Phát điên vì tính bần tiện của chồng

GD&TĐ - Thời còn trẻ, chị khá dễ dãi và ba phải, tính cách đó ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc hôn nhân của chị sau này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Yêu anh được một thời gian, chị dẫn anh về ra mắt bố mẹ. Khi 2 mẹ con đứng ở dưới bếp, mẹ hỏi dò chị: “Con ưng thằng ấy lắm à?”. Chị thủng thẳng: “Con cũng chẳng biết nữa, mẹ thấy sao?”. Mẹ chị cười khì khì: “Nó không cao ráo lắm, nhưng được cái nết căn cơ, con nên lấy một người chồng như thế, đừng chạy đua theo những kẻ ăn chơi ngoài kia, chỉ được cái mẽ bên ngoài thôi, không ra gì đâu”.

Nghe lời mẹ, chị gật đầu đồng ý ngay khi anh ngỏ lời cầu hôn. Sự căn cơ, chi li của anh luôn là một đức tính tốt trong mắt chị. Nhưng khi về chung một nhà, chị không thể ba phải được nữa. Hai vợ chồng sống và làm việc ở thành phố, nhà chồng thì ở quê, nên chị gần như không phải chịu cảnh làm dâu. Ấy thế mà chị vẫn gặp không ít khó chịu chỉ vì cái tính tiết kiệm quá mức của anh.

Ngày nào cũng vậy, chị cứ về đến nhà, chuẩn bị xắn tay vào việc là anh tuôn ra “một rổ” các bài tiết kiệm như: “Giặt quần áo xong thì em không được đổ nước đi mà tất cả phải đổ vào một thùng chứa riêng rồi để anh xử lý. Còn rửa bát, em chỉ rửa đến nước thứ hai thôi nhé, rửa nước thứ ba, thứ 4 cũng không sạch hơn được đâu…”.

Khổ hơn nữa là cứ đến 7 giờ tối, anh lại tắt hết điện, chỉ để một ngọn đèn duy nhất ở phòng ngủ. Mà nhà trọ của 2 vợ chồng thì không được khép kín như những khu chung cư, nhà tắm, nhà vệ sinh đều ở ngoài, cứ mỗi lần muốn đi vệ sinh lại phải vào bếp bật điện vì đấy là công tắc tổng, mà như thế thì lại phải hỏi chìa khoá anh đang giữ. Thành ra mỗi lần muốn đi vệ sinh là một lần… bức bí đối với chị.

Chuyện ăn uống còn khổ sở hơn nhiều. Đồ ăn lưu trữ trong tủ lạnh cả tuần anh cũng không cho đổ đi, bát nước mắm thì ăn ba ngày vẫn cứ phải úp đĩa lên rồi cất đi, nếu chị lén đổ đi mà để anh nhìn thấy thì “thôi rồi” - lại ca bài ca tiết kiệm. Lần nào chị nói lại anh tí thì y như rằng tối hôm đấy không khí gia đình nặng nề, 2 vợ chồng quay lưng vào nhau, im lặng đến tận sáng hôm sau.

Cưới nhau được 2 năm nhưng anh chưa hề đưa chị đi xem phim hay la cà quán xá, mặc dù anh chẳng khó khăn gì về mặt tài chính. Nhưng theo quan điểm của anh, có ăn uống thì mua về tự chế biến vừa rẻ lại vừa đảm bảo chất lượng. Anh cũng chẳng bao giờ dẫn chị đi chơi xa ngoài công viên gần nhà, vì như thế không tốn xăng mà lại đỡ bụi bặm.

Chị vô cùng ấm ức nhưng vẫn hi vọng rằng anh sẽ là người đàn ông biết thu vén cho gia đình sau này, chứ không phải là người tiêu xài phung phí. Nghĩ là như vậy nhưng nhiều khi cũng thấy tủi thân khi đứa bạn nhận được vé mời đi xem phim, ca nhạc hay đi chơi đâu đó, thậm chí có lúc chị cũng thấy tình yêu của mình mất đi thi vị khi anh luôn tính toán chi li mọi thứ.

Và thế là chị lại tiếp tục tự động viên mình bằng cái lý thuyết: “Thôi thì khổ trước sướng sau”. Nhiều lúc chị còn bênh vực anh trước mặt bạn bè rằng: “Có tiết kiệm mới giàu được, mà anh ấy keo kiệt với thiên hạ chứ biết lo toan cho vợ thì cũng chẳng sao”.

Thế nhưng hình như chị đã nhầm giữa hai khái niệm “tiết kiệm” và “kiệt sĩ”. Anh đã bộc lộ phạm trù thứ hai vào dịp sinh nhật chị. Thấy anh chẳng đoái hoài gì, chị lẳng lặng tự thưởng cho mình chiếc váy giá 7 trăm ngàn. Chiếc váy ấy chẳng qua mắt nổi anh. Sau khi nhìn mức giá ở mác, anh vứt toẹt chiếc váy xuống giường, giọng cấm cảu: “Em phí phạm vừa thôi, lương thì thấp mà mua cái váy từng này tiền. Nói cho em biết, váy loại này ngoài vỉa hè bán đầy, giá cùng lắm là khoảng vài trăm ngàn thôi”.

“Khủng khiếp” hơn, lần kỷ niệm ngày cưới, chị gợi ý cả gia đình đi ăn ngoài hàng thì bị anh gạt phăng đi: “Đi ăn hàng làm gì cho tốn kém. Em nấu ăn ở nhà đi, lười vừa thôi”. Nghe anh nói vậy, chị lủi thủi về phòng, rớt nước mắt vì tủi thân, chán chường.

Sau những ngày làm việc mệt mỏi, trở về nhà phải sống trong nguyên tắc “tiết kiệm triệt để” của anh khiến chị muốn phát điên. Thật sự lúc này chị cảm thấy vô cùng khổ sở khi phải sống trong cảnh mất đi sự thoải mái, tự do. Không ít lần chị có ý định gửi anh lá đơn ly hôn.

Chưa biết giải quyết ra sao, chị gọi về cho mẹ, khóc lóc vì quá ấm ức, mẹ chị khuyên: “Con ơi, cuộc sống gia đình không đơn giản đâu, con đừng nhìn vào người khác để thấy mình thiệt thòi, hãy nhìn vào thực tại để thấy mình vẫn còn may mắn, hạnh phúc hơn biết bao người. Hạnh phúc của gia đình được xây dựng nhờ vào sự cố gắng của cả hai vợ chồng. Ngoài tình yêu thương thì việc cả hai cùng góp ý thẳng thắn để giúp nhau hoàn thiện mình cũng là một nhân tố quan trọng, đảm bảo cho gia đình thêm phần bền vững. Con cứ nhỏ nhẹ góp ý để chồng con dần thay đổi, hạnh phúc là sự vun đắp chứ không phải sự phá bỏ…”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.