Pháp luật cạnh đường tàu

GD&TĐ - Việc dẹp café đường tàu ở Hà Nội là cần thiết để bảo đảm an toàn cho hành lang đường sắt. Nhưng lâu dài hơn, có lẽ chúng ta có thể nghĩ đến một quy hoạch nào đó nhằm thu hút du khách.

Pháp luật cạnh đường tàu

Ngày nào đi qua đường Điện Biên Phủ ngay giữa trung tâm Hà Nội, người ta cũng có thể bắt gặp những cô gái người Nhật, người Hàn xúng xính áo dài chụp ảnh với đường tàu hỏa chạy qua đây. Thật sự những quán café đường tàu rất hút du khách, cả khách phương Tây, khách châu Á lẫn du khách trong nước.

Tạo dáng cạnh đường tàu, ngay trên đường tàu, thậm chí khi đoàn tàu chạy đến còn cách có vài mét - có lẽ những trải nghiệm “cảm giác mạnh”, sự hồi hộp, vội vã sơ tán lúc tàu sắp chạy qua đem lại thêm chút màu sắc sôi động cho nhịp sống hàng ngày đôi khi đều đặn quá?

Nhưng từ hôm qua, cảnh tượng đó đã không còn nữa. Ngày 10/10, thành phố ra tay đình chỉ hoạt động kinh doanh café đường sắt phố cổ Hà Nội, một động thái khá nhanh giữa những lúc tranh cãi vẫn đang diễn ra khá nóng. Đó là hành động kịp thời để bảo đảm pháp luật được tuân thủ.

Các gia đình sống gần đường tàu, có chỗ chưa đầy 2m, hoàn toàn vi phạm hành lang an toàn đường sắt đã được quy định phải từ 5,3m, nhưng đó là vấn đề do lịch sử để lại và chúng ta phần nào phải chấp nhận. Còn kinh doanh để thu hút du khách đông đúc, ồn ào, đầy rủi ro thì lại là chuyện khác.

Mới chiều 6/10, một chuyến tàu từ ga Hà Nội đi Hải Phòng đã phải dừng khẩn cấp hơn 1 phút ở phố Phùng Hưng, ngay trung tâm Hà Nội, để tránh nữ du khách châu Á chụp ảnh trên đường sắt. Niềm vui cho du khách nhưng lại là những phen thót tim cho lái tàu, khi hơn một năm trở lại đây, với sự phát triển nhộn nhịp của các quán café đường tàu, họ phải nhiều lần dừng hãm để tránh du khách đứng ngồi chụp ảnh, thậm chí không nghe tiếng còi.

Khoảng cách giữa du khách với đoàn tàu có nơi chỉ vài chục cm, ai biết được lúc nào một du khách vướng túi, vướng dây máy ảnh, vướng váy áo hay lỡ xô đẩy nhau ngã vào đoàn tàu chạy qua. Độc đáo, vui vẻ, nhưng trước hết phải an toàn, tôn trọng pháp luật, đừng để khi có chuyện mới lại nhiếc móc, đổ lỗi cho nhau.

Có những người nhắc đến làng du lịch Thập Phần ở Đài Bắc, Đài Loan, Trung Quốc như một ví dụ biện hộ cho việc cần giữ lại café đường tàu Hà Nội.

Ở làng cổ Thập Phần, hai bên đường sắt cũng là những cửa hàng lưu niệm, hàng ăn, là du khách chụp ảnh, vui chơi và thả đèn trời. Nhưng điểm khác biệt, ở Đài Loan pháp luật khá nghiêm minh và không có chuyện người dân được tự phát kinh doanh tại đây. Tuyến đường sắt chạy qua Thập Phần hoàn toàn được quy hoạch cho du lịch, con tàu chạy qua đây là tàu du lịch, với tốc độ rất chậm, không phải tàu hoạt động thương mại đông đúc như ở Hà Nội.

Nhân viên đường sắt ở Thập Phần sẽ cảnh báo giờ tàu chạy qua và mọi người buộc phải tôn trọng hành lang an toàn đã được dựng lên, không có chuyện những đám đông lố nhố bất chấp sự an toàn để đổi lấy vài kiểu ảnh sống ảo.

Nhu cầu trải nghiệm cảm giác mạnh của du khách là có thật. Nhưng trong khi chưa thể tổ chức du lịch có quy hoạch, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân lẫn sự nghiêm minh của chính quyền chưa được đầy đủ, thì việc dẹp café đường tàu là cần thiết. Về lâu dài, hãy nghĩ đến những bài toán du lịch theo cách nào đó ở ga Hà Nội, ga Long Biên, để thực sự khai thác được những chuyến tàu hỏa gắn với những ký ức lịch sử lẫn đời sống đương đại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ