Bí thư chiếm đất, chính quyền… “bất lực” ở Phong Thổ (Lai Châu): Bí thư huyện tin lời... “họ hứa”

Bí thư chiếm đất, chính quyền… “bất lực” ở Phong Thổ (Lai Châu):  Bí thư huyện tin lời... “họ hứa”

Bí thư “vị tình”, Chủ tịch “thương dân”

Theo tài liệu, gia đình ông Đỗ Văn Khôi, Bí thư Chi bộ bản Pa Nậm Cúm (xã Ma Li Pho), kiêm Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Mai Hưng đã nhiều lần lấn chiếm sông Nậm Na. Tổng diện tích lấn chiếm, san lấp là hơn 10.000m2. Thông tin trên đã được chính quyền xã Ma Li Pho xác nhận.

Đã có nhiều cuộc làm việc giữa chính quyền xã Ma Li Pho, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phong Thổ, bản Pa Nậm Cúm với gia đình ông Khôi. Song dường như sai phạm vẫn cứ sờ sờ ra như một sự thách thức với pháp luật. Phải chăng, cấp ủy, chính quyền cả huyện Phong Thổ và tỉnh Lai Châu “bất lực”.

Lần làm việc gần đây nhất, đại diện xã Ma Li Pho cam kết sẽ có những biện pháp cứng rắn, xử lý sai phạm và khắc phục hậu quả báo về UBND huyện trước ngày 15/10. Song đến nay đất vườn và cả đất sông thì đã biến thành “nhà xưởng”.

Ngày 14/11/2019, Huyện ủy Phong Thổ có Công văn số 602-CV/HU về việc đôn đốc chỉ đạo xử lý vi phạm về quản lý đất đai gửi UBND huyện, xã, thị trấn trên địa bàn. Huyện ủy Phong Thổ yêu cầu xử lý quyết liệt đối với những sai phạm trong quản lý đất đai trên địa bàn xã Ma Li Pho. Đặc biệt là những sai phạm được chỉ ra trong kết luận 745/KL-UBND ngày 6/9/2019 của UBND huyện.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Ngọc Vinh, Bí thư Huyện ủy Phong Thổ cho biết, khi biết những sai phạm của gia đình ông Khôi, Huyện ủy đã có ý kiến cả trực tiếp lẫn chỉ đạo bằng văn bản. Gia đình ông Khôi cũng đã cam kết sẽ dừng việc san lấp và khôi phục để trả lại hiện trạng ban đầu.

“Gia đình chậm khắc phục là do nước sông đang dâng cao. Họ hứa đợi khi nước rút sẽ xúc đất đi để trả lại hiện trạng. Bản thân cấp ủy, chính quyền chúng tôi rất nỗ lực và chỉ đạo quyết liệt. Chúng tôi cũng đã báo cáo tỉnh rồi để xin hướng xử lý”, ông Nguyễn Ngọc Vinh nói về “lời hứa” của ông Khôi.

Ông Trần Văn Quế, Chủ tịch UBND huyện thì có phần “dĩ hòa vi quý” khi nói: “Chúng tôi đang làm rất tích cực. Đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường cùng với xã chỉ đạo quyết liệt để mời Sở Tài nguyên và Môi trường vào kiểm tra. Yêu cầu gia đình trả lại nguyên trạng phần lấn ra suối thôi. Khu đấy đất trước kia của gia đình nó thoai thoải xuống. Sở Tài nguyên và Môi trường đi kết luận cái phần lấn ra thì hộ phải hót, trả lại lòng sông. Bắt người ta phải hót đến bờ sông ý”.

Khối lượng đất đá san lấp lớn, bằng cả ngọn tre từng mọc ven bờ Nậm Na trước đó
 Khối lượng đất đá san lấp lớn, bằng cả ngọn tre từng mọc ven bờ Nậm Na trước đó

Chủ tịch huyện: “Biết làm sao, xử thế nào được!”

Khi phóng viên đề cập đến những diện tích mà ông Khôi tự ý san lấp và chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang mục đích khác (lán, xưởng) thì ông Trần Văn Quế, Chủ tịch UBND huyện cho biết, sẽ không bắt gia đình phải trả lại hiện trạng như ban đầu và như đề xuất của chính quyền xã Ma Li Pho. “Thì bây giờ để lại thôi chứ biết làm sao, xử lý thế nào được”, ông Quế nói.

Khi phóng viên hỏi: “Nghĩa là chính quyền đã chấp nhận việc làm phi pháp của gia đình ông Khôi?” thì ông Quế cho biết đó là sự đã rồi nên đành chấp nhận. “Bây giờ không chấp nhận thì xử lý thế nào? Bắt người ta hót đi à?”, ông Quế hỏi vặn lại phóng viên.

Ông Quế nói ngược hoàn toàn với kết luận thanh tra cũng như chỉ đạo của Bí thư huyện, rằng: “Phần đất (10.000m2) mà ông Khôi tôn lên đấy là gia đình san gạt thôi. Là đất của họ. Không phải là đất của đơn vị khác, cũng không phải là đất của xã”.

Được biết, tại biên bản làm việc ngày 8/10/2019 giữa Phòng Tài nguyên và Môi trường do ông Lê Hữu Hồng - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, ông Trần Ngọc Phương – Công chức Phòng Tài nguyên và Môi trường với đại diện chính quyền xã Ma Li Pho gồm các ông: Tẩn Chỉn Hùng – Chủ tịch UBND xã và ông Nguyễn Tuấn Anh, công chức địa chính đất đai đã xác định “gia đình ông Khôi có hành vi lấn chiếm, san lấp đất xuống sông Nậm Na với diện tích hơn 10.000m2 và công trình xây dựng trái phép trên đất”.

Sai phạm của ông Khôi là vậy. Ông Quế là Chủ tịch huyện, được giao quản lý, hiển nhiên phải nắm được vấn đề. Thế nhưng, ông chủ tịch huyện này vẫn nói: “Bây giờ mà bắt người ta hót lên thì cũng không giải quyết vấn đề gì. Mục đích sử dụng ở khu vực đấy trước kia là đất nông nghiệp.

Giờ anh cải tạo lên, anh vẫn sử dụng vào mục đích đất nông nghiệp thì không vấn đề gì. Theo quy định của luật, anh chuyển đổi mục đích thì phải làm các thủ tục chuyển đổi. Nếu anh tự ý chuyển đổi là anh không được phép”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.