Bộ GTVT ban hành văn bản trái với Hiến pháp và Bộ luật Lao động

GD&TĐ - Ngày 30/6/2017, Bộ GTVT ban hành Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT, để thay thế cho Thông tư số 41/2015/TT-BGTVT. Tuy nhiên, cả hai văn bản nêu trên đều có vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp và Bộ luật Lao động năm 2012. 

Phi công – Nhân viên hàng không trình độ cao. Ảnh: theo Zing.vn
Phi công – Nhân viên hàng không trình độ cao. Ảnh: theo Zing.vn

Bộ nói… bộ phải

Ngày 12/6/2015, Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành Thông tư số 41/2015/TT-BGTVT (Thông tư 41/2015), sửa đổi bổ sung một số điều trong phần 12 và 14 của Bộ quy chế an toàn hàng không dân dụng trong lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay.

Tại phần 14.169 của văn bản này, có quy định “nhân viên hàng không trình độ cao” muốn nghỉ việc phải báo trước 120 ngày. Ngoài ra khi chuyển đổi nhà khai thác, nhân viên phải: “Đã chấm dứt hợp đồng lao động và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ (nếu có) đối với người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay hiện tại theo quy định…”.

Sau đó, ngày 30/6/2017, Bộ trưởng Bộ GTVT, ban hành Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT (Thông tư 21/2017), văn bản này cũng đưa những nội dung trên vào “Bộ quy chế an toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay”.

Điều mà dư luận đang quan tâm đó là những quy định trong 2 Thông tư 41/2015 và 21/2017 của Bộ GTVT đang trái với Điều 35 của Hiến pháp; trái với Điều 37 Bộ luật Lao động và trái với Điều 5 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cho rằng việc ra các văn bản nêu trên không trái với pháp luật, tại buổi họp báo Chính phủ ngày 2/6/2018 khi trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng:Hai thông tư số 41/2015 và Thông tư 21/2017 thay thế Thông tư 41 cả hai thông tư này đều điều chỉnh việc sử dụng người lao động trong lĩnh vực hàng không. Do lĩnh vực hàng không có nhiều điểm rất đặc biệt, tiêu chí an toàn an ninh hàng không phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn đặc biệt khắt khe. Đào tạo các nhân viên ngành hàng không, đặc biệt là các phi công, rất mất thời gian, quy trình quy định khác nhau.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, tại Khoản 1, Điều 70 của Luật Hàng không dân dụng 2006 đã giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về chế độ lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không. Căn cứ quy định này, ngày 12/8/2015, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 41/2015/TT-BGTVT và sau đó được thay thế bằng Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT để tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng nhân viên hàng không bậc cao, tạo điều kiện cho việc sử dụng nguồn nhân lực một cách hài hòa, không tạo nên những đột biến trong quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động khai thác cảng hàng không, sân bay.

Theo quy định của Thông tư thì nhân viên hàng không trình độ cao khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải báo trước cho người sử dụng lao động 120 ngày. Theo quy định tại Điều 37 Bộ luật Lao động, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày.

Như vậy, Điều 37 của Bộ luật Lao động chỉ quy định mức giới hạn tối thiểu mà không quy định mức tối đa. Mặt khác, tại Khoản 2, Điều 3, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định: “Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với luật khác về cùng một nội dung liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng thì áp dụng quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam”, do vậy quy định trong Luật này được ưu tiên.

Hiến pháp không cho phép…

Trao đổi với PV Báo GD&TĐ về những nội dung trong 2 văn bản nêu trên hiện đang không tuân thủ một số vấn đề trong việc chấm dứt hợp đồng lao động và bồi hoàn chi phí đào tạo không đúng với quy định, Luật sư Lê Minh Thắng – Giám đốc Công ty Luật K và Cộng Sự, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết:

Bộ quy chế an toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay (ban hành kèm theo Thông tư 21/2017) gồm 23 phần. Trong đó, phần 14.169 quy định về các yêu cầu, trình độ đối với nhân viên hàng không “trình độ cao” bao gồm: Thành viên tổ lái (phi công); nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay có chứng chỉ CRS mức B trở lên đã có sự vi phạm nghiêm trọng Luật Lao động, cụ thể:

Tại mục 3.b. Chấm dứt hợp đồng lao động, quy định:

“1. Nhân viên hàng không trình độ cao có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn, nhưng phải thông báo bằng văn bản cho Người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay ít nhất 120 ngày trước ngày dự kiến chấm dứt hợp đồng lao động để Người khai thác tàu bay lập kế hoạch duy trì hoạt động bảo đảm khai thác tàu bay theo kế hoạch bay đã được phê duyệt.

2. Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 điểm này nếu kết thúc vào tháng 6, tháng 7 của năm thì hợp đồng lao động sẽ kéo dài đến hết tháng 7 của năm đó. Trường hợp thời hạn kết thúc của hợp đồng vào tháng 1 hoặc tháng 2 của năm thì hợp đồng lao động sẽ kéo dài đến hết tháng 2 của năm đó.”

Trong khi đó, Khoản 3 Điều 27, Bộ luật Lao động quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động, nêu rõ: “ Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày”.

Như vậy, rõ ràng quy định nêu trên trong Thông tư 21/2017 của Bộ GTVT ban hành ngày 30/06/2017, đang trái với Luật Lao động, không phù hợp với tinh thần của Điều 35 Hiến pháp 2013.

Theo đó, Điều 35 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nêu rõ: “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi. Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu”.

Mặt khác, Thông tư 21/2017 đã được Bộ GTVT ban hành dựa trên nền tảng Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2014 với quan điểm cho rằng: “Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với quy định của luật khác về cùng một nội dung liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng thì áp dụng quy định của Luật này” - (khoản 2 Điều 3) là không phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật vì bản thân nó vi phạm các nguyên tắc cơ bản (quy định tại Điều 5), cụ thể:

- Đảm bảo tính hợp Hiến;

- Đảm bảo tính hợp pháp;

- Đảm bảo tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật.

- Đảm bảo công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.      

Qua phân tích nêu trên, có thể thấy, việc không cho người lao động được thực hiện các quyền và hưởng các lợi ích hợp pháp của họ sẽ khiến cho Người lao động chán nản và khó kiểm soát hành vi (nhân viên hàng không trình độ cao - loại lao động đặc thù). Điều này sẽ gây nguy hiểm đối với an toàn bay, nhà quản lý ban hành văn bản cần phải xem xét từ nhiều khía cạnh, không thể dùng ý chí của người sử dụng lao động áp đặt cho nhân viên.

Như vậy, việc ban hành Thông tư số: 21/2017/TT-BGTVT ngày 30/06/2017 quy định chung một thời hạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động 120 ngày là trái quy định của Luật Lao động nên cần phải hủy bỏ để tránh mọi khiếu kiện hoặc tiền lệ xấu cho các luật khác “cơ hội gặm nhấm” Luật lao động. Qua đó tránh việc các ngành lạm dụng tính đặc thù để tước bỏ, gây cản trở người lao động thực hiện các quyền lợi của họ, cũng như bảo vệ tính toàn vẹn của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Dư luận đang chờ đợi Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ GTVT cùng các ngành có liên quan, sớm xem xét sửa đổi lại hoặc hủy bỏ văn bản nêu trên, bởi nội dung quy định trong văn bản đang vi phạm Hiến pháp 2013 và quy định của Bộ luật Lao động cũng như Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật...

Báo GDTĐ tiếp tục thông tin đến bạn đọc....

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ