Quản lý người có tiền sử tâm thần lỏng lẻo, một nữ lao công chết oan

GD&TĐ - Nguyễn Như Toàn có tiền sử bệnh tâm thần. Đêm ngày 4/4, Toàn nảy sinh ý định giết người.

Khu vực hiện trường vụ án mạng thương tâm.
Khu vực hiện trường vụ án mạng thương tâm.

Toàn đã dùng gạch đập liên tục vào đầu chị Vũ Thúy H. là công nhân thu dọn vệ sinh môi trường đang làm việc trên đường Cầu Giấy...

Nảy sinh ý định giết người dù không mâu thuẫn?

Ngày 5/4, Công an TP Hà Nội đã thực hiện lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp với Lê Như Toàn (SN 1991, trú tại Tam Điệp, Ninh Bình) để điều tra về hành vi “Giết người”.

Trước đó, khoảng 21 giờ tối 4/4, chị Vũ Thúy H. (SN 1978, trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là nhân viên Công ty CP Môi trường và dịch vụ đô thị Vĩnh Yên đang đẩy xe chở rác trên đường Cầu Giấy bất ngờ bị một nam thanh niên dùng gạch đập nhiều lần vào đầu. Chị H tử vong tại chỗ.

Cơ quan công an đã tiến hành khám nghiệm hiện trường và tổ chức điều tra. Tại hiện trường, thu giữ 1 viên gạch nghi là hung khí gây án. Thời điểm xảy ra sự việc thời tiết đang mưa to nên cơ quan điều tra nhận định đối tượng chưa thể bỏ trốn xa hiện trường.

Vì vậy toàn bộ cán bộ chiến sĩ của Đội Cảnh sát hình sự, Đội Trọng án (Phòng Cảnh sát Hình sự), Công an phường Dịch Vọng được huy động để rà soát từng ngõ ngách, tuyến đường, nhà dân, những địa điểm đối tượng có thể lẩn trốn.

Chưa đầy 1 giờ sau khi nắm bắt thông tin, lực lượng công an đã bắt giữ nghi phạm gây án đang lẩn trốn trong khu đô thị làng quốc tế Thăng Long (Dịch Vọng, Cầu Giấy). Nghi phạm là Lê Như Toàn (SN 1991, HKTT tổ 17, phường Trung Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình). Toàn không nghề nghiệp, bản thân có tiền sử bệnh tâm thần.

Theo Công an quận Cầu Giấy, khoảng 20 giờ 45 phút tối 4/4, khi Toàn đang đi bộ trên vỉa hè theo hướng từ đường Cầu Giấy về đường Xuân Thủy thì nảy sinh... ý định giết người. Đối tượng đã nhặt 1 viên gạch loại gạch lát vỉa hè trên đường và đi lại gần sát phía sau chị Vũ Thúy Hà đang đẩy xe trở rác trên đường Cầu Giấy tại khu vực phía trước tòa nhà Discovery Complex.

Nghi phạm Toàn dùng hai tay cầm viên gạch bất ngờ đập mạnh từ phía sau vào đầu chị H. khiến chị H. ngã gục úp mặt xuống đường. Sau đó Toàn tiếp tục đập liên tiếp vào vùng đầu chị H. cho đến khi chị H. nằm bất động thì đối tượng Toàn bỏ chạy về đường Xuân Thủy. Theo chỉ huy Công an quận Cầu Giấy, nam nghi phạm gây án bị bệnh về thần kinh, giữa anh ta và nạn nhân không có mâu thuẫn gì với nhau.

Đối tượng Lê Như Toàn tại cơ quan công an.
Đối tượng Lê Như Toàn tại cơ quan công an.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trao đổi với Báo GD&TĐ, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Xét hành vi phạm tội của nghi phạm đã cấu thành tội Giết người. Tội danh và hình phạt được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự…”, luật sư Thơm nói.

“Trong quá trình điều tra, nếu có căn cứ xác định nghi phạm bị bệnh tâm thần hoặc có nghi ngờ về năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì phải ra quyết định trưng cầu giám định khả năng nhận thức và điều khiển hành vi trước, trong và sau khi thực hiện hành vi phạm tội để có căn cứ xử lý nghi phạm theo quy định của pháp luật…”, luật sư Thơm thông tin.

Theo luật sư Thơm, kết luận giám định của cơ quan chuyên môn sẽ quyết định năng lực chịu trách nhiệm hình sự của nghi phạm.

Cụ thể, kết luận giám định sẽ xảy ra 2 trường hợp: Thứ nhất, nếu nghi phạm bị bệnh tâm thần hạn chế nhận thức và năng lực điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội thì vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giết người. Tuy nhiên hành vi phạm tội của bị can sẽ được giảm nhẹ một phần hình phạt do bị bệnh tâm thần hạn chế nhận thức điều khiển hành vi.

Thứ hai, nếu nghi phạm bị bệnh tâm thần mất khả năng nhận thức và năng lực điều khiển hành vi thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can và chuyển hồ sơ cho viện kiểm sát cùng cấp ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi đã được viện kiểm sát ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh thì cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ vụ án.

“Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 13 BLHS “Phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác”, nếu có căn cứ xác định nghi phạm bị bệnh tâm thần mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giết người…”, luật sư Thơm nhấn mạnh.

Gia đình không cho người có bệnh tâm thần đi chữa trị hoặc quản lý thiếu chặt chẽ có thể quy kết trách nhiệm khi xảy ra vụ việc? Luật sư Thơm cho biết: “Việc bắt buộc chữa bệnh này chỉ áp dụng trong phạm vi tố tụng hình sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Tức là khi có hậu quả hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Trách nhiệm đưa người bị bệnh tâm thần đi khám điều trị phải do sự tự nguyện của gia đình và phụ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh của mỗi gia đình có người nhà bị bệnh...”.

 “Vụ việc là cảnh báo về việc quản lý người tâm thần. Đầu tiên là trách nhiệm của người thân trong gia đình. Cơ sở y tế địa phương cần có những chương trình hỗ trợ gia đình có người thân mắc bệnh. Rà soát các đối tượng mắc bệnh để có phương án vận động.

Kết hợp với gia đình đưa người bệnh đi điều trị kịp thời. Chính quyền địa phương cần có sự quản lý, giám sát các đối tượng mắc bệnh trên địa bàn. Hỗ trợ gia đình khó khăn trong việc đưa người thân đến các cơ sở điều trị bệnh tâm thần…”, luật sư Thơm nhấn mạnh.    

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ