Ám ảnh tai nạn
Thực tế tại các tuyến đường sắt chạy song song với QL 1 từ phố Lê Duẩn (Hà Nội) tới huyện Thanh Liêm (Hà Nam), phóng viên ghi nhận nhiều đoạn đường sắt không có rào chắn kiên cố. Đặc biệt ở khu vực phố Lê Duẩn, Khâm Thiên... người dân bước ra khỏi cửa nhà là giáp mặt đường sắt. Hay khu vực ga Văn Điển, ga Tía, ga Thị trấn Phú Xuyên, người dân tổ chức lao động, sinh hoạt ngay bên cạnh đường sắt. Nguy hiểm hơn nữa, nhiều đoạn, người dân tự ý xé rào sắt mở đường ngang, có hộ bắc cầu gỗ qua đường sắt và rào chắn kiên cố để vận chuyển đồ đạc.
Nguy hiểm không kém, tại khu vực xã Liêm Tiết (TP Phủ Lý) và xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm (Hà Nam), tới gần 30 điểm người dân đổ đất đá mở lối đi ngang đường sắt, san lấp nền trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và hành lang ATGT.
Ông Nguyễn Văn Đang, trú tại xã Liêm Cần, cho biết: “Đây là khu vực người dân kinh doanh đá cảnh. Họ xếp đá lộn xộn, không chỉ ảnh hưởng đến đường sắt mà cả đường quốc lộ. Cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần xử lý, nhưng đâu vẫn vào đấy”. Ngay khi nhận được sự kiến nghị từ người dân, lực lượng chức năng đã tổ chức cưỡng chế, giải tỏa, bảo đảm hành lang ATGT.
Một thực trạng đáng lo lắng hơn là khi người dân đi qua gác chắn không tuân thủ gác chắn cảnh báo tự động đường sắt, nhân viên trực gác chắn. Điều đó không chỉ khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh mất mát khi tai nạn xảy ra, mà còn ảnh hưởng đến nhiều người khác, gây thiệt hại rất lớn cho ngành đường sắt. Tất thảy đều là nguy cơ dẫn đến những vụ TNGT đường sắt thương tâm Chỉ riêng quý I/2017 đã xảy ra 97 vụ, làm 50 người chết, 57 người bị thương, và có nhiều diễn biến phức tạp, tăng cả ba tiêu chí, gây bức xúc trong dư luận.
Điển hình như vụ xảy ra ngày 4/2 tại thị trấn Gôi (Vụ Bản, Nam Định) khiến ít nhất hai người tử vong và năm người khác bị thương. Nghiêm trọng nữa, ngày 20/2 đoàn tàu SE2 đã gặp tai nạn tại khu vực Lăng Cô - Cầu Hai (Thừa Thiên - Huế) khi va chạm với ôtô tải chở đá. Vụ tai nạn thương tâm đã khiến ba người chết tại chỗ, bốn người bị thương. Đặc biệt, vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng tại địa bàn huyện Thường Tín (Hà Nội), ngày 24/10/2016, một chiếc xe ôtô hiệu Honda CRV chở theo bảy người trên xe chạy trên QL 1A đoạn qua thôn Văn Giáp, xã Văn Bình do không chú ý quan sát đã bị tàu hỏa đâm khiến năm người chết và hai người khác bị thương nặng. Từ tháng 4 tới nay, tai nạn vẫn tiếp diễn với những hậu quả khó lường.
Vẫn thiếu cơ chế phối hợp
Là cán bộ cơ sở, ông Bùi Công Thản, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thường Tín (Hà Nội), nêu lên thực trạng: Tổng chiều dài đường sắt qua huyện là hơn 17km; trong đó có hơn 160 đường ngang và lối đi dân sinh và chỉ có 26 đường ngang được cấp phép, 30 đường ngang không được cấp phép nhưng chưa thể xóa được. Vì sao vậy? Ông Thản trả lời: “Vì xóa là “chặn đường sống” của người dân khi một lối như vậy có rất nhiều người dân sinh sống. Với tốc độ phát triển đô thị như hiện nay, người dân sống bám vào quốc lộ, bám vào đường sắt, nên hiển nhiên người dân sống chung với hiểm nguy…”.
Một địa bàn khác là tỉnh Hưng Yên, đường sắt chạy qua huyện Văn Lâm với hơn 16km, trong khi đó các nhà máy, xí nghiệp không ngừng tăng, lưu lượng công nhân đi qua các lối đi dân sinh nhiều, khiến tai nạn năm 2016 tăng gấp nhiều lần so với các năm khác. Trong khi tại Đồng Nai, suốt chiều dài hơn 89km đường sắt, có 123 điểm giao cắt với đường bộ. Trong đó 57 đường ngang hợp pháp, 66 đường ngang dân sinh trái phép.
Đem những vướng mắc của địa phương gặp lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, ông Tạ Mạnh Thắng, Trưởng ban ATGT (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam - VNR), cho biết: Hiện nay cả nước có hơn 5.700 đường ngang, trong đó có 1.514 đường ngang hợp pháp và chỉ có 641 đường ngang có người gác; bình quân 1km đường sắt có 1,85 lối giao cắt. Nhiều đường ngang hẹp, thiếu tầm quan sát, không có gờ giảm tốc. Đây chính là các điểm tiềm ẩn có nguy cơ rất cao về TNGT đường sắt bởi theo thông kê những năm gần đây TNGT tại các điểm giao cắt đồng mức chiếm khoảng 85% trong tổng số các vụ TNGT đường sắt..
Ông Thắng thừa nhận: “Để giảm thiểu TNGT, tại các đường ngang lớn cần có người gác, cảnh báo. Song nếu để triển khai toàn bộ, ngành đường sắt không kham nổi. Để đầu tư kinh phí cho một gác chắn, bình quân một năm phải chi 700 triệu đồng. Đó là con số khổng lồ mà ngành không kham nổi, do đó cần sự phối hợp của các địa phương, ban ngành”.
Tại Nghị quyết số 88/2011/NQ của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự ATGT cũng chỉ ra trách nhiệm của các địa phương và các cơ quan chức năng. Tiếp đó trong Quyết định số 994/QĐ-TTg năm 2014 của Chính phủ, quy định: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức cưỡng chế giải tỏa các công trình vi phạm hành lang an toàn đường sắt đã được đền bù, công trình tái lấn chiếm; cương quyết không để phát sinh thêm các vi phạm hành lang an toàn đường sắt và các đường ngang trái phép; tổ chức cảnh giới bảo đảm an toàn giao thông tại các lối đi dân sinh có nguy cơ cao xảy ra TNGT.
Tuy nhiên từ đó đến nay, quy chế phối hợp đã không được như mong muốn. Nhiều địa phương trông chờ vào ngành đường sắt. Trong khi đó, lãnh đạo ngành đường sắt cho biết, không thể “căng ra” để thuê người cảnh giới, trực chốt gác chắn.