Pháp mạnh tay xử lý bắt nạt học đường

GD&TĐ - Kẻ bắt nạt học đường tại Pháp sẽ phải chuyển trường thay vì là nạn nhân giống như trước đây.

Kẻ bắt nạt học đường tại Pháp sẽ phải chuyển trường.
Kẻ bắt nạt học đường tại Pháp sẽ phải chuyển trường.

Qua quy định này, Pháp muốn tăng cường bảo vệ nạn nhân và đẩy lùi hành vi bắt nạt trong trường học.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp, ông Gabriel Attal, mới đây đã ban hành một quy định mới để bảo vệ những nạn nhân bị bắt nạt học đường. Theo đó, kẻ bắt nạt học đường sẽ phải chuyển đến một trường học mới. Trước đó, các nạn nhân thường là người phải chuyển trường. Những kẻ bắt nạt học sinh trên mạng hoặc ở trường khác cũng có thể bị trừng phạt.

Ngoài ra, từ tháng 9/2023, Bộ Giáo dục Pháp sẽ ban hành chương trình chống bắt nạt pHARE nhằm phát hiện các trường hợp bắt nạt ở trường THCS trước khi sự việc vượt quá tầm kiểm soát. Chương trình sẽ được mở rộng đến cấp THPT trong thời gian tới.

Nước này cũng mở lại số điện thoại đường dây nóng để người dân báo cáo các hành vi quấy rối hoặc bắt nạt. Nạn nhân hoặc nhân chứng của bắt nạt học đường có thể gửi bằng chứng về vụ việc về cho chính quyền. Bộ Giáo dục tăng cường tập huấn cho giáo viên để chuẩn bị cho thầy cô kỹ năng nhận biết và xử lý kẻ bắt nạt.

Đánh giá cao các biện pháp mới, ông Wilfrid Issanga, Giám đốc Hiệp hội ALCHM, tổ chức đấu tranh chống bắt nạt và lạm dụng trẻ em, cho rằng “chúng gửi tín hiệu mạnh mẽ đến hệ thống giáo dục quốc gia và các bậc phụ huynh”.

Giải quyết vấn nạn bắt nạt học đường đã trở thành ưu tiên của Chính phủ Pháp sau vụ tự sát của Lindsay, một học sinh 13 tuổi ở Pas-de-Calais, miền Bắc nước này hồi tháng 5.

Nữ sinh thường xuyên bị bạn bè đánh trong sân trường, quay phim và phát tán trên mạng xã hội nhưng giáo viên hoặc giám thị nhà trường không can thiệp. Sau cái chết thương tâm của em, hàng trăm người đã tuần hành để tưởng nhớ Lindsay và kêu gọi chấm dứt bắt nạt học đường tại Pháp.

Trước sự việc, trong nhiều năm trở lại đây, các hiệp hội vận động chống bắt nạt học đường đã yêu cầu chính phủ có các biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết tận gốc vấn đề.

Họ lập luận rằng việc một đứa trẻ bị bắt nạt bị buộc phải chuyển trường giống như hình phạt kép không chỉ với các em mà còn với phụ huynh. Ở một số vùng nông thôn, nếu chuyển trường, nạn nhân bắt nạt học đường sẽ phải đi học xa nhà hơn.

Chính phủ Pháp từng cố gắng đẩy lùi nạn bắt nạt học đường. Hồi tháng 3/2022, Pháp quy định bắt nạt ở trường học là tội hình sự. Kẻ bắt nạt có thể bị phạt tù tới 10 năm và phạt tiền tới 150 nghìn euro nếu nạn nhân tự tử hoặc cố gắng tự tử.

Sự im lặng là trở ngại chính cho việc giải quyết tình trạng trên. Nhiều gia đình đấu tranh trong im lặng, thậm chí nhiều trẻ em phải đấu tranh một mình. “Quy định mới là bước tiến tuyệt vời nhưng chúng ta sẽ phải chờ xem điều gì sẽ thực sự thay đổi trên thực tế”, ông Issanga kết luận.

Bắt nạt học đường là tai họa toàn cầu. Theo trang web Atlasocio, gần 130 triệu học sinh trong độ tuổi từ 13 – 15 tuổi trên toàn thế giới là nạn nhân của bắt nạt học đường. Thống kê trên nhấn mạnh tính cấp thiết của việc áp dụng các biện pháp toàn diện để giải quyết vấn đề.

Theo một khảo sát gần đây của Bộ Giáo dục Pháp, 6,7% học sinh trung học cho biết đã phải hứng chịu ít nhất 5 vụ bạo lực vào mùa Xuân năm ngoái. Một nghiên cứu khác cho thấy cứ 10 em thì có một em từng bị bắt nạt ở trường học.

Theo EN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.