Tuy chính phủ Tổng thống Macron đã bỏ việc tăng thuế nhiên liệu gây tranh cãi, hàng ngàn người biểu tình vẫn lên kế hoạch tuần hành về dinh tổng thống vào thứ bảy.
“Thứ bảy sẽ là kết quả cuối cùng”- phát ngôn viên “áo véc vàng” Eric Drouet nói hôm qua. “Thứ bảy là Elysee, tất cả chúng tôi muốn đến Elysee”.
Khi các quan chức chính phủ lo ngại một “nỗ lực đảo chính”, nước Pháp đã tăng đáng kể sự hiện diện của cảnh sát, hy vọng sẽ tránh lặp lại các vụ bạo lực và sự phá hủy làm rung chuyển thủ đô vào cuối tuần trước khi hơn 130 người đã bị thương và hơn 400 người đã bị bắt vào ngày 1/12. 4 người, trong đó có một bà lão, đã thiệt mạng khi người biểu tình đụng độ với cảnh sát chống bạo lực.
Thủ tướng Pháp Edouard Phippie cam kết rằng cuộc bạo loạn xảy ra vào cuối tuần này sẽ được xử lý bằng “những biện pháp đặc biệt”.
Trên đường phố, sẽ có hơn 75 đơn vị cảnh sát được triển khai ở Paris, so với 50 đơn vị vào tuần trước. Cảnh sát đã được hướng dẫn trực tiếp xử lý người biểu tình và điều này gây ra lo ngại về tính nghiêm trọng của bạo lực có thể vượt xa so với tuần trước.
Theo truyền thông Pháp, ông Philippe cũng sẽ triển khai xe bọc thép trên đường phố Paris. Việc triển khai này chưa từng có kể từ khi bạo loạn xảy ra ở ngoại ô Paris vào năm 2005.
Cảnh sát đã thúc giục các cửa hàng ở Champs-Elysee đóng cửa vào thứ bảy, hàng chục bảo tàng và địa điểm văn hóa cũng sẽ đóng cửa vào cuối tuần này, trong đó có tháp Eiffel.
Trong bối cảnh này, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Pháp đã giảm xuống mức mới là 23% - theo một cuộc điều tra vào cuối tuần trước. Một cuộc điều tra khác tiến hành vào tuần này cho thấy 66% người Pháp đồng ý với người biểu tình.
Tuy những người biểu tình được cho là phản đối kế hoạch tăng thuế nhiên liệu, nhưng họ đã tham gia vào một phong trào lớn hơn chống chính sách thân châu Âu và cải cách kinh tế, trong đó có việc giảm thuế cho doanh nghiệp và cắt giảm quyền lợi của người hưởng lương hưu.