Phát hiện cỗ máy mã hóa của Đức quốc xã ở đáy biển Baltic

GD&TĐ - Các chuyên gia khảo cổ dưới nước của Đức vừa tìm thấy một chiếc máy mật mã huyền thoại Enigma từng được phát xít Đức dùng trong Thế chiến II, dưới đáy biển Baltic.

Phát hiện cỗ máy mã hóa của Đức quốc xã ở đáy biển Baltic

Enigma trông hơi giống với một chiếc máy đánh chữ. Trên thực tế, người thợ lặn tìm thấy nó dưới đáy đại dương ban đầu nghĩ rằng đó chính là một chiếc máy đánh chữ, theo AFP đưa tin. Nhưng đội lặn đang làm nhiệm vụ cho nhóm bảo tồn World Wide Fund for Nature (WWF) – Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên thế giới nhanh chóng nhận ra rằng họ đã gặp một thứ gì đó khác lạ.

Trong Thế chiến II, máy Enigma được sử dụng để mã hóa các thông điệp quân sự của Đức với hy vọng ngăn chặn các cường quốc Đồng minh biết về việc chuyển quân và các kế hoạch khác. Các thiết bị bao gồm một bàn phím và một loạt rôto thực hiện việc mã hóa.

Các rôto thay thế các chữ cái khác nhau cho mỗi chữ cái được gõ vào; các máy Enigma khác nhau được sử dụng với từ ba đến tám rôto, các rôto di chuyển độc lập sau mỗi lần nhấn phím để cùng một chữ cái đầu tiên được nhập vào máy sẽ xuất hiện dưới dạng nhiều chữ cái khác nhau trong mã cuối cùng.

Để giải mã thông điệp ở đầu bên kia, người vận hành chỉ cần biết vị trí bắt đầu của các rôto và bộ định tuyến giữa chúng. Sau khi tin nhắn mã hóa được nhập vào máy Enigma với cài đặt phù hợp, máy sẽ đưa lại văn bản gốc.

Bẻ khóa mật mã Enigma là một phần rất lớn trong nỗ lực chiến tranh của Đồng minh. Các nhà toán học Ba Lan Marian Rejewski, Henryk Zygalski và Jerzy Różycki đã thực hiện những nỗ lực đầu tiên vào năm 1939 và có thể tạo lại một mô hình của máy Enigma, giải thích hoạt động cơ bản của nó và giải mã nhiều thông điệp.

Sau đó, họ chuyển giao thông tin này cho tình báo Anh, theo BBC, vì người Đức thay đổi mật mã hàng ngày, khiến đội Ba Lan khó giải mã thông điệp của họ hơn.

Nhà toán học người Anh Alan Turing là người đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực giải mã các thông điệp Enigma của Hải quân Đức Quốc xã, vốn phức tạp hơn, theo Viện bảo tàng Chiến tranh Đế quốc.

Việc bẻ khóa những mật mã đó là rất quan trọng để cứu các tàu của Đồng minh khỏi U-boat của Đức, những tàu ngầm khét tiếng đã đánh chìm hơn 5.000 tàu trong Thế chiến I và hơn 2.700 trong Thế chiến II, đồng thời giúp quân Đồng minh giành được lợi thế trong cuộc chiến trên biển và kiểm soát Đại Tây Dương. Đóng góp quan trọng của họ trong việc khắc chế các máy mật mã đã giúp rút ngắn Thế chiến 2 và cứu sống nhiều nghìn người.

Cỗ máy Enigma được nhóm lặn WWF tìm thấy ở đáy Vịnh Gelting ở Đông Bắc nước Đức. Nó có ba rôto nên được xác định là loại được sử dụng trên tàu chiến, không phải U-boat.

Ngay trước khi Đức đầu hàng quân Đồng minh vào tháng 5/1945, một nhóm khoảng 50 chiếc tàu ngầm đã phải tuân thủ lệnh tự đắm (tháo lỗ bít trên thân tàu để nước tràn vào) tại vịnh Gelting, gần biên giới Đức - Đan Mạch, để tránh phải nộp mình cho quân đồng minh.

Phá bỏ các thiết bị mật mã là một phần trong các bước thực hiện mệnh lệnh đó. Tổng cộng Phát xít Đức đã đánh đắm hơn 200 trong số các tàu ngầm của họ ở biển Bắc và biển Baltic ở giai đoạn cuối Thế chiến 2.

Nhà sử học Jann Witt thuộc Hiệp hội Hải quân Đức nói với hãng tin DPA rằng điều đó cho thấy cỗ máy này có thể đã bị vứt khỏi tàu trong những ngày cuối cùng của Thế chiến II. Mặc dù vài trăm nghìn chiếc máy này đã được sản xuất, nhưng chỉ vài trăm cái được biết vẫn còn tồn tại. 

Các thợ lặn đã chuyển chiếc máy này đến bảo tàng khảo cổ học ở bang Schleswig-Holstein của Đức, nơi các nhà khảo cổ đang khôi phục nó. Theo Ulf Ickerodt, người đứng đầu văn phòng khảo cổ tiểu bang, dự án này sẽ mất khoảng một năm. Cỗ máy Enigma sau đó sẽ được trưng bày tại bảo tàng.

Theo Livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ