Từng bị bạn học giấu ghim trong giày, bị dúi đầu xuống bồn cầu, bị đá vào bụng khi còn học phổ thông, giờ đây cô Pyo Ye-rim, sống tại Hàn Quốc, quyết định lên tiếng.
Cô gái 26 tuổi là người ủng hộ làn sóng “Hakpok” - khi những người từng là nạn nhân của bạo lực học đường tố cáo kẻ bắt nạt mình. Phong trào này đang lan rộng từ giới giải trí cho đến giới thể thao tại Hàn Quốc. Những lời cáo buộc thường ẩn danh nhưng có thể kết thúc sự nghiệp của các ngôi sao lớn.
Hồi đi học, cô Pyo phải chịu bắt nạt một mình. Khi nạn nhân kể chuyện này với giáo viên, họ không xử lý mà còn yêu cầu cô Pyo cư xử “thân thiện hơn” với những bạn học đó. Việc bắt nạt cứ thế diễn ra khiến cô gái buộc phải từ bỏ ước mơ học đại học và đi học nghề.
Trước khi quyết định lên tiếng, cô Pyo phải vật lộn với chứng mất ngủ và trầm cảm, ảnh hưởng sau những hành vi bắt nạt năm đó. Lời tố cáo của cô đã khiến một trong những kẻ từng bắt nạt bị đuổi việc nhưng giống như nhiều người khác, cô Pyo đang vận động thay đổi luật pháp để bảo vệ nạn nhân tốt hơn.
Các chuyên gia cho biết văn hóa Hàn Quốc rất coi trọng giáo dục nên trẻ em có thể dành 16 giờ mỗi ngày ở trường và các trung tâm học thêm. Trong bối cảnh trên, tình trạng bắt nạt học đường diễn ra phổ biến, bất chấp mọi nỗ lực can thiệp.
Bởi lẽ những kẻ bắt nạt học đường không phải chịu trách nhiệm khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thời hiệu xử lý vụ án ngắn nên kẻ bắt nạt cũng không bị cáo buộc nhiều năm sau đó.
Do đó, cô Pyo cùng nhiều nạn nhân kiến nghị rằng Hàn Quốc nên bỏ thời hạn xử lý pháp lý đối với hành vi bạo lực học đường để những kẻ bắt nạt phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình, kể cả hành vi đó đã diễn ra hàng chục năm trước. Tuy nhiên, luật sư chuyên về bắt nạt, bà Noh Yoon-ho, nhận định việc xử phạt công dân trưởng thành vì tội danh thời vị thành niên là vấn đề khó tại Hàn Quốc.
Phong trào “Hakpok” mạnh mẽ đến mức Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc mới đây phải thông báo dừng bổ nhiệm một lãnh đạo cảnh sát sau thông tin con trai ông này bắt nạt các bạn cùng lớp.
Dù phong trào “Hakpok” được ủng hộ rộng rãi, một số người cũng đặt câu hỏi về tính công bằng khi những lời tố cáo được đưa ẩn danh nhưng có thể hủy hoại cuộc đời một người. Đơn cử, anh An Woo-jin, một trong những cầu thủ bóng chày nổi tiếng Hàn Quốc, đã bị loại khỏi tuyển quốc gia vì bị phát hiện từng bắt nạt đồng đội thời trung học.
Theo cô Pyo, nạn nhân phải tố cáo ẩn danh vì lo ngại kẻ bắt nạt sử dụng luật chống phỉ báng để kiện ngược nạn nhân. Nhiều trường hợp kẻ bắt nạt thắng kiện còn nạn nhân bị phạt dù nói ra sự thật. Vì vậy, phong trào “Hakpok” cũng kêu gọi sửa đổi luật chống phỉ báng.
Các chuyên gia đánh giá biện pháp tốt nhất là trường học xử lý các vụ bắt nạt xảy ra vào thời điểm đó vì có bằng chứng rõ ràng, đảm bảo tính công bằng, minh bạch cho cả hai bên. Nhưng điều này cũng đối mặt với trở ngại.
Theo GS Jihoon Kim, Hàn Quốc chưa có cơ chế trong trường học để nạn nhân có thể chia sẻ khó khăn mà không do dự, để các vụ bắt nạt được xử lý nhanh chóng và thỏa đáng khi nó vừa xảy ra.
Phong trào “Hakpok” bùng nổ sau bộ phim truyền hình “The Glory” (Vinh quang trong thù hận), kể về kế hoạch trả thù tỉ mỉ của một người phụ nữ từng bị bắt nạt hồi còn đi học. Bộ phim đã dấy lên những cuộc thảo luận về vấn nạn bạo lực học đường tại Mỹ.
Đáng chú ý, sau khi bộ phim nổi tiếng, chính đạo diễn phim Anh Gil-ho bị tố cáo từng bắt nạt bạn học và phải lên tiếng xin lỗi.