Thoát án tử, người đàn bà trong đường dây ma túy của Vũ Xuân Trường hiện ra sao?

Mái tóc đã điểm bạc và đôi mắt nhìn xa xăm, đầy hoài niệm, nhưng Đào Thị Nguyện, “chân rết” trong đường dây ma túy Vũ Xuân Trường luôn miệng bảo chẳng nhớ gì sau lần đột quỵ. 

Phạm nhân Đào Thị Nguyện.
Phạm nhân Đào Thị Nguyện.

Dường như Nguyện muốn quên đi quá khứ để sống nhẹ nhàng hơn khi mà đã thấy cơ hội trở về sau ngày được xét giảm từ án chung thân xuống án có thời hạn.

"Chuyện lâu quá rồi tôi không nhớ"

Rất tình cờ, khi chúng tôi đến trại giam Quyết Tiến lại có dịp gặp được cả hai dì cháu trong đường dây ma túy lớn của Ngọc “đại nương” (tức Đỗ Thị Ngọc, SN 1972, quê gốc ở Khoái Châu, Hưng Yên) và người dì ruột của chị ta là Đào Thị Nguyện, SN 1964, có hộ khẩu thường trú tại Vũ Thư, Thái Bình.

Quê gốc của Nguyện ở Hưng Yên nhưng vì lấy chồng quê Thái Bình nên sau khi cưới, Nguyện đã chuyển khẩu về đây. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, Nguyện về phố Đại La, Hà Nội, mua nhà, mở cửa hàng buôn bán giày dép.

Nguyện thường đi Móng Cái đánh hàng về bán, song đó chỉ là bình phong để chị ta hoạt động buôn bán ma túy bởi thời gian này, Nguyện chính là một nhánh trong đường dây ma túy của Vũ Xuân Trường.

Tuy nhiên, khi các đối tượng trong đường dây ma túy của Trường lần lượt xộ khám thì Nguyện may mắn lọt lưới do mắt xích kết nối bà ta với Vũ Xuân Trường bị đứt đoạn. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau khi đường dây ma túy của Đỗ Thị Ngọc bị phát hiện, Nguyện bị bắt với vai trò lớn hơn trước.

Không giống như cô cháu Đỗ Thị Ngọc vừa gặp chúng tôi đã bộc bạch hết bởi Ngọc thừa biết với sự quá “nổi tiếng” của mình và với tập hồ sơ dày cộp còn đang lưu tại trại, dù có giấu cũng không che được hết thân phận nên cứ thẳng thắn còn hơn.

Nguyện khác hẳn, cáo già hơn, đúng như bản chất vốn có trước đây khi nhường vai trò điều hành đường dây ma túy cho cô cháu “hăng tiết vịt”, thích khoa trương, vừa chân ướt chân ráo ở nước ngoài về.

Lẫn vào số phạm nhân được đưa đến gặp chúng tôi, Nguyện lặng lẽ bước theo họ để rồi khi được gọi lên, vừa mới hỏi đến tên thôi, chị ta đã lắc đầu quầy quậy: “Em tên Nguyện, họ gì thì không nhớ”.

Lý do mà Nguyện đưa ra là trí nhớ giảm sút vì lần đột quỵ cách đây 2 năm. Hỏi Nguyện có biết Ngọc “đại nương” không, có biết ai ở Hưng Yên không, người đàn bà này tiếp tục “diễn”: “Em chẳng nhớ gì”.

Rồi Nguyện ôm đầu kêu: “Tôi đau đầu quá, khó thở nữa này, tôi bị cao huyết áp”. Thế nhưng, chỉ một lúc sau, khi thấy các phạm nhân khác lần lượt được về, ngoảnh đi ngoảnh lại chỉ thấy còn mỗi mình mình, chính Nguyện lại chủ động bắt chuyện: “Các chị hỏi tôi nhiều không ạ, nếu không thì cho tôi về đội đi làm”.

Người đồng nghiệp đi cùng tôi thủng thẳng: “Chị không nói thì những việc chị làm còn ghi đầy đủ trong hồ sơ, chúng tôi không hỏi lại làm gì. Điều mà chúng tôi muốn hỏi là về cuộc sống của chị kia, gia đình chồng con thế nào, ở trong này có gặp khó khăn gì không…”.

Nét mặt Nguyện hơi giãn ra, chị ta chậm rãi: “Từ lâu em đã muốn quên đi tất cả rồi”.

Nguyện cho biết hai con vẫn khỏe, thi thoảng gửi quà lên theo đường bưu điện và năm nào cũng chỉ duy nhất một lần lên thăm vào dịp cuối năm.

Hỏi Nguyện có oán trách họ không, chị ta khe khẽ lắc đầu: “Cũng phải thông cảm cho người nhà vì con gái từ ngày xây dựng gia đình, còn vướng bận con nhỏ. Hơn chục năm rồi, năm nào cũng được một lần lên thăm nuôi là tốt rồi”.

Dường như không muốn nhắc sâu về gia đình, Nguyện chỉ nói chung chung như vậy. Nguyện không muốn nhắc tới người chồng mà Nguyện đã bỏ trước khi ra Hà Nội thuê nhà. Và, chị ta càng không muốn nói nhiều đến đứa con thứ hai không cùng cha với chị nó.

Hỏi về Ngọc, cô cháu gái mà Nguyện đã dẫn dắt vào đường dây ma túy, Nguyện xua tay lảng tránh: “Nó cũng ở trại này nhưng không ở cùng buồng, lại lao động khác đội nên thi thoảng dì cháu cũng nhìn thấy nhau. Con bé vẫn cao ráo như xưa nhưng trầm tính hơn trước”.

“Chị có trách Ngọc không, cái tính thích phô trương, thể hiện làm cả hai dì cháu bị lộ?”, chúng tôi hỏi. Nguyện khẽ cười: “Đã vào đây rồi, từng chạm tay thần chết rồi, tôi muốn quên đi tất cả, cái gì cho qua được là cho qua hết”. Nói xong, Nguyện lại nhìn xa xăm.

Hẳn là Nguyện vẫn nhớ những lần lọt lưới; nhớ cả việc dẫn dắt đứa cháu ngoại tập tành đi buôn ma túy và khi cô cháu gái làm mạnh quá, lộ liễu quá, Nguyện can không nổi nên rút về phía sau, nhưng cái cửa hàng giày dép từng giúp chị ta thoát án khi đường dây Vũ Xuân Trường vỡ lở đã không là cứu cánh lần nữa khi Ngọc bị bắt.

Theo bản án, trong số 26 đối tượng tham gia mua bán, vận chuyển 429 bánh heroin, dì cháu Nguyện tham gia mua bán 105 bánh heroin nên đều bị kết án tử hình.

"Một lần thoát chết là quá đủ rồi"

Đó là câu mà hơn một lần Nguyện nói với chúng tôi như thể để nhắc bản thân luôn ghi nhớ. Nguyện bảo không bao giờ quên được cảm giác nghe tòa tuyên án tử; rồi cảm giác không trọng lượng khi biết tin mình được Chủ tịch nước ân xá, tha tội chết.

Trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, hẳn là Nguyện thấy thấm thía. “Còn được sống là may mắn lắm rồi, ước gì hơn chứ”, Nguyện tâm sự.

Nguyện cải tạo ở đội đính cườm, trại giam Quyết Tiến.
Nguyện cải tạo ở đội đính cườm, trại giam Quyết Tiến.

Rồi Nguyện kể về cảm giác của hai lần viết đơn xin ân xá. “Dù đã đoán mình khó lòng thoát tội chết nhưng trong tôi vẫn le lói hy vọng. Khi nghe tòa tuyên án, tôi cảm giác đất dưới chân mình như nhũn ra, cố bấm chân mà đứng vẫn không vững. Những ngày trong khám tử hình mới là cùng cực”, Nguyện nhớ lại.

Hỏi Nguyện thời điểm ở buồng tử tù, nhớ nhất chuyện gì, chị ta thành thật: “Thì cũng như nhiều tử tù khác lấy ngày làm đêm, tôi gày rộc đi, mắt trắng dã. Để thức được trọn đêm, tôi đếm tiếng côn trùng rồi lần tóc trên đầu mà đếm xem có bao nhiêu sợi. Mỏi quá thì khóc rồi ngủ thiếp đi nhưng chỉ mươi phút sau là giật mình tỉnh giấc, lại tiếp tục đếm và khóc”.

Nhắc đến hai lần viết thư xin ân xá, Nguyện kể: “Lần đầu viết đơn, tôi run lắm, viết xong còn chẳng nhận ra đấy là chữ viết của mình. Khi biết đơn của mình bị từ chối, tôi rơi vào trạng thái mất thăng bằng rồi trầm cảm một thời gian. Đến lần thứ hai, tôi chần chừ không viết vì trong lòng không có một chút hy vọng nào.

Cán bộ quản giáo thấy tôi chần chừ mới bảo cứ viết thật cảm xúc của mình, bày tỏ một cách chân thành nguyện vọng của mình, nếu có bị bác đơn cũng không ân hận nữa. Thế là tôi viết. Hôm được gọi ra, tôi run lắm vì nghĩ chắc lần này bị gọi đi chết đây. Tôi muốn tắm rửa để có chết cũng được sạch sẽ, nhưng cái tay không làm theo suy nghĩ của mình. Cán bộ khoác cho tôi cái áo rồi đưa tôi ra khỏi buồng giam.

Đi như thế nào tôi cũng chẳng nhớ nữa. Chỉ nhớ khi có ai đó đập mạnh vào vai bảo “sống tốt vào nhé”, tôi mới bừng tỉnh và lơ mơ hiểu rằng thế là mình được sống. Cảm giác lúc đó cứ hư hư, thực thực. Nhiều lúc tôi tự vả vào mặt, cấu vào tay xem có đúng là thực hay mơ”.

Sau hôm được tha tội chết, Nguyện về trại giam Quyết Tiến cải tạo. Mỗi tháng được gọi điện về nhà một lần, Nguyện tranh thủ gọi cho con gái, hỏi xem chúng sống thế nào.

“Tạm thời tôi cũng yên tâm về con cái vì chúng biết đùm bọc nhau. Ở trong này, tôi cũng không cần gì nhiều nên tiền chúng gửi ký quĩ, tôi chỉ mua những thứ thật cần thiết, vẫn còn đó”, Nguyện tâm sự.

Là người đàn bà xuất phát từ nông thôn, từng đi qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, nhất là những ngày sống chạm cửa thần chết, Nguyện chẳng mong gì hơn là có sức khỏe để có cơ hội trở về với các con.

“Tôi nợ các con tôi một lời xin lỗi, nợ chúng nó trách nhiệm của một người mẹ, vì đúng lúc chúng cần tôi nhất thì tôi không có ở bên, giờ còn làm phiền lụy tới chúng. Đã một lần suýt chết rồi, tôi chỉ mong mình giữ được sức khỏe sau này về nhà phụ giúp con cái, coi như trả ơn chúng đã thăm nuôi mình”, Nguyện khẽ nói.

Hỏi Nguyện có dự định gì cho sau này chưa, chị ta cười thật tươi: “Năm ngoái tôi được xuống án có thời hạn, từ chung thân xuống 30 năm kể ra thật dài, nhưng tôi cũng đã đi được nửa đoạn đường rồi. Giờ tôi chẳng mong gì hơn ngoài sức khỏe để lao động tốt, năm nào cũng được xét giảm”.

Có lẽ đang lâng lâng với tâm trạng sẽ được đoàn tụ với gia đình nên Nguyện tỏ ra cởi mở hơn. Bà ta cười gần gũi: “Dù sao thì có được đến ngày hôm nay đã may mắn lắm rồi. Chỉ mong con cái hiểu cho”.

Không còn là người đàn bà trung niên lạnh lùng, cảnh giác và nghi ngại, Nguyện đã mở lời về những suy nghĩ của mình và một hai thanh minh rằng có nhiều chuyện không còn nhớ nữa.

“Tôi muốn quên đi và thực sự là có nhiều việc không còn nhớ đến thật. Bây giờ trong đầu tôi chỉ có một suy nghĩ là phải sống thật khỏe mạnh để về nhà với con cháu. Còn chuyện sau này làm gì thì không muốn nghĩ tới, bởi lúc đó tôi cũng già cả rồi”.

Chúng tôi tin câu nói này của Nguyện là thật lòng, cũng như cảm nhận rằng Nguyện đang cố gắng “buông” tất cả để nâng niu sự sống mà chị ta từng bất chấp đánh đổi.

Theo cstc.cand.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.