em đấu tranh cho quyền lợi của cộng đồng LGBT nữa. Hơn cả là mẹ rất yêu em. Nó là vũ khí mạnh nhất đánh bật mọi định kiến về con mình”, Phong tâm sự.
“Lúc biết con là gay, vợ chồng tôi xem nó như sâu bọ. Suốt 10 năm trời, chúng tôi kỳ thị, nhiếc móc đến mức con tôi tự tử một lần, vào nhà thương điên 2 lần”, bà Thủy (Quận 9, TPHCM) chia sẻ.
Mất tình yêu dành cho con, vì thế bà cũng mất đi sự quan tâm, chăm sóc. Nấu cơm nhưng bà không ăn với con, chuyện học hành cũng không quan tâm, không thèm đến dự buổi lễ tốt nghiệp đại học của con.
Ngoài mặt là vậy, bên trong vợ chồng bà Thủy nghĩ nhiều cách để “thay đổi” cái đồng tính của con. Gia đình bà đưa con đi hết viện nọ, viện kia, cho đi xét nghiệm máu xem hormone “lệch lạc” của con có thể sửa được không, thậm chí đưa cả đi thầy cúng để xem có bị vong nhập hay không.
Hai lần con trai bà phải vào viện tâm thần vì nói nhảm và stress nặng: “Tôi còn ngu muội tới mức xin bác sĩ cho con ở trại nữ vì không thể để nó ở trại nam được. Một tối vợ chồng tôi nằm bên cạnh nó, đang đêm nó đứng dậy nhìn đồng hồ rồi đếm “1, 2, 3, 4, 5, 6. Con đếm đến 6 là Hùng (người yêu nó lúc đấy) sẽ xuất hiện. Chúng con đã giao hẹn với nhau rồi” rồi đổ vật xuống nền nhà”.
Sau nhiều lần như thế, vợ chồng bà Thủy mới nhận ra ông bà khổ một thì con mình khổ gấp trăm lần nên quyết định không nặng nề với con, chăm sóc con để bù đắp lỗi lầm ngày trước.
Theo ông Lê Quang Bình - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế, xã hội và môi trường (iSEE), hiện nay Việt Nam có khoảng 1,6 triệu người đồng tính, song tính và chuyển giới. Họ đang phải chịu nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất là đang bị định kiến và kỳ thị.
Theo một nghiên cứu iSEE đã thực hiện thì có 95% người đồng tính nam nói đã nghe những lời kỳ thị từ người khác về bản thân, 20% từng bị mất bạn bè, 15% bị gia đình bạo lực cả về thể chất lẫn tinh thần, song pháp luật vẫn chưa có một quy định nào bảo vệ họ.