Phạt Công ty CP Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam 420 triệu đồng

GD&TĐ - Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam bị phạt 420 triệu đồng vì không niêm yết giao dịch chứng khoán và báo cáo tài chính.

Phạt Công ty CP Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam 420 triệu đồng

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thông báo về việc xử phạt đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam - PVFI (Công ty Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam) số tiền 420 triệu đồng do vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán.

Cụ thể, UBCKNN phạt Công ty Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam số tiền 350.000.000 đồng theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 18 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán.

Theo thông báo của UBCKNN, Công ty Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam đăng ký hồ sơ công ty đại chúng với UBCKNN trước ngày 1/1/2016. Nhưng đến nay công ty vẫn chưa thực hiện đăng ký giao dịch/niêm yết chứng khoán.

UBCKNN buộc Công ty Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam nộp hồ sơ đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán cho Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con trong thời hạn tối đa 60 ngày đối với hành vi không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán, theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 18 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.

Ngoài hành vi trên, Công ty Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam còn bị phạt 70 triệu đồng đối với hành vi không công bố Báo cáo tài chính (BCTC) trên trang điện tử của Công ty và trên hệ thống công bố thông tin của UBCKNN.

Thông báo của UBCKNN nêu: "Phạt tiền 70.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán do không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật."

Cụ thể: Theo quy định các tài liệu: BCTC Quý 4/2014; BCTC các Quý 1,2,3,4 năm 2015; BCTC Quý 1/2016; BCTC đã được kiểm toán các năm 2014, 2015; Báo cáo thường niên các năm 2014, 2015, 2021; Báo cáo tình hình quản trị công ty các năm 2014, 2015; Báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm của 2015, 2021; Nghị quyết, biên bản và tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2015 phải được công bố trên trang điện tử của Công ty và UBCKNN.

Công ty công bố thông tin trên hệ thống của UBCKNN không đúng thời hạn về BCTC các Quý 2,3,4 năm 2017; BCTC các Quý 1, 2, 3, 4 năm 2018; BCTC các Quý 2, 4 năm 2020; BCTC các Quý 1, 2, 3 năm 2021; BCTC năm 2017, 2019, 2020, 2021 đã được kiểm toán; Báo cáo thường niên các năm 2017, 2019, 2020; Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2021; Nghị quyết, biên bản và tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên các năm 2017, 2018; Nghị quyết họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021; thư mời họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 và tài liệu đại hội; thư mời họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2020.

Theo giới thiệu, Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam chính thức hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 1/6/2007.

PVFI là đơn vị duy nhất đại diện cho Cán bộ công nhân viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện đầu tư vào các dự án, các công ty cổ phần. Đại diện quản lý phần vốn góp của cán bộ nhân viên Tập đoàn tại các công ty cổ phần/dự án; đồng thời thực hiện đầu tư tài chính, cung cấp các loại hình dịch vụ liên quan đến doanh nghiệp và phát triển kinh doanh.

Mục tiêu hoạt động của PVFI là huy động và sử dụng vốn có hiệu quả, tham gia đầu tư, góp vốn vào các lĩnh vực có triển vọng về lợi nhuận. Cung cấp các dịch vụ có chất lượng nhằm mục đích tối ưu hoá lợi nhuận và hạn chế tối đa các rủi ro, qua đó mang lại lợi ích tối ưu cho các Cổ đông. Đóng góp cho Ngân sách Nhà nước và phát triển Công ty ngày càng lớn mạnh, góp phần vào sự phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Là công ty đại chúng, song PVFI thiếu minh bạch và chuyên nghiệp trong việc công bố thông tin tài chính. Nhìn lại thời gian trước, PVFI có kết quả kinh doanh bết bát khi liên tục thua lỗ và âm vốn chủ sở hữu.

Cụ thể, các năm 2017, 2018 và 2021 PVFI lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ âm lần lượt là 1,691 tỷ đồng, 1,136 tỷ đồng và 506 triệu đồng.

Vốn chủ sở hữu của PVFI trong các năm 2017, 2018, 2019 và 2021 cũng liên tục âm trên 170 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.