Quên đi quá khứ
Cần hướng tâm đến mục đích tốt như một chất xúc tác đẩy chúng ta đến phía trước. Do vậy, hãy quên đi những khổ đau lặt vặt bên đường. Đời người trung bình sáu mươi năm cho đến bảy mươi năm. Những quãng năm tháng nhọc nhằn ai cũng có. Có người quên đi, có người nhớ, có người bị ám ảnh. Mỗi nỗi nhớ hay sự ám ảnh sẽ làm cho nỗi đau có khuynh hướng tái hiện lại và sống lại lần thứ hai.
Theo tinh thần Phật dạy, để có được hạnh phúc trong tầm tay là hãy quên đi quá khứ của mình, tin vào hiện tại, sống với hiện tại một cách trọn vẹn thì niềm hạnh phúc dù đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa. Có ai nghĩ rằng mình vẫn còn phước báu có buồng phổi tốt, có trái tim mạnh, có lục phủ ngũ tạng hoàn hảo để hít thở không khí trong lành của trời đất, để ăn, để uống.
Nhiều người giàu sang phú quý, tiền rừng biển bạc nhưng quả thận không lành, dù chạy vạy khắp trong nước đến nước ngoài vẫn không mua được mạng sống. Cho nên, có mạng sống toàn vẹn là một phước báu.
Thấy được điều đó dù rất tầm thường, đôi lúc chúng ta không mơ tưởng lại cảnh nhà cao cửa rộng, phương tiện vật chất đủ đầy. Những thứ đó chỉ là phương tiện rất nhỏ tạo thành hạnh phúc, nếu biết cách. Còn không khéo thì chính chúng dẫn đến sự tranh chấp vật lộn rất mỏi mệt trong cuộc đời.
Quên đi những chuyện tầm thường vặt vãnh trong cuộc đời để tâm không đầy ắp những nỗi đau, không bị vẩn đục bởi những điều bất hạnh, những điều không như ý đã từng diễn ra.
Cần gạt bỏ khứ và nỗ lực xây dựng tương lại tươi đẹp.
Khi nói nỗ lực lần thứ hai, chúng tôi thừa nhận rằng trong cuộc đời dù giàu hay nghèo, không mấy ai may mắn thành công trong lần đầu tiên nỗ lực. Nhiều người đạt vương miện hoa hậu hay quán quân trong các trò chơi, thủ khoa trong các kỳ thi, làm giám đốc này hay chủ tịch Hội đồng quản trị nọ, chúng ta cứ tưởng cuộc đời của họ rất yên ả; trên thực tế, họ đã vượt qua rất nhiều gian truân thử thách.
Giờ phút vinh quang nhất của họ mà chúng ta biết được là ở thời điểm họ thành công, còn thời điểm họ phấn đấu vươn lên trong cuộc đời, ít người kể chúng ta nghe. Không có cái gì không phải trả giá. Do đó nỗ lực lần thứ hai, thứ ba, thứ tư, trong cuộc đời là điều rất cần thiết và không thể thiếu.
Có hai anh em cùng làm giám đốc. Sau một năm rưỡi, từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu dẫn đến khủng hoảng tài chính tại Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản và nhiều loại hình kinh doanh khác bị phá sản. Tiền trong tay vài chục tỷ nhưng qua biến cố khủng hoảng tài chính toàn cầu làm cho họ chỉ còn con số 0. Nhiều người đã phải tự tử hoặc ngồi tù, vì không có tiền chi trả cho những khoản nợ. Tình yêu, hạnh phúc gia đình,… những đổ vỡ khác kéo theo sau.
Con người chúng ta còn mạnh hơn các cây của bốn mùa. Đời người có những thăng trầm, khi lên voi lúc xuống chó. Khi sống mất lý tưởng, lúc vững tâm tin tưởng vào chính mình, lúc khác gần như buông trôi như lục bình. Nhưng hãy luôn nhớ đến những thời khắc thành công và mong mỏi nhân bản sự thành công đó trong hiện tại và tương lai. Với niềm tin sắt đá thì sự nỗ lực ở những lần kéo theo, sau lần thất bại sẽ bù đắp cho chúng ta một cách xứng đáng.
Đừng mơ tưởng những hạnh phúc quá lớn vượt ngoài tầm với. Chướng ngại lớn nhất của hạnh phúc là mơ tưởng hạnh phúc quá lớn. Những ai rơi vào thái độ nhận thức vừa nêu sẽ khinh thường và không quan trọng những điều nho nhỏ có thể vun đắp được. Dân gian Việt Nam thường nói “góp gió thành bão”, tích tụ những cái nho nhỏ một cách tăng dần đều và không gián đoạn, chúng ta sẽ có cả một tương lai. Điều này ai cũng có thể làm được không nhất thiết người giàu và thành công.
Vì trong cuộc sống đôi khi phải chấp nhận quên đi vài người vì họ không thuộc không thuộc về tương lai của ta.
Trước tiên, muốn có hạnh phúc thật sự thì hãy buông bỏ những hạnh phúc quá cao sang. Dĩ nhiên trong nỗ lực, chúng ta phải nhón chân, với tay nhưng đừng với quá xa. Hãy xây dựng hạnh phúc bằng những điều đơn giản, có ý nghĩa trong cuộc đời mình.
Nhiều người trong chúng ta sống và hạnh phúc đã có mặt như những tiếng vang tạo thành những âm vọng có thể nghe được, còn nắm được âm thanh đó và giữ nó lại với mình một cách lâu dài thì hầu như vượt ngoài tầm với. Nếu cứ giữ khoảnh khắc của quá khứ thì chúng ta sẽ đánh mất hiện tại trong khi năng lượng đời sống nằm ở hiện tại. Hạnh phúc của đời sống được xây dựng trên hiện tại nên mơ tưởng về tương lai hay chạy về quá khứ, hiện tại sẽ không còn.
Đừng biến hạnh phúc thành những tiếng vang vọng trong không gian mà phải là những cái ta có thể nghe được bằng tai mình. Đừng mơ tưởng hạnh phúc là bình dưỡng khí, nếu thiếu nó ta không sống được mà phải thấy hạnh phúc như không khí mà ta đang hít thở. Cũng đừng mơ tưởng hạnh phúc cao xa, cao lương mỹ vị mà chỉ cần ước muốn mỗi ngày ta có bát cơm ngon miệng, có được giấc ngủ khi nằm xuống không chịu quá nhiều trằn trọc băn khoăn. Những nho nhỏ như thế dễ dàng trong tầm với của chúng ta.
Hạnh phúc giống như một chiếc đồng hồ mà sự giản đơn của nó nhiều chừng nào thì độ bền của nó cao chừng đó. Những điều bình dị nhưng ý nghĩa là cần nhất chứ không phải những điều chúng ta mơ tưởng.
Trở ngại lớn nhất của hạnh phúc là thái độ trông chờ những hạnh phúc mà mình chưa hề có. Hãy sống với nhân và quả. Đạo Phật dạy, muốn có ăn thì phải gieo trồng, dân gian cũng nói theo cách thức tương tự “muốn ăn phải lăn xuống bếp”. Muốn có thì phải làm, làm nhiều có nhiều, làm ít có ít. Cuộc đời sẽ trở nên vô vị, buồn chán, tẻ nhạt nếu chúng ta không nỗ lực làm gì cả. Làm cho bản thân, làm cho tha nhân, làm cho cuộc đời là hành động gầy dựng hạnh phúc cho bản thân mình. Hãy ít nhất một lần ghé thăm bệnh viện để thấy rất nhiều người muốn làm nhưng không còn đủ sức.
Cuộc đời của họ gắn liền với sự hỗ trợ trọn vẹn của tha nhân. Đa số chúng ta dẫu bất hạnh cũng chưa đến nỗi như thế. Người khác có phước báu về tài sản, sự nghiệp thì chúng ta có phước báu về thân thể khỏe mạnh và nhiều thứ khác. Chưa chắc phước nào hơn phước nào. Hạnh phúc nào hơn hạnh phúc nào.
“Đứng núi này trông núi nọ” thuộc tâm lý phổ biến. Cái không có thì kỳ vọng, cái ta đang có thì hất hủi, bỏ đi, nghĩ rằng nó không có giá trị. Khi đối diện với cảnh già bệnh và hấp hối trước cái chết, hầu như đời sống con người rất mỏng manh, giả tạm, lúc đó chúng ta mới thấy sức khỏe là quý trọng hơn hết chứ không phải gia tài sự nghiệp.
Từ vua, quan, khanh tước xuống người bình dân trong xã hội đều đến với cuộc đời này bằng hai bàn tay trắng. Khi vẫy chào cuộc đời, chúng ta cũng đi bằng hai bàn tay trắng. Càng luyến tiếc của cải gia tài sự nghiệp nhiều chừng nào thì càng bị trở ngại trong tái sinh chừng đó. Do đó, không có nhiều tài sản chưa hẳn là bất hạnh. Nếu biết cách, chúng ta vẫn có được những hạnh phúc bù đắp những gì ta không có. Hãy sống và nghĩ đến những điều thiết thực hằng ngày.