Những chiêu lừa của lương y “ma” Vương Đình Thạc

GD&TĐ - Chỉ với thao tác đơn giản khi gõ cụm từ “Lương y Vương Đình Thạc”, Google sẽ cho ra 379.000 kết quả có liên quan.

“Sản phẩm” chức năng mà chị N.K.T nhận được sau màn “nổ” của “thần y” rằng: “Thuốc có hơn 60 loài thảo dược lấy từ trên núi cao mang về chiết xuất”.
“Sản phẩm” chức năng mà chị N.K.T nhận được sau màn “nổ” của “thần y” rằng: “Thuốc có hơn 60 loài thảo dược lấy từ trên núi cao mang về chiết xuất”.

Không biết có bao nhiêu nạn nhân của các “lương y” trên, song chỉ biết rằng các ông “Thạc” đều có chung những thông tin “ma”.

Lương y giả ở địa chỉ ma

Một người có tên là N.K.T có địa chỉ tại quận Long Biên, TP Hà Nội vừa phản ánh đến Báo GD&TĐ về việc bị lừa. Nạn nhân này từng lên Internet để tìm kiếm lương y chữa bệnh tiểu đường.

Người mà chị N.K.T quan tâm và được cộng đồng mạng xôn xao có biệt danh là “lương y Vương Đình Thạc”. Vị “thần y” này được mọi người biết đến với biệt tài: “Chữa khỏi tiểu đường bởi bài thuốc gia truyền từ nhiều đời nức tiếng ở Điện Biên”.

Trong vai người bệnh, phóng viên Báo GD&TĐ đã liên hệ với 2 số điện thoại khác nhau do chị N.K.T cung cấp. Cả hai đều tự xưng mình là “lương y Vương Đình Thạc. Nhà tôi ở bản Hồi Hương, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên”.

Ông “Thạc” thứ nhất có số điện thoại 0854.112.093. Ngày 25/5, Báo GD&TĐ liên lạc với ông này với mong muốn được hỗ trợ chữa bệnh cho người thân. Khi biết rằng người bệnh (PV Báo GD&TĐ) đang sinh sống ở Hà Nội thì ông hết sức tự tin, liên tục chào mời lên Điện Biên.

Ông bảo vào tận nhà để tổ chức khám chữa như để tạo thêm niềm tin cho khách. Trong khi khoảng cách từ Hà Nội lên đến bản Hồi Hương khoảng chừng 560km.

Ngày 26/5, Báo GD&TĐ tiếp tục liên hệ. Khi biết “bệnh nhân” đã có mặt ở thành phố Điện Biên Phủ và thiết tha đến tận nhà để trị bệnh, “thầy” viện lý do dịch bệnh chưa thể gặp luôn. “Thầy bây giờ vẫn chưa thể mở cửa được nhé, dịch bệnh thế này. Ở đây có mấy ca (Covid-19 - PV) rồi nên chưa gặp được đâu”, “lương y” nói.

Khi Báo GD&TĐ dò hỏi về tình hình dịch bệnh ở Điện Biên, vị này cho biết xã Mường Nhà “nơi ông sinh sống” đang có vài ca dương tính với Covid-19 nên không thể tiếp xúc với người bên ngoài (?). Trong khi thực tế địa phương này chưa ghi nhận ca Covid-19 nào.

Tiếp tục kiểm chứng thông tin, Báo GD&TĐ hỏi tường tận về địa chỉ nhà ở của vị “lương y” trên, vị này cho biết: “Xã Mường Nhà cách trung tâm thành phố có vài cây số thôi, chừng 6 - 7 cây”.

Ông này lại thêm một lần khẳng định: “Cứ đi đến trung tâm xã hãy gọi điện, gia đình sẽ có người đến tận nơi đón rồi đưa về nhà để thăm khám”. Nhưng khi hỏi bản Hồi Hương cách trung tâm xã bao xa thì ông lại ậm ờ: “Ừ, thì cũng gần thôi, có mấy trăm mét”.

Thực tế, khoảng cách từ thành phố Điện Biên Phủ đến trung tâm xã Mường Nhà khoảng 45km. Còn từ trung tâm xã đến bản Hồi Hương là 17km chứ không phải “vài trăm mét” như “lương y” nói.

Không có ông Thạc nào hết…

“Thần y” “Vương Đình Thạc” thứ 3 cũng có địa chỉ tại bản Hồi Hương, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên.
“Thần y” “Vương Đình Thạc” thứ 3 cũng có địa chỉ tại bản Hồi Hương, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên.

Ngày 27/5, phóng viên liên hệ với “lương y Vương Đình Thạc” qua số điện thoại: 0979.442.326. Người này thều thào nói ra vẻ là người dân tộc để tạo niềm tin cho khách. “Lương y” này chắc nịch rằng xã Mường Nhà cách xa trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 50km.

Tuy nhiên, khi Báo GD&TĐ đề cập mong muốn được đưa người bệnh đến tận nơi thì vị này cố tình kiếm cớ từ chối với lý do dịch bệnh nên “nhà thuốc đang đóng cửa”.

Ra vẻ tường tận về tình hình dịch bệnh ở địa phương, ông “Thạc” rởm thứ 2 phân trần: “Điện Biên chúng tôi giờ cũng gần chục ca dương tính rồi (?). Tất cả ở thành phố hết (?). Vì thế vẫn chưa hứa trước được khi nào sẽ gặp được. Còn nếu cần thì cứ đến trụ sở xã rồi gọi, gia đình sẽ cho người ra đón”.

Tính đến ngày 26/5, tỉnh Điện Biên ghi nhận 56 ca dương tính với Covid-19. Trong đó, số ca bệnh chủ yếu liên quan đến ổ dịch tại huyện Nậm Pồ chứ không phải là “gần chục ca ở thành phố” như ông “Thạc” rởm thứ 2 nói.

Để thêm phần quan trọng, vị này còn cho biết bệnh nhân sẽ phải “băng rừng” và “vượt suối” mới có thể đến được tận nhà ông ở bản Hồi Hương. “Từ xã đến nhà tôi khoảng 3 - 4 cây. Ở đây chưa có đường ô tô đâu anh ạ! Vì thế phải đi bộ, vào rừng với lội suối đấy. Ô tô không đi được đâu”, vị trên nói.

Làm việc với Báo GD&TĐ, ông Lò Văn Biển - Chủ tịch UBND xã Mường Nhà, huyện Điện Biên khẳng định trên địa bàn xã không có ai tên là Vương Đình Thạc. Ông Biển cũng khẳng định không có lương y nào có tên như vậy. Ở bản Hồi Hương thì lại càng không có.

“Làm gì có ai tên như vậy đâu. Năm ngoái công an người ta cũng thông tin và đi xác minh rồi. Người ta bảo có người giới thiệu là thầy thuốc như thế sống ở địa bàn. Nhưng qua kiểm tra thì không có. Chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức để bà con biết rõ, tránh tình trạng bị kẻ gian lợi dụng để lừa dối tiền bạc, tài sản”, ông Lò Văn Biển nói.

Ông Sùng A Vừ - Trưởng bản Hồi Hương cho biết, cả bản hiện có 54 hộ gia đình dân tộc Mông với 274 nhân khẩu đang sinh sống. Ông Vừ khẳng định từ trước đến nay ở bản không có người nào tên là Vương Đình Thạc cả.

“Cách đây 3 - 4 tháng cũng có người hỏi về trường hợp này. Công an cũng đã đi xác minh vì có người tìm hiểu về ông ấy để mua thuốc chữa bệnh gì đó. Nhưng thực tế ở đây làm gì có ông Thạc nào đâu? Khi tìm ra thì nó ở tận dưới Hà Nội cơ mà!”, ông Vừ quả quyết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.