Nhóm đối tượng làm giả trang web chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản

GD&TĐ - Lấy lý do đang ở nước ngoài, các đối tượng yêu cầu người bị hại cung cấp số điện thoại và hướng dẫn họ đăng nhập thông tin, tài khoản, mật khẩu vào trang web giả mạo và thực hiện chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng có liên quan đến vụ án. Ảnh: Công an Hà Nội.
Các đối tượng có liên quan đến vụ án. Ảnh: Công an Hà Nội.

Ngày 15/4, thông tin từ Công an Hà Nội cho biết Công an quận Long Biên vừa tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Cảnh Trọng (SN 2000), Trần Đức Huy (SN 2004), Hoàng Hữu Phước (SN 2004) cùng trú tại xã Triệu Thành (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) về tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Theo tài liệu điều tra, ngày 11/8/2020, chị P. (trú tại Long Biên) đăng tải bài viết bán quần áo lên mạng xã hội. Ngay sau đó, xuất hiện một tài khoản Facebook tên “Nguyễn Bảo Ngọc” hỏi mua hàng và đặt chuyển về huyện Thanh Oai (Hà Nội).

Người này nói rằng, do đang ở nước ngoài nên cần số tài khoản của chị P. mới chuyển được tiền. Đối tượng đã gửi cho chị P. một đường link yêu cầu chị P. truy cập vào trang web để xác nhận thông tin chủ tài khoản.

Khi đăng nhập vào đường link này, chị P. nhận được điện thoại của một người tự nhận là nhân viên ngân hàng thông báo tài khoản vừa nhận được tiền chuyển từ nước ngoài về và yêu cầu chị đọc mã OTP để xác nhận.

Do thiếu hiểu biết nên chị P. đã đọc mã OTP cho đối tượng. Ngay sau đó, tài khoản ngân hàng của chị P. bị trừ 4 lần tiền, tổng là hơn 18,6 triệu đồng. Nghi ngờ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên chị P. đã đến cơ quan công an trình báo sự việc.

Sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc, Công an quận Long Biên đã khẩn trương tiến hành điều tra, làm rõ vụ việc. Đến tháng 3/2021, Công an quận Long Biên bắt giữ nhóm đối tượng gây án gồm Lê Cảnh Trọng, Trần Đức Huy, Hoàng Hữu Phước.

Tại cơ quan công an, các đối tượng đã khai nhận đã lập các tài khoản Facebook giả mạo rồi vào các trang, nhóm mua bán hàng trên mạng, nhắn tin hỏi mua.

Khi người bán hàng đồng ý bán, thì các đối tượng sẽ cho thông tin tên tuổi, địa chỉ số tài khoản nhận tiền giả. Lấy lý do đang ở nước ngoài nên sẽ chuyển khoản thanh toán tiền mua hàng để yêu cầu người bị hại cung cấp số điện thoại và hướng dẫn họ đăng nhập thông tin, tài khoản, mật khẩu vào trang web giả mạo để xác nhận thông tin chủ tài khoản với ngân hàng.

Sau khi người bán hàng truy cập, nhập thông tin tên đăng nhập, mật khẩu của mình vào trang web thì đối tượng sẽ gọi điện thoại đến người bán hàng và nói là nhân viên Ngân hàng quốc tế, thông báo cho người bán hàng biết tài khoản của người bán hàng vừa nhận được tiền từ nước ngoài về, đồng thời yêu cầu người bán hàng phải đọc cho đối tượng mã OTP xác nhận gửi về máy di động để được nhận tiền.

Đấu tranh khai thác, các đối tượng khai nhận đã thực hiện nhiều vụ chiếm đoạt tài sản khác với thủ đoạn như trên.

Hiện Công an quận Long Biên đang tiếp tục điều tra, xử lý các đối tượng theo quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

TikTok 'lâm nạn' ở Mỹ

GD&TĐ - Lần thứ hai trong không đầy 4 năm, ứng dụng TikTok bị đưa vào vòng ngắm của chính quyền Mỹ.
Hiện nay, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam đang trở nên phức tạp hơn thể hiện qua số lượng đáng báo động là 13.900 vụ tấn công mạng được ghi nhận vào năm 2023.

'Giải mã' mục tiêu của mã độc Ransomware

GD&TĐ - Ransomware là một loại virus được mã hóa có nguy cơ gây tổn thương hệ thống mạng toàn cầu; cứ 11 giây, một tổ chức là mục tiêu của mã độc Ransomware.