Pháp vật lộn với thương vụ chuyển nhà máy thuốc sang Mỹ

GD&TĐ -Chưa khi nào một thương vụ mua bán và chuyển nhà máy từ Pháp sang Mỹ lại chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt như vậy.

Pháp lo ngại thương vụ chuyển nhà máy sang Mỹ khiến người dân có nguy cơ mất việc làm quy mô lớn.
Pháp lo ngại thương vụ chuyển nhà máy sang Mỹ khiến người dân có nguy cơ mất việc làm quy mô lớn.

Đầu tuần này, Chính phủ Pháp đã cảnh báo về một thương vụ mua bán và chuyển nhà máy sản xuất thuốc không kê đơn paracetamol của một công ty tư nhân Mỹ, Politico đưa tin.

Công ty CD&R của Mỹ đang cố gắng giành quyền kiểm soát công ty con Opella của thương hiệu Pháp lâu đời Sanofi.

Các cuộc đàm phán độc quyền giữa Sanofi và CD&R cho thấy công ty Mỹ sẽ mua 50% cổ phần của Opella với giá khoảng 16 tỷ euro.

Thương vụ này sẽ có thể chuyển hoạt động sản xuất thuốc ra khỏi nước Pháp và đã dấy lên làn sóng chỉ trích rộng rãi khắp quang phổ chính trị của Pháp.

Giới chức Pháp lo ngại đây sẽ trở thành một làn sóng kéo sản xuất ra khỏi đất nước, đồng thời mang đi các cơ hội việc làm của người dân cũng như khả năng đảm bảo cung ứng các loại thuốc quan trọng.

Sanofi cho biết họ đang bán Opella như một phần trong nỗ lực tập trung vào vắc-xin và thuốc cải tiến. Chính phủ Pháp đã phản ứng lại phản ứng dữ dội đối với thỏa thuận này bằng một cảnh báo khoản tiền phạt hàng triệu euro.

Bộ trưởng Kinh tế Antoine Armand nói với báo giới: "Để chắc chắn những đảm bảo [về việc làm và sản xuất thuốc - ND] được tôn trọng với sự nghiêm ngặt và kiên quyết tối đa, sẽ có các biện pháp trừng phạt cứng rắn, tức thời và sâu rộng."

Theo thỏa thuận ba bên được ký kết bởi Sanofi, CD&R và chính phủ, Opella sẽ phải trả khoản tiền phạt 40 triệu euro nếu ngừng sản xuất tại hai nhà máy sản xuất các loại thuốc thông dụng như paracetamol, các loại thuốc điều trị dị ứng và các vấn đề tiêu hóa.

Công nhân tại hai nhà máy đã đình công kể từ khi tin tức về việc tiếp quản của Mỹ nổ ra, vì họ lo sợ cho công việc của mình. Theo thỏa thuận, Opella sẽ phải trả khoản tiền phạt 100.000 euro cho mỗi lần sa thải nhân viên liên quan đến kinh tế.

Các lệnh trừng phạt lớn nhất nhằm mục đích duy trì mối quan hệ của Opella với các nhà cung cấp Pháp. Hiệp ước yêu cầu Opella mua thành phần hoạt tính để sản xuất paracetamol từ một nhà máy tương lai của Pháp do thương hiệu Seqens mở vào năm 2026. Opella sẽ phải trả khoản tiền phạt 100 triệu euro nếu không giữ lời hứa đó.

Chính phủ Pháp, thông qua ngân hàng đầu tư công Bpifrance, cũng sẽ mua cổ phiếu của Opella với giá lên tới 150 triệu euro để có thể nắm rõ hơn chiến lược của công ty, nhưng cổ phần của họ chỉ chiếm một hoặc hai phần trăm quyền sở hữu.

Bộ Kinh tế bày tỏ sự tin tưởng rằng các hình phạt nghiêm khắc trong thỏa thuận sẽ giúp thúc đẩy các mục tiêu chiến lược của Pháp là đưa hoạt động sản xuất thuốc trở lại trong nước và duy trì việc làm sản xuất trong nước - đồng thời cũng mang lại một chút tiền mặt từ nước ngoài.

Trong khi đó, CD&R cam kết đầu tư 70 triệu euro vào hoạt động của Opella tại Pháp trong năm năm tới và giữ lại trụ sở chính cũng như hoạt động nghiên cứu và phát triển của công ty tại Pháp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ