Ngựa chưa được kìm cương
Nếu so sánh công tác phát hành phổ biến phim Việt như một chú ngựa thì có thể khẳng định những người làm điện ảnh Việt chưa kìm được cương ngựa bởi nhiều năm nay chúng ta vẫn chưa thể kiểm soát và định hướng được hoạt động này.
Trong một thập kỷ qua, thực hiện chủ trương mở cửa, hội nhập và xã hội hóa, các công ty nước ngoài, công ty liên doanh và công ty tư nhân về phát hành - phổ biến phim ngày càng hiệu quả, một số cụm rạp được xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa thu hút khán giả; hoạt động chiếu bóng sống lại sau nhiều năm ngắc ngoải...
Tuy nhiên, mặt tiêu cực là Nhà nước không kiểm soát, định hướng được hoạt động chiếu phim vì không điều tiết được nguồn phim phát hành; hệ thống rạp chiếu phim hiện đại hầu hết do các công ty liên doanh và các công ty tư nhân nắm giữ. Mất vai trò điều tiết hoạt động phát hành phim, tỷ lệ phim truyện nhập nước ngoài cao gấp nhiều lần phim truyện trong nước sản xuất...
Việc tuân thủ cam kết quốc tế khi Việt Nam gia nhập WTO dẫn đến không có hạn ngạch nhập phim nên bên cạnh những tích cực như khán giả được thưởng thức nhiều phim hay... thì cũng tồn tại những tiêu cực là nguy cơ xâm lấn của các phim ngoại ngày càng cao, các công ty nước ngoài liên doanh chỉ hoạt động ở thành phố lớn nên khán giả ở các địa phương nhất là vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện thưởng thức phim điện ảnh. Khán giả trẻ thường chỉ thích xem phim giải trí...
Thực trạng phát hành phim ở miền núi, vùng sâu, vùng xa thì càng nhiều điều đáng bàn. Lực lượng phim cung ứng theo chương trình dân tộc miền núi thiếu trầm trọng, nội dung phim chưa phong phú, đa dạng, có phim chưa đúng với thực tế như phim người Thái lồng nhạc sáo H’ Mông... Bởi vậy, phim truyện đề tài miền núi chưa được khán giả và đồng bào dân tộc thiểu số đón nhận nồng nhiệt.
Phim thời sự tài liệu về bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số, phim hoạt hình còn quá ít. Và cũng theo thống kê không chính thức, ở vùng sâu vùng xa và khu vực miền núi, nhiều vùng đồng bào không được xem phim điện ảnh... Bởi vậy, con số 1,8 lượt xem phim/người/năm chỉ là mục tiêu của khu vực thành thị trong thời gian tới.
Vì sao nên nỗi?
Có thể thấy, việc đưa phim Việt ra rạp vẫn có nhiều mặt hạn chế. Trước tiên là việc thiếu vắng những phim do Nhà nước sản xuất với số lượng mỗi năm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vấn đề nữa là phim Việt hiện nay vẫn còn yếu trong việc tương tác với khán giả. Nếu như nhiều bộ phim tư nhân có nỗ lực trong việc quảng bá phim bằng các hoạt động giao lưu đoàn phim, tạo trang riêng trên mạng xã hội... thì chưa có ai nghĩ đến việc tạo ra một cộng đồng chung cho khán giả yêu phim Việt có thể tương tác và đánh giá phim giống các trang web nước ngoài.
Có ý kiến cũng cho rằng vì chất lượng phim Việt chưa cao. Một năm sản xuất khoảng hơn chục phim nhưng trong số đó nhiều phim làm hời hợt, câu khách bằng những chiêu trò “rẻ tiền” khiến nhiều khán giả đi xem xong mất niềm tin vào phim Việt. Trong khi đó, phim ngoại lại đáp ứng được nhu cầu giải trí của nhiều người khi bước chân vào rạp.
Một vấn đề khác cũng được các nhà chuyên môn đề cập, là mô hình tổ chức và kỹ thuật tại các rạp chiếu. Điện ảnh trên thế giới dần chuyển sang công nghệ kỹ thuật số Digital và thay thế dần cho phim nhựa 35 mm. Tuy nhiên ở Việt Nam, số lượng phòng chiếu Digital chưa phải là nhiều và rất khó có thể thay thế được phim nhựa thông thường. Các máy chiếu Digital hiện nay chỉ tập trung ở một số cụm rạp lớn như MegaStar hay Lotte.
Việc phân định giữa các mạng lưới kỹ thuật cũng xảy ra nhiều bất cập. Mặc dù ở những thành phố lớn, khán giả bắt đầu quen với phim Digital với hình ảnh rõ nét, nuột nà thay thế cho phim nhựa ngày trước. Tuy nhiên, ở các địa phương nhỏ, nhiều người vẫn không phân biệt được và hạn chế kiến thức về máy kỹ thuật số. Một số hãng phát hành phim cho rằng hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa có hệ tiêu chuẩn nào về việc duyệt phim, trừ xếp hạng duy nhất đang được áp dụng với một số phim là NC-16 (cấm khán giả dưới 16 tuổi)...
Tháo gỡ cách nào đó là câu hỏi đặt ra cho tất cả các bộ phận liên quan. Một giám đốc rạp phim đã nêu ra 9 giải pháp, trong đó nhấn mạnh giải pháp ngành điện ảnh cần thuyết phục Bộ Tài chính, Chính phủ cho phép ngành tham gia quản lý ngành thông qua vé xem phim và cho phép trích lại một phần cho quỹ phát triển điện ảnh nước nhà... Ý kiến khác lại cho rằng sự thay thế của kỹ thuật số cho phim nhựa đòi hỏi sự thay đổi gốc rễ từ máy móc, trang bị đến con người. Nên thành lập một hiệp hội phát hành phim và chiếu bóng
Đại diện nhiều công ty phim tư nhân cũng kiến nghị giải pháp như: Đầu tư rạp chiếu phim, nhất là các phòng chiếu kỹ thuật số để trình chiếu phim 3D và digital. Các hãng phim nhà nước nên phối hợp với các đơn vị tư nhân để tăng số lượng phim VN phát hành. Cần sự hỗ trợ của Cục Điện ảnh về một cơ chế thoáng trong việc quảng bá phim. Đề nghị Cục Điện ảnh duyệt phim linh hoạt hơn và duyệt bằng định dạng digital cho phù hợp xu thế chung.
Với những người làm công tác quản lý thì cho rằng, để điều tiết nguồn phim, có thể tính đến một tổ chức xã hội nghề nghiệp đứng ra điều tiết việc này, nhưng trước mắt, Cục Điện ảnh muốn sự hợp tác giữa các đơn vị phát hành phim sau khi “tận thu” ở các phòng vé các thành phố lớn, sẽ cung cấp phim (cho mượn hoặc thuê giá rẻ) để phục vụ bà con ở vùng sâu, vùng xa.
Rõ ràng, phát hành và phổ biến phim phải là khâu quyết định cho sản xuất. Nhiệm vụ quan trọng sắp tới của Cục Điện ảnh là xây dựng chiến lược phát triển điện ảnh, trong đó có nội dung nhà nước phải xây dựng cụm rạp như một thiết chế cứng, phải đầu tư cho quảng bá, phát hành, có chính sách cho đội ngũ phát hành phim, chiếu bóng lưu động… Tuy nhiên, để mũi tên trúng đích thì việc thực hiện vẫn đòi hỏi sự linh hoạt, kịp thời của ngành điện ảnh.