Dùng đạn hạ anh rể vì nghi là… “ma lai”

GD&TĐ - Một tiếng súng nổ đanh gọn bên bờ suối Cát... Thấy Ya Nhất gục xuống, Ya Tăm chạy lên đồi giấu súng vào bụi cỏ tranh rồi đi nhậu.

Dẫn giải nghi phạm Ya Tăm đến nơi cất giấu súng.
Dẫn giải nghi phạm Ya Tăm đến nơi cất giấu súng.

Cho đến khi bị Công an huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) tạm giữ, Tăm vẫn nghĩ rằng mình vừa lập chiến công, giết “ma lai” trừ họa cho dân làng.

Án mạng bên dòng suối Cát

Sáng 30/11/2015 có lẽ là buổi sáng ám ảnh nhất với tuổi thơ của Tu Prông Đô (SN 2001), ở xã Pró, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Một vụ án mạng kinh hoàng xảy ra ngay trước mắt em mà nạn nhân lại chính là người cha thân yêu.

Tu Prông Đô kể, khoảng 7 giờ sáng 30/11, em chở cha là ông Ya Nhất (SN 1980), trú tại thôn Grăng Gọ, xã Pró băng qua suối Cát để sang rẫy của gia đình đào củ năng. Đến bờ suối Cát, Đô dừng xe để cha lội bộ qua suối và quay xe trở về đón mẹ. Thế nhưng, vừa quay xe đi được vài mét em bỗng giật mình hoảng hốt vì một tiếng nổ đanh gọn vang lên.

Sau tiếng nổ bất ngờ, tất cả lại như chìm vào im lặng đến rợn người. Đô bàng hoàng một lát, rồi sực tỉnh. Như chợt hiểu có điều không lành đã xảy ra, em lao về phía suối Cát. Một cảnh tượng kinh hoàng diễn ra trước mắt cậu bé chưa đầy mười lăm tuổi. Ông Ya Nhất, cha của em, nằm gục giữa dòng suối Cát. Máu loang đỏ một vùng nước...

Phía bên suối, Đô nhìn thấy một người đàn ông cầm súng dài, bịt mặt, mặc quần áo màu đen đang chạy lên đồi và lẩn nhanh vào rừng. Nước mắt lưng tròng, lòng đầy sợ hãi trước thảm cảnh vừa diễn ra, Đô quýnh quáng lấy xe chạy về nhà gọi hàng xóm đến cùng kéo xác cha lên bờ...

Nhận được tin báo về vụ án mạng nghiêm trọng, lực lượng Công an huyện Đơn Dương, phối hợp với các phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh Lâm Đồng đã có mặt tại hiện trường. Qua khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra phát hiện có nhiều dấu giày và thu được một vỏ đạn, loại đạn dùng cho súng trường.

Kết quả khám nghiệm tử thi xác định, nạn nhân bị một vết đạn xuyên từ hông phải sang hông trái. Vết đạn bắn ở cự ly khá gần, sức công phá mạnh, làm tổn thương đa phủ tạng và là nguyên nhân gây ra cái chết cho nạn nhân…

Từ những bằng chứng thu thập được, cơ quan điều tra nhận định, rất có thể đây là vụ án mạng có động cơ do thù tức cá nhân. Tất cả các mối quan hệ của nạn nhân Ya Nhất được dựng lên. Từ vóc dáng của hung thủ, việc nắm được quy luật đi lại của nạn nhân, các điều tra viên cho rằng, hung thủ phải có quan hệ gần gũi với nạn nhân. Không loại trừ khả năng hung thủ là người trong gia đình...

Qua kiểm tra, xác minh những biểu hiện bất minh về thời gian của các thành viên trong gia đình, dòng họ nổi lên đối tượng Ya Tăm (SN 1984). Tăm là anh em “cọc chèo” với nạn nhân Ya Nhất. Suốt quá trình khám nghiệm tử thi, khám nghiệm xong hiện trường Ya Tăm vẫn không có mặt tại nhà.

Công an huyện Đơn Dương đã mật phục để bắt tạm giữ Ya Tăm để phục vụ điều tra vụ án. Mới đầu, Tăm khai báo quanh co về thời gian bất minh của mình và nói không biết gì về việc anh Ya Nhất bị bắn. Tăm khai, sáng hôm đó đi chặt sú thuê, buổi trưa còn cùng hai người bạn uống rượu.

Tuy nhiên, điều tra viên đã khai thác sâu vào những mâu thuẫn trong lời khai của Tăm và những người bạn nhậu để đấu tranh, cuối cùng Tăm đã nhận chính mình là người bắn anh Ya Nhất. Sáng 1/12/2015, lực lượng công an đã dẫn giải Ya Tăm đến hiện trường để truy tìm tang vật vụ án. Đó là khẩu súng, quần áo, khăn che mặt cùng số đạn mà Tăm đã cất giấu trên hai quả đồi trên đường chạy trốn.

Khẩu súng và đạn mà Ya Tăm dùng để sát hại Ya Nhất.
Khẩu súng và đạn mà Ya Tăm dùng để sát hại Ya Nhất.

Giết anh “cọc chèo” vì nghi là “ma lai”

Ya Tăm và Ya Nhất là anh em “cọc chèo”, chung sống với nhau trong cùng một căn nhà được ngăn đôi bằng một bức vách tạm bợ trong hơn chục năm liền. Cách ngày xảy ra vụ án khoảng ba tháng, Ya Nhất mới xây một căn nhà nhỏ ngay bên cạnh căn nhà cũ hai gia đình từng sống chung.

Suốt bao năm chung nhà, chung vách, dẫu có lúc cũng lời qua tiếng lại nhưng mâu thuẫn gia đình chưa bao giờ khiến hai bên phải động tay động chân. Trẻ con nhà này vẫn sang nhà kia ngủ. Vợ Tăm hay nhờ vợ Ya Nhất trông chừng con...

Khoảng hai năm trở lại đây, xóm làng tự dưng rộ lên tin đồn “ma lai” nhập vào người Ya Nhất. Tăm tin lắm. Tăm không biết chữ, chuyện “ma lai” ăn vào đầu Tăm qua những lời kể của người lớn.

Tăm bảo, bố tôi nói có “ma lai”, người làng cũng bảo thế. Tôi từng bị đau trong người, đi xem thầy cúng, ông nói “ma lai” hại rồi làm phép, về nhà khỏe hẳn. Có người trong làng bị bệnh, đi thầy cúng kéo “ma lai” ra, tôi còn thấy rõ như vậy mà.

Tăm còn kể, chị Nai Thỉ (vợ Ya Thoàn) có cái bụng to, da vàng như nghệ, ăn không được, ngủ không được. Có lần đưa đi thầy cúng, ông thầy làm phép rồi chích lấy độc ra, về khỏe được một tuần. Bệnh tái phát lại tìm tới thầy, thầy lại làm như cũ, lại khỏe được thêm vài ngày.

Lần cuối cùng tới thầy cúng, ông này lắc đầu nói: “Nó bị ma lai hại rồi, tôi không chữa được đâu”. Tăm thắc mắc, ông thầy nói là người trong họ hàng hay ném đá lên mái tôn nhà Ya Thoàn. Tăm đoán chắc là Ya Nhất. Tin vậy và Tăm nghĩ rằng cần phải tìm cách tiêu diệt Ya Nhất để trừ hại cho người nhà, cho bản làng hết xui xẻo.

Ya Tăm tại cơ quan điều tra.
Ya Tăm tại cơ quan điều tra.

Bước đầu, Ya Tăm khai nhận hắn và anh Ya Nhất đã có mâu thuẫn từ lâu. Cách đây khoảng một năm, Ya Tăm đã dùng nỏ đuổi bắn Ya Nhất. Lần đó là Ya Nhất đòi đánh Ya Tăm vì Tăm nghi ngờ Nhất có “ma lai” trong người, chuyên ám hại người khác.

Khoảng giữa tháng 10/2015, vợ chồng Ya Thoàn đã đưa cho Ya Tăm 10 triệu đồng để mua súng. Thông qua Kră Jăn Tên và Yơr Lơng Nis, Ya Tăm đã mua được khẩu súng M1 Garand và khoảng 25 viên đạn từ Ya Tin với giá 4,8 triệu đồng.

Khai nhận về hành vi giết người của mình, nhưng Ya Tăm vẫn cho rằng, mình vừa giết “ma lai” trừ họa cho dân làng. Khi bắn hạ được Ya Nhất, Tăm bình thản đi lánh mặt vì “sợ bị người khác thấy đánh, bắt chứ không phải đi trốn”.

Ya Tăm còn khai thêm hai người có họ hàng liên quan đến vụ án là Ya Thoàn (SN 1971) hàng xóm, anh cột chèo của Tăm và Ya Măng (SN 1997), con trai Ya Thoàn. Thoàn khai: Hồi tháng 10/2015, thằng Tăm nó thấy Nai Thỉ càng lúc càng đau, nó nói Thỉ đưa 10 triệu để nó đi tìm thầy cúng giỏi chứ đâu có biết nó đi mua súng, giờ thì cả nhà mang họa.

Bị bắt cùng Thoàn là con trai ông vì hành vi che giấu tội phạm. Trong trại giam, ông Thoàn không giấu lo âu về người vợ ung thư gan giai đoạn cuối. Chỉ vì việc này mà ông và con trai đều bị bắt tạm giam: “Con tôi cũng bị bắt, ai bên cạnh mẹ nó giờ đây”.

Sau khi làm đám tang cho Ya Nhất, Nai Gươm (vợ Ya Tăm) thắp nhang cho anh rể, dắt theo một con trâu để đền theo tục của làng. Nhà nghèo, Gươm phải đi vay đầu trên xóm dưới, mỗi người một ít.

Trước bàn nhang, hai người phụ nữ ôm nhau khóc. Quay sang Nai Khương, Gươm nói mà nước mắt chảy dài: “Chị ơi, tha cho em, cho nhà em chị ơi, người chết đã chết rồi, người bị bắt thì bị bắt rồi, còn chị em ở nhà thôi”. Những đứa trẻ, con của Ka Nhất và Ya Tăm đứng ríu lại với nhau, im thin thít nhìn hai người mẹ khóc.

Nai Khương nói: “Lo nhất là thằng Tu Prông Đô, nó thấy cha nó bị bắn rồi nó sinh thù hận với người trong họ”. Từ hôm cha bị bắn chết, Đô không chơi với anh em trong họ nữa. Nó hay đứng một mình ở góc nhà, ánh mắt đăm đăm…

Ngày 24/6/2016, Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã đưa vụ án giết người vì nghi ngờ “ma lai” ra xét xử. Tòa tuyên phạt Ya Tăm 13 năm tù về tội giết người và sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Ya Thoàn bị tuyên 7 năm tù về tội giết người, Kră Jăn Tên 2 năm tù về tội mua bán trái phép vũ khí quân dụng.

Các bị cáo Ya Tin và  Yơr Lơng Nis mỗi bị cáo 1 năm tù về tội mua bán trái phép vũ khí quân dụng. Ngoài phải chịu hình phạt tù, bị cáo Ya Tăm và Ya Thoàn phải trả 60 triệu đồng chi phí ma chay cho gia đình nạn nhân, bồi thường 69 triệu đồng phí tổn thất tinh thần và phải trợ cấp cho 4 con nhỏ của nạn nhân 600 nghìn đồng/1 tháng/người.

Trong quan niệm của người K’Ho, “ma lai” là bóng ma ẩn trong thân xác ai đó và thôi thúc người đó đi hại người khác. Người bị ma lai hại chết dần chết mòn, đau ốm bệnh tật mà không có thuốc nào chữa trị được. Hủ tục ma lai dù đã được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động là không có thật nhưng đồng bào các dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên vẫn tin có ma lai chuyên hại người sống và tìm cách tiêu diệt. Nhiều vụ án mạng đã xảy ra tại cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên vì hủ tục này.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ