Đòi tiền sau ly hôn: “Vi phạm đạo đức và có dấu hiệu tội phạm”

GD&TĐ - Luật gia cho rằng, việc người đàn ông ly hôn nhưng đòi tiền ăn, tiền chữa bệnh…là hành vi đáng xấu hổ và vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Sự việc người đàn ông được cho là có hành vi đòi tiền ăn, tiền chữa bệnh...sau khi ly hôn khiến cộng đồng mạng xôn xao
Sự việc người đàn ông được cho là có hành vi đòi tiền ăn, tiền chữa bệnh...sau khi ly hôn khiến cộng đồng mạng xôn xao

Ngày 4/3, nhiều người bất ngờ và không hỏi bức xúc khi chứng kiến biên bản bàn giao tiền và giấy tờ lan truyền trên mạng xã hội mà 2 vợ chồng trẻ đã ký kết thể hiện nội dung người vợ phải trả tiền cho người chồng để được nhận lại giấy tờ tuỳ thân, được  “tự do” sau 14 tháng chung sống.

Điều bất ngờ là trong biên bản này thể hiện nội dung cô vợ phải trả cho người chồng một số khoản tiền bao gồm tiền ăn trong thời gian sinh sống, tiền học phí của cô này, tiền chữa bệnh và các khoản tiền quà mừng cưới... thì người chồng mới trả giấy tờ tùy thân cho cô gái này.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhận xét, đây là hành vi đáng xấu hổ, vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Dưới góc độ pháp luật, Luật sư Cường cho biết, khi ly hôn vợ chồng có thể tự thỏa thuận để giải quyết với nhau về việc chia tài sản chung và xác nhận tài sản riêng vợ chồng.

Theo đó, tài sản chung vợ chồng là những tài sản được tặng cho chung, thừa kế chung, do vợ chồng lao động sản xuất làm ra trong thời kỳ hôn nhân.

Bởi vậy với những khoản tiền, nhẫn cưới và các tài sản khác mà hai vợ chồng được tặng cho chung thì sẽ phải chia đôi có tính đến công sức đóng góp, nguồn gốc tài sản và ưu tiên quyền lợi của phụ nữ.  Đối với những nữ trang cá nhân thì sẽ là tài sản riêng của người vợ.

“Bởi vậy, nếu trường hợp người đàn ông này giữ giấy tờ của người phụ nữ với mục đích để ép buộc người phụ nữ này phải đưa cho anh ta những tài sản không phải là tài sản chung, không thuộc quyền sở hữu của anh ta thì đây là hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Pháp luật không quy định cho phép khi ly hôn một trong hai bên lại đòi tiền ăn trong quá trình sinh sống với nhau, tiền khám chữa bệnh, tiền học phí cũng là chi phí đã chi ra rồi, pháp luật cũng không cho phép đòi lại những khoản tiền này. Vì vậy việc người đàn ông này đòi lại những khoản tiền đó là không có cơ sở pháp lý và không phù hợp với đạo đức xã hộI”, Luật sư Cường nói.

Cũng theo Luật sư Cường cho biết, trong sự việc này, cơ quan chức năng có thể vào cuộc xem xét làm rõ các khoản tiền, tài sản được kê trong biên bản này có phải là tài sản của người đàn ông đó không.

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy việc yêu cầu đưa tài sản là không có căn cứ pháp luật, hành vi của người đàn ông này là đe dọa, uy hiếp người phụ nữ, lợi dụng tình trạng khó khăn của người phụ nữ này để chiếm đoạt tài sản thì đây là hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Trường hợp người phụ nữ này vì bị đe dọa, uy hiếp mà miễn cưỡng phải giao tài sản cho người đàn ông này thì hành vi có dấu hiệu tội phạm.

Hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 170 bộ luật hình sự năm 2015. Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:

"Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản

Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; e) Tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản."

Theo Luật sư Cường: “trong trường hợp cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ có căn cứ cho thấy rằng người đàn ông này đã giữ giấy tờ của người phụ nữ để đe dọa uy hiếp, buộc người phụ nữ này phải đưa những khoản tiền không có căn cứ, không đúng pháp luật cho mình.

Người phụ nữ này vì lo sợ, vì bị ép buộc, dọa nạt nên miễn cưỡng đưa tiền cho người đàn ông này thì dù việc đưa tiền có sự chứng kiến của cơ quan tổ chức cá nhân thì hành vi này cũng là hành vi cưỡng đoạt tài sản, hành vi thỏa mãn dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản theo điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015. Với số tiền dưới 50.000.000 đồng thì người có hành vi phạm tội sẽ phải đối mặt với mức hình phạt từ 01 năm đến 05 năm tù.

Mẫu chốt ở đây là cơ quan điều tra sẽ làm rõ số tiền, tài sản mà người phụ nữ đã phải miễn cưỡng đưa cho người đàn ông này là thuộc quyền sở hữu của ai, có phải là tài sản chung vợ chồng hoặc tài sản riêng của anh ta hay không?

Trong trường hợp có tranh chấp về việc chia tài sản chung vợ chồng thì hai bên có thể đưa sự việc đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác khiến người khác phải bàn giao tài sản cho mình một cách trái ý muốn”.

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, việc người đàn ông ly hôn nhưng đòi tiền ăn, tiền chữa bệnh… là hành vi đáng xấu hổ và vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, việc người đàn ông ly hôn nhưng đòi tiền ăn, tiền chữa bệnh… là hành vi đáng xấu hổ và vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. 

Theo quy định tại Điều 19, Luật hôn nhân và gia đình thì vợ chồng có nghĩa vụ yêu thương, chăm sóc, quý trọng, giúp đỡ lẫn nhau. Việc vay mượn, chi phí để thực hiện các nhu cầu tối thiểu thiết yếu như: ăn, mặc, ở, chữa bệnh là nghĩa vụ của chồng đối với vợ và của vợ đối với chồng. Pháp luật không cho phép đòi lại các khoản tiền liên quan đến các nhu cầu thiết yếu này.

Như vậy, nghĩa vụ yêu thương, chăm sóc, quý trọng lẫn nhau là nghĩa vụ chung của vợ chồng. Trong trường hợp gia đình kinh tế khó khăn đến mức không có tiền để ăn, mặt, chữa bệnh, chỗ ở thì cả hai đều có nghĩa vụ, trách nhiệm trong việc đảm bảo vấn đề đó.

Nếu một bên đi vay mượn tiền để về trả tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền chữa bệnh thì cả hai bên đều có nghĩa vụ thanh toán. Trường hợp số tiền ăn, ở, chữa bệnh do một bên làm ra thì bên kia không có nghĩa vụ phải trả lại. Thu nhập có được trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung vợ chồng, nếu chi tiêu vào các nhu cầu thiết yếu, tối thiểu thì các bên không có quyền đòi lại.

Cuộc hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về tài sản chung vợ chồng như sau:

“Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng

Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”

Như vậy, nếu tiền đóng học phí, tiền ăn, tiền khám chữa bệnh của người vợ là tiền do người chồng làm ra trong thời kỳ hôn nhân thì đây cũng là tiền chung của vợ chồng.

Các hoạt động học tập, khám chữa bệnh, ăn uống là các hoạt động tối thiểu, thiết yếu nên việc sử dụng các khoản tiền này vào các mục đích này thì coi như tài sản đã được sử dụng, không còn để chia, không có nghĩa vụ để thanh toán trả lại cho nhau. Việc người chồng yêu cầu người vợ phải trả các khoản tiền này là không có cơ sở pháp lý, xâm hại đến quyền sở hữu tài sản của người vợ.

Đối với các khoản tiền, vàng có trong Biên bản thỏa thuận nêu trên thì cũng cần phải xem xét đây là tài sản chung hay tài sản riêng vợ chồng. Nếu trường hợp là tài sản chung theo Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình nêu trên thì phải chia đôi khi ly hôn, trường hợp là tái sinh sản riêng của người vợ thì hành vi đe dọa để buộc giao tài sản đó là hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Trong vụ việc này nếu cơ quan chức năng phát hiện thông tin sự việc có dấu hiệu tội phạm trên mạng xã hội hoặc qua đơn tố cáo, tố giác của người vợ thì sẽ thụ lý tin báo để xác minh làm rõ sự việc.

Trên cơ sở có căn cứ cho thấy các khoản tiền, tài sản ghi trong biên bản này là tài sản của người vợ, người chồng vì lòng tham mà đã đe dọa, uy hiếp người vợ để buộc phải giao số tài sản này thì đây là hành vi cưỡng đoạt tài sản, người chồng sẽ bị xử lý hình sự theo điều 170 bộ luật hình sự năm 2015 nêu trên.

Pháp luật Việt Nam quy định chế độ tài sản riêng vợ chồng và bảo vệ quyền sở hữu tài sản của mọi công dân kể cả trong quan hệ hôn nhân. Vì vậy, hành vi đe dọa không trả lại giấy tờ cũng là một thủ đoạn để uy hiếp tinh thần của người khác. Vấn đề này cơ quan chức năng sẽ làm rõ để giải quyết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ