Do đó, các giao dịch, mua bán, trao đổi, sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán là trái pháp luật, không được phép.
Tuy nhiên, thời gian gần đây dịch vụ đào tiền ảo, góp vốn kinh doanh, mua bán tiền ảo vẫn nở rộ. Mặc dù, mới du nhập vào nước ta nhưng đã có nhiều vụ kinh doanh tiền ảo có dấu hiệu lừa đảo xảy ra với số tiền rất lớn, gây mất tình hình an ninh trật tự xã hội, đảo lộn cuộc sống người dân.
Đơn cử như vụ lừa đảo tiền ảo iFan của Công ty cổ phần Modern Tech tại TPHCM khiến 32.000 người bị thiệt hại 15.000 tỷ đồng. Mới đây nhất là vụ ông chủ của Hợp tác xã Bầu trời công nghệ (Sky mining) đột ngột biến mất, nhà đầu tư có nguy cơ mất trắng số tiền lên đến 900 tỷ đồng!
Do pháp luật cấm việc sản xuất, lưu thông các loại tiền ảo và chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến tiền ảo nên việc huy động vốn bằng tiền ảo cũng là hành vi bị cấm. Có nghĩa các giao dịch, góp vốn kinh doanh tiền ảo là giao dịch vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015. Vì thế, các bên kinh doanh tiền ảo khi giao kết hợp đồng đã thay đổi bằng hình thức khác để đảm bảo đúng quy định của pháp luật nên việc xử lý rất khó khăn.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn có nhiều cách để ngăn chặn việc giao dịch, kinh doanh tiền ảo, vì hành vi huy động góp vốn từ nhà đầu tư diễn ra công khai, hoạt động trong thời gian khá dài.
Do vậy, dư luận thắc mắc là tại sao cơ quan chức năng lại không kịp thời ngăn chặn hoạt động kinh doanh tiền ảo, nhất là việc nhập máy đào tiền ảo vào Việt Nam?
Vì vậy, cơ quan chức năng cần tuyên truyền, cảnh báo nâng cao ý thức pháp luật cho người dân trong việc góp vốn kinh doanh tiền ảo. Đồng thời, phải thụ lý, điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán, kinh doanh tiền ảo nhằm kịp thời ngăn chặn tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua việc góp vốn kinh doanh tiền ảo lây lan ra các địa phương.
Ngoài ra, nên cấm việc nhập khẩu các máy đào tiền ảo về Việt Nam khi chưa có cơ sở pháp lý trong vấn đề liên quan đến tiền ảo.